Trực Ninh khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch

09:05, 10/05/2016
Huyện Trực Ninh có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, là mảnh đất hội tụ và bảo lưu nhiều giá trị văn hoá gồm các di tích lịch sử - văn hoá, các làng nghề truyền thống, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch văn hoá - tâm linh, làng nghề…
 
Trên địa bàn huyện hiện có 33 di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích có kiến trúc nghệ thuật, giá trị văn hoá đặc sắc như: chùa Cổ Lễ (Thị trấn Cổ Lễ), đền - chùa Cự Trữ, đền - chùa Cổ Chất (xã Phương Định), chùa Ninh Cường (xã Trực Cường), Ba đồn binh thời Trần (xã Trung Đông), đền Tuân Lục (xã Liêm Hải)… Tiêu biểu là chùa Cổ Lễ thờ Phật và Thiền sư Nguyễn Minh Không gồm nhiều công trình kiến trúc đặc sắc kết hợp tinh hoa kiến trúc cổ truyền Việt Nam với phong cách kiến trúc phương Tây. Trước chùa là tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32m, có 8 mặt, được xây dựng từ năm 1927; đế tháp được đặt trên lưng con rùa lớn; trong lòng tháp có cầu tháp với các bậc xoắn ốc đến đỉnh. Sau lưng chùa là một hồ lớn, giữa hồ đặt quả chuông nặng 9.000kg được gọi là chuông Đại Hồng Chung với chiều cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm. Công trình chính của chùa Cổ Lễ là Thần Quang tự được xây dựng từ năm 1914 có pho tượng Phật làm bằng gỗ bạch đàn cao 4m và tượng Nguyễn Minh Không. Sau nhà thờ tổ là gác chuông Kim Chung Bảo Các có treo quả chuông đồng cao 4m, rộng hơn 2m, nặng 9.000kg được đúc năm 2003… Ngoài giá trị về nghệ thuật - kiến trúc, chùa Cổ Lễ là nơi hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ, là trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại nơi đây, năm 1947, các nhà sư đã tạm rời cửa thiền ra chiến trường tham gia đánh giặc, cứu nước. Hằng năm, từ ngày 13 đến 16-9 âm lịch diễn ra lễ hội chùa Cổ Lễ với nhiều hoạt động như rước Phật, đánh cờ tướng, tổ tôm điếm, bơi chải… thu hút hàng vạn nhân dân địa phương và du khách thập phương. Di tích lịch sử đền Tuân Lục (xã Liêm Hải) được Bộ VH, TT và DL công nhận di tích quốc gia năm 2014 thờ quan huấn đạo Đỗ Công Hạo, là người đầu tiên mở mang nền học vấn cho nhân dân trong làng và có công phò giúp triều đình nhà Lê sơ trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước. Đền Tuân Lục còn phối thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Đức thánh Triệu Việt Vương… Di tích hiện lưu giữ hệ thống các hiện vật như tượng thờ, ngai, bài vị, chuông đồng có giá trị cao về nghệ thuật. Về kiến trúc, Đền Tuân Lục được xây dựng trên một khuôn viên rộng với các hạng mục: nghi môn, giải vũ, công trình kiến trúc chính (tiền đường và cung cấm), lăng mộ, miếu thờ. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, các hạng mục mang phong cách truyền thống vẫn được nhân dân bảo vệ, giữ gìn. Ngoài các di tích lịch sử - văn hoá tiêu biểu, huyện Trực Ninh còn là mảnh đất văn hiến, quê hương của nhiều bậc hiền tài. Thời Trần có trạng nguyên Đào Sư Tích từng giữ chức Lễ bộ Thượng thư. Từ thời Lê về sau, huyện Trực Ninh có nhiều tiến sĩ… Các đền thờ danh nhân văn hoá là tiềm năng để huyện phát triển du lịch văn hoá - tâm linh. Bên cạnh đó huyện Trực Ninh còn có thế mạnh phát triển du lịch làng nghề. Hiện trên địa bàn huyện có các làng nghề truyền thống nổi tiếng như các làng nghề dệt: Dịch Diệp xã Trực Chính, các làng: Nhự Nương, Cự Trữ, Phú Ninh, Trung Khê của xã Phương Định; làng nghề ươm tơ Cổ Chất xã Phương Định… là điểm đến của nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước. 
Bơi chải trong Lễ hội chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ.
Bơi chải trong Lễ hội chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ.
Với tiềm năng du lịch văn hoá, tâm linh, du lịch làng nghề phong phú, thời gian qua huyện Trực Ninh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thu hút khách thập phương. Từ nguồn vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích và từ huy động các nguồn lực của nhân dân, các di tích lịch sử - văn hoá trong huyện đã được trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn, giữ gìn cho thế hệ sau, đồng thời là cơ sở để phát triển du lịch văn hoá, tâm linh. Tiêu biểu như đền - chùa Cự Trữ và đền - chùa Cổ Chất được đầu tư trên 2 tỷ đồng để trùng tu các hạng mục xuống cấp, mở rộng khuôn viên, xây thêm đình thờ tổ làng. Chùa Ninh Cường xã Trực Cường được xây dựng mới nhà khách, đường vào di tích và các công trình phụ trợ với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng do nhân dân địa phương và khách thập phương đóng góp… Hệ thống đường giao thông vào các điểm di tích lịch sử - văn hoá, các làng nghề được đầu tư xây dựng đã giúp các đoàn khách tham quan thuận lợi hơn khi tiếp cận, tìm hiểu về phong tục, tập quán cuộc sống của người dân mỗi địa phương. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống được các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc với nhiều hoạt động phong phú cả về phần lễ và phần hội đã góp phần thu hút du khách đến ngày một đông. 
 
Mặc dù có nhiều cố gắng, song việc phát triển du lịch ở huyện Trực Ninh vẫn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống các điểm di tích lịch sử - văn hoá cách xa nhau nên khó khăn trong việc liên kết, xây dựng các tour, tuyến du lịch mang tính chất đặc thù. Di tích lịch sử - văn hoá chùa Cổ Lễ được coi là điểm dừng chân hấp dẫn của các đoàn khách du lịch, tuy nhiên số lượng khách chỉ tập trung vào dịp lễ hội, còn ngày bình thường rất ít. Cơ sở hạ tầng du lịch gồm các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng… trên địa bàn còn ít nên chưa đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Các làng nghề dệt truyền thống Cự Trữ, làng nghề ươm tơ Cổ Chất (xã Phương Định) thời gian qua cũng được nhiều đoàn khách trong và ngoài nước ghé qua nhưng do đường đi lại còn khó khăn, không có dịch vụ du lịch nên khách không lưu lại lâu. Để hoạt động du lịch tương xứng tiềm năng, thời gian tới huyện cần phối hợp với Sở VH, TT và DL tăng cường việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của du lịch huyện trong và ngoài nước. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các điểm du lịch; thu hút và có chính sách ưu đãi với các Cty lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa khách đến các điểm du lịch trên địa bàn. Xây dựng các chương trình gắn kết giữa các điểm du lịch trong huyện với các huyện khác…; qua đó đưa hoạt động du lịch của huyện ngày càng khởi sắc./. 
 
Bài và ảnh: Thanh Ngọc


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com