Khắc phục, xóa bỏ đường ngang dân sinh qua đường sắt

07:05, 25/05/2018

Với hơn 200 đường ngang dân sinh trên tuyến đường sắt qua địa bàn, những bất cập của hạ tầng đường sắt như: chênh lệch độ cao giữa đường bộ với đường sắt lớn làm hạn chế tầm nhìn; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế khiến tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh vẫn chậm được kiềm chế. Trong quý I-2018, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt làm 3 người thiệt mạng. Nhằm hạn chế, ngăn chặn tối đa TNGT đường sắt, tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 17-11-2014 của UBND tỉnh về đóng các đường dân sinh, lối đi trái phép qua đường sắt.

Nhân viên Cty CP Đường sắt Hà Ninh tu sửa hạ tầng đường sắt.
Nhân viên Cty CP Đường sắt Hà Ninh tu sửa hạ tầng đường sắt.

Cty CP Đường sắt Hà Ninh đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các yêu cầu bảo đảm an toàn khi đi qua đường sắt. Đồng thời tập trung vận động, tổ chức cho người dân ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Tập trung xây dựng thiết bị cảnh báo tại đường ngang như cần chắn, dàn chắn tự động; tiếp tục bổ sung biển báo và tiến hành xóa bỏ, thu hẹp các đường ngang dân sinh (từ 3m xuống 2m, từ 2m xuống 1,5m). Thời gian qua, trên toàn tỉnh đã cắm biển chú ý tàu hỏa tại 58 vị trí nguy hiểm; xóa bỏ hoàn toàn 18 đường ngang dân sinh qua đường sắt; thu hẹp 38 đường ngang dân sinh chỉ cho xe máy, xe đạp, người đi bộ đi qua. Thời gian tới, Cty CP Đường sắt Hà Ninh tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp ngăn chặn sự cố hay TNGT đường sắt xảy ra. Chú trọng thực hiện chặt chẽ quy trình giám sát trong thực thi nhiệm vụ giữa các khâu chạy tàu, lái tàu, trực ban chạy tàu, trưởng tàu, an ninh, nhân viên tuần đường, nhân viên gác chắn; nếu một khâu có sai sót, khâu khác phải phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, khắc phục kịp thời. Tiếp tục đề nghị Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kịp thời bố trí kinh phí cho việc cải tạo hạ tầng đường sắt liên quan đến an toàn chạy tàu, đặc biệt đối với các công trình hàng rào, đường gom, cải tạo nâng cấp đường ngang, xử lý khắc phục những công trình xuống cấp trên tuyến đường sắt. Đồng thời bố trí kinh phí tạo điều kiện cho Cty và địa phương thực hiện lộ trình xóa bỏ các đường dân sinh, lối đi trái phép theo Kế hoạch 70/KH-UBND ngày 17-11-2014 của UBND tỉnh. Bên cạnh sự tích cực của ngành đường sắt, mặc dù ngân sách khó khăn, tỉnh vẫn bố trí kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Các ngành, các địa phương thường xuyên rà soát, thống kê số lượng đường ngang dân sinh bất hợp pháp hiện có, kiên quyết ngăn chặn, không để phát sinh thêm đường dân sinh trái phép. Huy động mọi nguồn vốn đầu tư cải tạo giảm chênh lệch độ cao giữa đường bộ với đường sắt giúp người tham gia giao thông đường bộ không bị hạn chế tầm nhìn mỗi khi đi qua đường sắt. Sở GTVT đã đầu tư lắp đặt gờ giảm tốc bằng cao su và hệ thống biển báo hiệu đường bộ tại tất cả vị trí đường ngang dân sinh có chiều rộng từ 3m trở lên; sử dụng nguồn kinh phí Quỹ Bảo trì đường bộ để tiến hành sửa chữa các công trình giao thông trên Quốc lộ 21 tại 3 nơi đường bộ giao cắt đường sắt, gồm cầu Mái (Mỹ Lộc), xã Yên Ninh (Ý Yên), KCN Bảo Minh (Vụ Bản) theo hướng vuốt dốc, nâng cao mặt đường bộ tương ứng với mặt đường sắt. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí đầu tư, huyện Ý Yên đã đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, chủ động rà soát, lựa chọn các đường ngang thường xuyên xảy ra tai nạn để ưu tiên đầu tư khắc phục bất cập trên tinh thần “đầu tư sớm một ngày sẽ ngăn chặn thêm một hiểm hoạ”, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Huyện đã vận động thành công các hộ dân ở làng nghề Yên Tiến (nơi xảy ra nhiều vụ TNGT do có nhiều điểm đường ngang mở trực tiếp qua đường sắt) tự nguyện giải phóng mặt bằng, không yêu cầu đền bù, tạo quỹ đất hành lang để xây dựng đường gom rộng 5m đáp ứng yêu cầu lưu thông khi đóng các đường ngang bất hợp pháp tại khu vực ngã ba Cát Đằng. Dự kiến, công trình xây dựng đường gom ngã ba Cát Đằng sớm được triển khai ngay sau khi ngành đường sắt phê duyệt, chấp thuận đầu tư. 

Theo đồng chí Đinh Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT, bên cạnh nỗ lực huy động, bố trí kinh phí cải tạo, khắc phục bất cập trong hệ thống hạ tầng đường ngang qua đường sắt, thời gian qua, các địa phương cũng chủ động nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành hữu quan trong thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Các huyện, thành phố có đường sắt đi qua đều quyết liệt chỉ đạo, giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Cty CP Đường sắt Hà Ninh xử lý dứt điểm các vi phạm về hành lang ATGT đường sắt như đặt biển quảng cáo, tập kết vật liệu, cây cối trên đường sắt hay hành lang an toàn che khuất tầm nhìn. Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người làm nhiệm vụ chốt gác tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tuyệt đối tuân thủ các quy định về đảm bảo trật tự ATGT đã được ngành đường sắt tập huấn./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com