Sau một thời gian hoạt động yếu ớt, cầm chừng do dịch vụ viễn thông phát triển mạnh khiến hoạt động dịch vụ của các điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) dần mất đi lợi thế, đến nay, bằng một loạt giải pháp đồng bộ, hợp lý để củng cố mô hình, các điểm BĐVHX đã từng bước thiết lập lại vị thế và phát huy lợi thế triển khai hiệu quả các dịch vụ công ích tới từng xã, phường, thị trấn.
|
Nhân viên Bưu điện tỉnh phân loại thư, báo chuyển về điểm bưu điện văn hóa xã. |
Với quyết tâm đổi mới hoạt động của điểm BĐVHX, tăng doanh thu theo tinh thần chỉ đạo của Bộ TT và TT, UBND tỉnh, tháng 6-2014, Bưu điện tỉnh đã tiến hành rà soát tất cả các điểm BĐVHX do đơn vị quản lý nhằm đánh giá rõ nguyên nhân yếu kém, cơ hội phát triển. Sau rà soát, Bưu điện tỉnh đã định hướng phát triển cho mô hình này là duy trì phát triển hệ thống điểm BĐVHX, từng bước mở rộng và phát triển kinh doanh, tạo nền tảng lồng ghép các chương trình, dự án của Nhà nước về nông thôn. Bưu điện tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn Tổng Cty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ tiến hành chỉnh trang lại tất cả các điểm BĐVHX, đảm bảo tiêu chí “sạch, gọn, đẹp”; kiện toàn hợp lý nhân sự và tập trung thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nhân viên các điểm BĐVHX. Hệ thống quản trị các điểm BĐVHX đã linh động, có nhiều cách làm riêng, tận dụng tối đa năng lực mạng lưới, cơ sở vật chất tại điểm BĐVHX để cung cấp dịch vụ bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, hành chính công, phân phối truyền thông… Đẩy mạnh phát triển kinh doanh tại các điểm BĐVHX để tăng doanh thu, giảm bù lỗ theo hướng tạo điều kiện để người dân nông thôn được tiếp cận với các dịch vụ, sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao, phong phú về chủng loại, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Đảm bảo cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích, tổ chức các hoạt động đọc sách báo miễn phí và thời gian mở cửa tối thiểu 4h/ngày theo quy định của Thông tư 17 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ Bưu chính công ích. Triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án về nông thôn: Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình Viễn thông công ích, dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng. Từ tháng 9-2014 đến nay, toàn tỉnh đã có 194 điểm BĐVHX tham gia hoạt động theo mô hình phân phối đa dịch vụ (kết hợp bán hàng hóa tiêu dùng tại BĐVHX) đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn. Việc đưa hàng hóa và cung cấp đa dịch vụ tại địa bàn nông thôn đã góp phần gia tăng lợi nhuận cho các điểm BĐVHX. Đến nay đã có 31/194 điểm BĐVHX kinh doanh tốt, ngoài doanh thu theo chỉ tiêu đã đạt doanh thu phát sinh 30 triệu đồng/tháng; các điểm còn lại bình quân doanh thu phát sinh đạt 20 triệu đồng/tháng. Ngoài các dịch vụ truyền thống, các dịch vụ công ích, thực hiện chi trả lương hưu, tại các điểm BĐVHX cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân, bao gồm: dịch vụ BHXH, BHYT tự nguyện, tiết kiệm bưu điện, bán hàng tiêu dùng nông thôn… Việc cung cấp đa dạng dịch vụ, hàng hóa về nông thôn đã tạo môi trường làm việc thân thiện, thu hút người dân đến điểm BĐVHX để sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông và nâng cao thu nhập cho nhân viên điểm BĐVHX.
Để tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVHX thời gian tới Bưu điện tỉnh tiếp tục thực hiện đổi mới hoạt động điểm BĐVHX bằng các biện pháp tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nhân viên BĐVHX để có đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục áp dụng các cơ chế khuyến khích, các chính sách đảm bảo cho nhân viên BĐVHX tích cực tham gia cung cấp các dịch vụ và phục vụ một cách có hiệu quả nhu cầu nhân dân. Tiếp tục sửa chữa, nâng cấp các điểm BĐVH theo chuẩn nhận diện thương hiệu của Bưu điện Việt Nam. Tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ như dịch vụ bưu chính công ích, đặc biệt là các dịch vụ hành chính công, tài chính bưu chính, thương mại điện tử. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh để thực hiện các dịch vụ thu cước viễn thông, đại lý phát triển các dịch vụ viễn thông, đăng ký thông tin cho khách hàng và quảng bá thương hiệu của các nhà mạng. Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thành lập các Trung tâm thông tin cộng đồng tại điểm BĐVHX trên toàn tỉnh. Huy động các doanh nghiệp viễn thông tài trợ máy tính và đường truyền internet miễn phí để có máy tính và đường truyền tốc độ cao phục vụ người dân đến khai thác tài nguyên thông tin mạng. Phấn đấu phát triển nhiều dịch vụ để tiếp tục nâng doanh thu của điểm BĐVHX và nâng cao mức lương của nhân viên điểm BĐVHX./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy