Xác định cải cách chế độ công vụ, công chức là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức nhằm đưa tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) vào nền nếp. Qua đó đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ CBCCVC, từng bước xây dựng nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
|
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" phường Lộc Vượng (TP Nam Định). |
Để nâng cao chất lượng cải cách chế độ công vụ, công chức, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 14-8-2013 về việc đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức giai đoạn 2013-2015 và coi đây là bản lề để điều chỉnh các chương trình cải cách cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Chủ động hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo cơ sở pháp lý cho các đơn vị trong tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ và đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của ngành mình. Đồng thời xây dựng đề án vị trí việc làm của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, được Bộ Nội vụ thẩm định và phê duyệt 397 vị trí việc làm của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Trong năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ đối với 7 cơ quan, đơn vị gồm: Sở Tư pháp, Ban quản lý các KCN tỉnh, Sở GD và ĐT, Sở Công thương, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Sở KH và CN theo đúng quy định của các bộ, ngành Trung ương; ra quyết định giải thể Trung tâm Giám định pháp y tâm thần và thành lập mới 3 đơn vị gồm: Ban quản lý đường trục phát triển vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, Quỹ phòng chống thiên tai, Văn phòng đăng ký đất đai. Công tác quản lý CBCCVC được UBND tỉnh và các ngành chức năng thực hiện theo Nghị quyết số 08-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện phân cấp quản lý và tuyển dụng CBCCVC có chất lượng cao để bổ sung cho đội ngũ CBCCVC. Trên cơ sở đó, hằng năm, UBND tỉnh đều tổ chức đánh giá, phân loại đội ngũ CBCCVC để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng phù hợp với tình hình thực tế; công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyên cán bộ, công chức lãnh đạo tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo khách quan phù hợp quy hoạch của tỉnh và của từng cơ quan, đơn vị. Năm 2015, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo đảm bảo công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình. Cụ thể, cấp tỉnh đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ 53 cán bộ (trong đó 20 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý, 33 cán bộ thuộc diện UBND tỉnh quản lý); quyết định nghỉ hưu đối với 8 cán bộ (2 cán bộ nghỉ hưu theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP); quyết định nghỉ chờ hưu 7 cán bộ (theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP). Hiệp y thống nhất để các đơn vị bổ nhiệm 30 cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương. Cấp huyện bổ nhiệm 4 chủ tịch UBND, 9 phó chủ tịch UBND, 16 ủy viên UBND; miễn nhiệm 4 chủ tịch, 9 phó chủ tịch và 16 ủy viên UBND. Đồng thời tập trung rà soát, đánh giá, phân loại và thống kê đội ngũ CBCCVC trên cơ sở số lượng biên chế được giao theo vị trí việc làm để xây dựng kế hoạch thi tuyển, tuyển dụng. Công tác thi tuyển, xét tuyển, tiếp nhận và điều động công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, đúng quy chế đảm bảo yêu cầu, tuyển đúng đối tượng theo từng vị trí việc làm cần tuyển. Bên cạnh đó, áp dụng hình thức tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức theo nguyên tắc cạnh tranh đối với từng đối tượng như: thi tuyển cán bộ, công chức đầu vào; thi nâng ngạch từ cán sự và tương đương lên ngạch chuyên viên và tương đương; bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chức danh cấp phòng trở lên… Cách làm này góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đầu vào đối từng vị trí của cán bộ, công chức. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển được 20 công chức, 631 viên chức; tiếp nhận và điều động 189 trường hợp công chức, viên chức. Mọi thông tin liên quan đến CBCCVC đều được đưa vào quản lý khai thác sử dụng trên giao diện phần mềm quản lý CBCCVC của tỉnh, đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất, có hệ thống, đầy đủ thông tin, khai thác nhanh chóng, thuận tiện. Song song với việc quản lý, điều động, bổ nhiệm, tuyển công chức, viên chức, UBND tỉnh chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp hành chính cho đội ngũ CBCCVC. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã cử 120 đồng chí tham dự lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp; mở 6 lớp Trung cấp lý luận chính trị nâng cao trình độ quản lý Nhà nước và lý luận chính trị cho 657 học viên CBCCVC được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức, cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh; 32 lớp tập huấn, bồi dưỡng đối với đội ngũ CBCCVC để bồi dưỡng cho 3.904 lượt người và mở 2 lớp đào tạo dài hạn cho 176 học viên. Bên cạnh việc tổ chức tốt công tác quản lý bồi dưỡng CBCCVC, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của CBCCVC. UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra tại 17 sở, ban, ngành và 10 huyện, thành phố với các nội dung: Thanh tra đột xuất việc quản lý, sử dụng biên chế; trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng; ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính Nhà nước; số lượng công chức giữ vai trò lãnh đạo, quản lý từ phó giám đốc sở và tương đương trở xuống của UBND tỉnh. Đồng thời yêu cầu Sở Nội vụ tổ chức thanh tra 5 cuộc về chế độ công vụ, công chức đối với Sở VH, TT và DL, Sở LĐ-TB và XH, Ban quản lý các KCN tỉnh; ngành GD và ĐT huyện Nghĩa Hưng; Phòng Cán bộ, viên chức Sở Nội vụ và các đơn vị trực thuộc.
Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, chất lượng đội ngũ công chức hành chính tỉnh ngày càng nâng cao, từng bước tiến tới chuyên nghiệp, giảm phiền hà và nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính nên đã được nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, hướng đến xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả, thời gian tới các cấp, các ngành cần thực hiện tốt Kế hoạch số 88/KH-UBND của UBND tỉnh về Cải cách hành chính Nhà nước tỉnh giai đoạn 2016-2020, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và là giải pháp cơ bản của cải cách hành chính. Trong đó, hướng trọng tâm vào việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý CBCCVC. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ CBCCVC đảm bảo số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ theo vị trí việc làm. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ theo quy định của địa phương; chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã./.
Bài và ảnh:
Trần Văn Trọng