Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vụ việc về tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân.
Lãnh đạo, thẩm phán, thư ký TAND huyện Xuân Trường trao đổi nghiệp vụ giải quyết các vụ việc dân sự. |
Nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án dân sự, ngành TAND tỉnh tăng cường quán triệt các văn bản của Đảng, của ngành về cải cách tư pháp, các đạo luật mới về tư pháp, nhất là Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình… tới cán bộ, thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân làm công tác giải quyết các vụ án dân sự. Cử cán bộ, thẩm phán, thư ký tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu do TAND Tối cao tổ chức; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, rút kinh nghiệm về chuyên môn, chỉ ra những sai lầm, thiếu sót đối với các thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân về các trường hợp mà bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan, tăng cường sự phối hợp với Viện KSND cùng cấp và các cơ quan có liên quan như Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường… cung cấp tài liệu, chứng cứ thẩm định, đánh giá vụ việc nên quá trình giải quyết vụ án được thuận lợi. Ngoài ra, TAND tỉnh luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của TAND Tối cao, TAND Cấp cao tại Hà Nội để tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ đối với công tác giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm. Cùng với đó, trước khi đưa ra xét xử các vụ án, TAND tỉnh yêu cầu các đơn vị căn cứ vào năng lực, trình độ của thẩm phán để giao từng vụ việc cụ thể, đồng thời theo dõi chặt chẽ việc thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự. Đối với từng vụ án, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa và các thành viên Hội đồng xét xử dành thời gian nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, xem xét kỹ chứng cứ đã được thu thập và đánh giá, thẩm tra để đưa ra kết luận riêng của mình đối với từng vấn đề cần giải quyết. Trong đó nguyên tắc độc lập khi xét xử được quan tâm bảo đảm thực hiện trong thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa và việc nghị án, ban hành bản án, quyết định. Việc nghị án cũng chỉ có các thành viên của Hội đồng xét xử mới được tham gia. Khi nghị án, các vấn đề của vụ án đều được thảo luận, giải quyết bằng biểu quyết và quyết định theo đa số. Do đó hầu hết bản án, quyết định đã tuyên bảo đảm tính khách quan, nghiêm minh, xét xử đúng thẩm quyền, có sức thuyết phục, đảm bảo khả năng thi hành án, tạo dư luận tốt trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt xuất phát từ thực tiễn tình trạng tranh chấp quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh ngày càng phổ biến do việc quản lý đất đai trước đây còn nhiều thiếu sót, sơ hở, chính sách pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi. Hơn nữa sự gia tăng “đột biến” về giá đã làm cho những tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất ngày càng nhiều và tính chất phức tạp ngày càng tăng. Công tác giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất của TAND các cấp trong những năm qua còn chậm trễ và thiếu thống nhất, có nhiều vụ phải xử đi xử lại nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm. Để hạn chế, khắc phục những sai sót trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, TAND tỉnh đã xây dựng chuyên đề về công tác xét xử án dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án liên quan đến đất đai. Trong đó đã có những kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng quan tâm thực hiện một số vấn đề như: Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hạn chế các giao dịch mua bán đất “ngầm”, tăng cường công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất; TAND Tối cao sớm có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, hướng dẫn áp dụng các quy định của Luật Đất đai. Có chính sách đầu tư thỏa đáng cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác xét xử để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Tổ chức tập huấn chuyên sâu về giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất. Trang bị đầy đủ tài liệu nghiệp vụ, nhất là hệ thống các quy định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ, các quy định khác của pháp luật về giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử giám đốc thẩm để bản án giám đốc thẩm thực sự là chuẩn mực cho Tòa án cấp dưới học tập rút kinh nghiệm và Thẩm phán có thể an tâm, tự tin vào quyết định của mình.
Song song với quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, TAND hai cấp luôn đẩy mạnh công tác hòa giải theo tinh thần Chỉ thị số 04 ngày 3-10-2017 của Chánh án TAND Tối cao về việc tăng cường công tác hòa giải tại TAND. Việc làm này đặc biệt phát huy hiệu quả đối với những án thuộc lĩnh vực hôn nhân gia đình và án dân sự. Thực tế trong thời gian qua, lượng án dân sự, hôn nhân gia đình khá lớn song nhờ làm tốt công tác hòa giải nên ngành TAND tỉnh đã giảm được đáng kể số vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình phải đưa ra xét xử, hạn chế được những tranh chấp căng thẳng giữa các đương sự và còn ngăn chặn được những vụ việc hình sự có thể xảy ra. Tỷ lệ hòa giải thành mỗi năm đạt trên 60% tổng số án đã thụ lý, góp phần giảm bớt mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Chánh Tòa dân sự (TAND tỉnh) cho biết: Để có được kết quả hòa giải thành công cao, trước khi tiến hành hòa giải, các thẩm phán phải thu thập thông tin, tìm rõ vấn đề mấu chốt của sự việc, nắm vững kiến thức pháp luật và các phong tục tập quán của từng địa phương, có liên quan đến vấn đề tranh chấp của các bên đương sự. Trong quá trình hòa giải luôn tôn trọng ý kiến của các bên đương sự, để thời gian cho các bên nói rõ quan điểm của mình và xem điều đó ảnh hưởng đến họ như thế nào; lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các bên, đặt vấn đề để các bên suy nghĩ, bàn bạc tìm ra những điểm chung nhất, sau đó hỏi từng bên xem họ sẽ tự nguyện làm những gì để giải quyết mâu thuẫn. Trên cơ sở đó, các cán bộ sẽ tìm cách đưa ra một thương lượng chính thức hài hòa quyền, lợi ích để cho các bên lựa chọn. Đồng thời kết hợp với phân tích tình hình, giải thích có lý, có tình để các bên thấy được lợi ích của việc họ hòa giải được với nhau hoặc phối hợp với chính quyền địa phương cấp phường, xã hay cơ quan đoàn thể nơi đương sự công tác, cư trú để hòa giải tới cùng vụ việc.
Với sự nỗ lực của TAND hai cấp nên trong thời gian qua, mặc dù các vụ việc dân sự ngành TAND tỉnh phải thụ lý và giải quyết là rất lớn, trong đó có nhiều tranh chấp phức tạp nhưng các vụ việc đã được giải quyết theo thời hạn quy định của pháp luật, từng bước khắc phục các vụ án tồn đọng. Trong năm 2017, toàn ngành đã giải quyết, xét xử 2.737/2.826 vụ việc tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, đạt tỷ lệ 96,8%; quý I-2018 đã giải quyết, xét xử 548/956 vụ việc, đạt tỷ lệ 57,3%, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử các vụ án dân sự, thời gian tới, TAND hai cấp của tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ thẩm phán, thư ký; cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của TAND cấp trên và các văn bản pháp luật mới được ban hành để cán bộ, thẩm phán, thư ký nghiên cứu vận dụng linh hoạt trong công tác giải quyết các vụ việc. Ngành Tòa án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chuyên môn để giải quyết kịp thời các vụ án theo quy định của pháp luật, đồng thời quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân./.
Bài và ảnh: Văn Trọng