Về xã Hải Hưng (Hải Hậu) hôm nay, đi trên những con đường bê tông liên xóm thẳng tắp, nhiều người cảm nhận được sự đổi thay đang hiện hữu trong đời sống của người dân nơi đây. Công cuộc xây dựng NTM đã đem lại cho xã Hải Hưng một diện mạo mới. Các công trình điện, đường, trường, trạm được hoàn thiện, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Công cuộc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, phát triển ngành nghề cùng với các hoạt động sản xuất, giao lưu buôn bán tấp nập góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển. Thành quả đó là sự tiếp nối truyền thống anh hùng của Đảng bộ, quân và dân xã Hải Hưng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Xã Hải Hưng nằm ở phía đông bắc, là “cửa ngõ” của huyện Hải Hậu. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi đây là địa bàn đối đầu trực tiếp với các cuộc hành quân càn quét của địch. Trong những năm tháng ấy, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, chi bộ Đảng xã Hải Hưng đã tích cực xây dựng lực lượng dân quân du kích. Thời gian này mỗi xóm của xã đều có một trung đội dân quân; cả xã có 11 trung đội dân quân gồm 335 người. Lực lượng dân quân du kích đã tham gia nhiều đợt phá đường, đắp ụ các tuyến đường giao thông để cản bước quân thù. Trong những năm 1948-1949, từ đường họ Mai, xóm Tây Tiến còn là một cơ sở công binh lớn chuyên sản xuất các loại vũ khí đạn dược. Từ tháng 10-1949 đến tháng 2-1952, chi bộ Đảng và chính quyền xã Hải Hưng đã xây dựng cơ sở cách mạng lãnh đạo nhân dân đấu tranh tiến tới giải phóng quê hương. Điển hình như ngày 7 và 8-11-1949, địch theo đường 21 âm mưu đánh chiếm Đông Biên. Dân quân du kích xã Hải Hưng đã phối hợp với Đại đội 26 - Bộ đội địa phương phục kích địch đoạn Cầu Đôi - Hải Vân. Khi địch kéo đến, cả hai lần chúng đều bị quân ta chặn đánh quyết liệt, hơn 100 tên bị tiêu diệt. Ngày 13-11-1949, với quyết tâm đánh chiếm Đông Biên, sau khi đã củng cố lại lực lượng, quân địch lại chia làm 3 mũi tiến xuống chợ Cầu, lần thứ 3 chúng lại bị lực lượng dân quân du kích cùng với Tiểu đoàn 605 chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt hơn 200 tên. Thắng lợi giòn giã đó thể hiện rõ sự mưu trí, sáng tạo, tinh thần kiên cường chiến đấu của Đảng bộ, quân và dân Hải Hậu nói chung mà nhân dân Hải Hưng là lực lượng chủ lực của chiến thắng này.
Nông thôn mới xã Hải Hưng. |
Thời gian địch chiếm đóng Hải Hậu (tháng 10-1949 đến tháng 2-1952), xã Hải Hưng đẩy mạnh xây dựng cơ sở kháng chiến, tích cực đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội, tổ chức phòng gian bảo mật, xây dựng củng cố dân quân du kích. Tại đây, đã xuất hiện hàng trăm cơ sở hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Tiêu biểu là gia đình bà Đỗ Thị Tỵ, gia đình bà Trần Thị Rụng ở xóm Nam Lễ, gia đình ông Đỗ Văn Từng ở xóm Tây, gia đình ông Lê Văn Chưởng ở xứ Hưng Nhân, gia đình bà Đỗ Thị Vỵ, Bùi Thị Phúc, Bùi Thị Trâm, Lê Thị Kính… là những gia đình cơ sở cách mạng, mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội. Cùng với việc xây dựng cơ sở kháng chiến, xã Hải Hưng tích cực xây dựng lực lượng vũ trang địa phương “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Thời điểm này xuất hiện nhiều phụ nữ hăng hái tham gia dân quân du kích như các chị Mai Thị Châu, Đỗ Thị Tỵ, Lại Thị Từ, Lã Thị Phương… Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm như đảng viên Phạm Văn Hành ở xóm Nam Lễ đã đào hàng trăm hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội và là một giao liên mưu trí, nhiều phen làm cho quân địch phải khiếp sợ. Ngày 10-1-1952 là thời điểm ghi dấu trang sử hào hùng của quân và dân Hải Hưng. Lực lượng dân quân du kích xã phối hợp với một bộ phận bộ đội chủ lực chặn đánh, tiêu diệt hoàn toàn đại đội 15 thuộc trung đoàn Âu Phi thứ 2, bắt sống hơn 70 tên, bắn cháy 5 xe tại Cầu Đôi. Sau chiến thắng này, bọn tề ngụy hoang mang, tan rã. Ngay chiều ngày 10-1-1952, lực lượng dân quân du kích đã bắt toàn bộ bọn tề ngụy về giam giữ ở xóm Nam Lễ, đập tan ách kìm kẹp của địch ở địa phương. Chiến thắng Cầu Đôi không chỉ có ý nghĩa thực tiễn tiêu diệt bốt Văn Đàn mà còn góp phần chấm dứt thời kỳ đầy đau thương, uất hận của nhân dân, góp phần minh chứng cho nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta là chiến tranh toàn dân, toàn diện, phối kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương với dân quân du kích và nhân dân. Với ý nghĩa to lớn mang tầm vóc lịch sử, chiến thắng Cầu Đôi là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân xã Hải Hưng. Trận Cầu Đôi đã được xây đài chiến thắng để mãi mãi các thế hệ kế tiếp ghi nhớ và noi theo.
Nối tiếp thêm trang sử hào hùng của quân và dân xã Hải Hưng, ngày 20-1-1953, địch huy động 5 tiểu đoàn Bảo Hoàng, 2 tiểu đoàn khinh quân, 1 tiểu đoàn pháo, 40 xe cơ giới theo đường 21 tiến về Đông Biên. Đêm 22-1-1953, du kích Hải Hưng do đồng chí Đỗ Viết Thái chỉ huy đã phối hợp với bộ đội tập kích địch ở chợ Cầu, diệt hàng trăm tên. Những chiến thắng trên của quân và dân Hải Hưng đã góp phần làm nên chiến thắng Đông Biên ngày 4-6-1954, giải phóng hoàn toàn huyện Hải Hậu. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), quân dân Hải Hưng đã phối hợp với bộ đội đánh 69 trận, tiêu diệt 789 tên địch, bắt sống 538 tên. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp, dân quân du kích Hải Hưng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hải Hưng được tặng thưởng 4 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 14 Huy chương Kháng chiến hạng Một, 38 Huy chương Kháng chiến hạng Hai, 170 Bằng khen của Chính phủ. Ngày 3-11-2004, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp cho Đảng bộ, quân và dân xã Hải Hưng.
Tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương trong công cuộc đổi mới hôm nay, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của nhân dân, xã Hải Hưng đã được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Phong trào xây dựng NTM đã góp phần làm cho đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, các công trình phúc lợi: trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của hệ thống chính trị khang trang hơn. Trong công cuộc xây dựng NTM, nhân dân trong xã đã hiến 11,7ha đất 2 lúa, 2,2ha đất vườn, đất thổ cư để mở rộng các tuyến đường dong xóm. Các đường trục xã, đường trục xóm, đường nội đồng, các tuyến đường quy hoạch đã cơ bản theo đúng tiêu chí NTM. Các công trình thủy lợi, các công trình vệ sinh, nước sạch được tập trung hoàn chỉnh, các công trình điện, cơ sở văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư đều được đầu tư hiện đại theo tiêu chí NTM. Đến nay, trên toàn xã đã có 100% hộ gia đình sử dụng điện trong sinh hoạt. Trong sản xuất nông nghiệp, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu giống lúa có năng suất cao, giảm chi phí, giảm sức lao động nên năng suất lúa cả năm đều đạt từ 120 tạ/ha trở lên… Ngoài sản xuất nông nghiệp, các hộ gia đình còn tập trung phát triển các ngành nghề truyền thống như mộc, xây, may, công nghiệp dệt chiếu… Nhiều cơ sở may, thêu ren xuất khẩu, mộc trên địa bàn được hình thành đã thu hút và tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Đời sống nhân dân trong xã được cải thiện rõ rệt, thu nhập đầu người bình quân đạt trên 29,1 triệu đồng/năm. Với quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc vận động nhân dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 2%, không còn hộ đói. Số người dân có việc làm thường xuyên đạt trên 93%. Trong 4 năm xây dựng NTM, xã đã đầu tư 39 phòng học và 15 phòng chức năng cho các nhà trường. Hằng năm, các nhà trường đều có kế hoạch tổ chức nâng cao chất lượng các nhà trường, phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Hiện tại cả 3 trường trên địa bàn xã đều được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay cả 20 xóm trong xã đều có nhà văn hóa, sân thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Qua bình xét hằng năm, có 80% gia đình trên địa bàn xã đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Đảng bộ xã nhiều năm đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Hệ thống chính trị được tăng cường, vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng từ xã đến các chi bộ cơ sở được nâng cao, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu đi đầu trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, nhất là phong trào xây dựng NTM. Thông qua thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM với nhiều khó khăn thử thách, đã rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở, vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng được phát huy, an ninh trật tự được đảm bảo, bộ mặt nông thôn có bước chuyển biến tích cực.
Những trang sử vàng đầy tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Hải Hưng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã và đang được các thế hệ kế tiếp chọn lọc gìn giữ, phát huy, nối bước truyền thống cha anh để xây dựng quê hương, mảnh đất, con người Hải Hưng ngày càng giàu đẹp./.
Bài và ảnh: Minh Thuận