Quyết liệt hành động bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã

07:06, 04/06/2016
Ngày 5-6 hằng năm là Ngày Môi trường thế giới, một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 với nhiều hoạt động rộng khắp trên cả nước, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” với mục tiêu nhằm kêu gọi cộng đồng hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực đối với các hệ sinh thái tự nhiên của trái đất. Qua đó, huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên, đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên thế giới.
Du khách tìm hiểu các loài chim di trú ở VQG Xuân Thuỷ (Giao Thuỷ). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Du khách tìm hiểu các loài chim di trú ở VQG Xuân Thuỷ (Giao Thuỷ).
Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Tại tỉnh ta từ nhiều năm nay, các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, chương trình quản lý, hướng dẫn các cơ quan, đoàn thể và nhân dân thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã. Từ tháng 12-2011, tiếp nhận sự tài trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổng cục Môi trường đã lựa chọn Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy là khu vực thí điểm triển khai dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia” nhằm phát triển và cập nhật vào hệ thống dữ liệu về đa dạng sinh học, giúp ngành chuyên môn nhân rộng phương thức xây dựng, vận hành, hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc. Trong quá trình thực hiện hợp phần Điều tra đa dạng sinh học giai đoạn II tại VQG Xuân Thủy đã khẳng định, tại VQG Xuân Thuỷ có 8 loài chim bị đe doạ và sắp bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu, đó là: Cò thìa, Cò trắng Trung Quốc, Choắt lớn mỏ vàng, Mòng bể mỏ ngắn, Bồ nông chân xám, Rẽ mỏ thìa, Giang sen, Choắt chân màng lớn; ngoài ra đây còn là nơi tập hợp, trú chân quan trọng của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa đông như Choắt mỏ thẳng đuôi đen, Choắt chân đỏ và Choắt mỏ cong lớn. Công tác bảo vệ đa dạng sinh học của VQG Xuân Thuỷ còn nhiều hạn chế như: nguồn vốn đầu tư cho khu vực vẫn rất thấp, cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu trang thiết bị, việc đào tạo cán bộ quản lý hạn chế. Đặc biệt việc trồng rừng với mục đích cải tạo đất và phòng hộ bờ biển ở các bãi bồi có nguy cơ làm thay đổi cơ bản sinh cảnh tự nhiên và có thể khiến khu vực kiếm ăn của một số loài chim như Cò thìa, Mòng bể mỏ ngắn, Rẽ mỏ thìa… bị đe doạ. Hơn nữa, các đảo cát trong VQG Xuân Thuỷ có các đầm nước mặn và các đụn cát cũng đang được trồng phi lao nhập nội sẽ làm thu hẹp các sinh cảnh tự nhiên trong khu vực. Ngoài ra, việc tăng cường đắp các đầm nuôi trồng thuỷ sản, việc khai thác hải sản không bền vững ở các khu vực thuỷ triều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm nhiễu loạn các loài chim và ảnh hưởng tới công tác bảo vệ đa dạng sinh học của VQG Xuân Thuỷ. Thực trạng này nảy sinh do mật độ dân số ở các xã ven biển (nhất là các địa phương thuộc vùng đệm) tăng cao, thiếu đất canh tác và các áp lực về đời sống kinh tế. Từ thực tế trên, để bảo vệ VQG Xuân Thuỷ phát triển bền vững, Dự án đã tập trung giải quyết 3 vấn đề bao gồm: Tập trung tìm kiếm nguồn hỗ trợ và thực hiện chương trình đào tạo cho cán bộ quản lý của VQG Xuân Thuỷ. Xây dựng kế hoạch quản lý hài hoà giữa khai thác các giá trị kinh tế với đa dạng sinh học và phòng hộ bờ biển của các sinh cảnh khác nhau trong khu vực, đồng thời tăng cường các hoạt động quản lý sử dụng đất bền vững về phương diện BVMT. Giải quyết các vấn đề tài chính, hạn chế việc trồng rừng ngập mặn trên các bãi bồi vốn là sinh cảnh quan trọng của các loài chim đang bị đe dọa. Trong thực hiện chương trình “Chiến lược khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của tỉnh, giai đoạn 2015-2020, với tổng vốn 11 tỷ đồng, Sở TN và MT phối hợp với Sở NN và PTNT, Sở KH và CN tiến hành điều tra, lập bản đồ hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, khu vực có đa dạng sinh học cao, khu vực tránh rét, tránh bão của các loài chim di cư, trữ lượng…, góp phần quản lý và khai thác hợp lý, giảm thiểu sự tác động do khai thác quá mức của người dân tại vùng đất ngập nước, bảo tồn và phát triển môi trường di trú của các loại chim di cư, các nguồn lợi thủy, hải sản. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; không săn bắn, bẫy, bắt, vận chuyển, mua bán, nuôi nhốt, sử dụng, cất giữ, quảng cáo, tặng, cho hay nhận quà biếu là các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái với quy định pháp luật. Ngành NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát hoạt động nhập khẩu, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng động vật hoang dã. Kiên quyết xử lý, tịch thu khi phát hiện sản phẩm hoặc tổ chức sơ cứu tại chỗ sau đó chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ để phục hồi và tái thả tự nhiên; không thực hiện việc bán phát mãi động vật hoang dã, các sản phẩm hoặc dẫn xuất từ động vật hoang dã dưới bất kỳ hình thức nào. Kiểm tra, rà soát các trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã trên địa bàn, thống kê số lượng, nguồn gốc động vật hoang dã tại các trại nuôi, xử lý các vi phạm về động vật hoang dã không có xuất xứ, nguồn gốc nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm dụng khai thác, vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã trái phép. Lực lượng Công an hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các quán ăn, nhà hàng, các chợ, điểm kinh doanh, khu dân cư, hộ gia đình có mua, bán, nuôi nhốt, sử dụng động vật hoang dã để ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Mới đây, vào đầu tháng 5-2016: Đội CSĐT tội phạm về môi trường Công an Thành phố Nam Định đã phát hiện và xử lý nghiêm đối tượng Phạm Văn Tú (SN 1990), trú tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) do vận chuyển 4 cá thể hổ con đông lạnh ra Nam Định để tiêu thụ… 
 
Thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2016, cùng với đẩy mạnh thực hiện các chương trình, hoạt động theo chỉ đạo của Bộ TN và MT, tỉnh ta đã chủ động đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Theo đó các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đồng loạt tổ chức chuỗi các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới trong “Tháng hành động vì môi trường” trên toàn tỉnh, cuối tháng 5 đến hết tháng 6-2016. Tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Công ước quốc tế về Đa dạng sinh học (CBD) và Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đa dạng sinh học; Luật Bảo vệ rừng; các văn bản pháp luật về BVMT đến đông đảo cán bộ và tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức: treo băng rôn, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu chủ đề môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán động vật hoang dã ở nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm thu hút sự quan tâm chú ý và khuyến khích mọi người cùng hành động BVMT; diễu hành, cổ động về BVMT; tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia BVMT. Các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống buôn bán động vật hoang dã nhân sự kiện Ngày Môi trường thế giới. Tổ chức phổ biến, giới thiệu các mô hình tiên tiến BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, lên án các hành động buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng sản phẩm thân thiện, tạo dư luận và áp lực xã hội lên án hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn bán động, thực vật hoang dã; vi phạm pháp luật về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học… Các huyện, thành phố tổ chức ngày hội ra quân thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học; trồng rừng, trồng cây xanh đô thị; đẩy mạnh hoạt động tái chế, ngày hội sống xanh, thi làm sản phẩm tái chế…; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước...
 
Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com