Quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

07:05, 12/05/2016
Thực hiện “Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” giai đoạn 2011-2015, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh đã giảm từ 121 cháu trai/100 cháu gái (năm 2010) xuống còn 115 cháu trai/100 cháu gái (năm 2015). Như vậy, theo kết quả điều tra của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, năm 2015, tỉnh ta đã thoát khỏi danh sách 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất toàn quốc. Trong đó, đạt và vượt mục tiêu đề án: 90% xã, thị trấn trong tỉnh có tổ chức các hoạt động phổ biến pháp luật liên quan đến giới tính khi sinh; 80% cán bộ, lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp và những người có uy tín thuộc địa bàn dân cư nhận thức được hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 90% cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp đưa vấn đề thực hiện cân bằng giới tính khi sinh vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; có chính sách hỗ trợ thực hiện phù hợp với từng địa phương. 90% cán bộ, dân số, cán bộ y tế xã, cộng tác viên dân số, y tế thôn, đội được cung cấp thông tin, kiến thức về giới và giới tính khi sinh. 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã có 2 con một bề là gái được tuyên truyền tư vấn về giới và giới tính khi sinh. 100% thai phụ đến khám thai được tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh. 90% phụ nữ từ 15-49 tuổi chỉ có 2 con (là gái) được tư vấn về sức khỏe sinh sản.
 
Tuy nhiên, so với toàn quốc, tỷ số mất cân bằng giới tính ở tỉnh ta vẫn ở mức cao. Kết quả một nghiên cứu của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh (năm 2015) về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh tại 5 huyện, thành phố (được xếp thành 3 nhóm như sau: Nhóm I bao gồm 2 huyện có nền kinh tế nông nghiệp là huyện Ý Yên và huyện Nam Trực; Nhóm II bao gồm 2 huyện có nền kinh tế biển là huyện Giao Thuỷ và huyện Nghĩa Hưng; Nhóm III là Thành phố Nam Định đại diện cho khu vực thành thị) cho thấy: 43,4% đối tượng cho rằng có áp lực phải sinh con trai. Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu áp dụng các phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi ở lần sinh gần đây nhất là 12,9% và có sự khác nhau giữa các nhóm I, II, III lần lượt là: 16,1%; 8,2%; 15,7%. Đối tượng có quan niệm có con trai để nối dõi tông đường có nguy cơ chẩn đoán giới tính trước sinh cao gấp 1,76 lần so với những người không có quan niệm trên. Đối tượng sinh sống tại những nơi có phong tục tập quán lạc hậu có nguy cơ chẩn đoán giới tính trước sinh cao gấp 1,65 lần so với những người sinh sống tại địa bàn khác. Những người theo đạo Thiên chúa có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên cao gấp 2,21 lần so với những người khác. Tỷ lệ đối tượng tiếp cận thông tin Dân số - KHHGĐ qua cán bộ dân số là cao nhất, cụ thể tại nhóm I, II, III lần lượt là 82,5%; 83,6% và 62,1%. Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu nhận biết có thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là 65,3%. Tỷ lệ nhận biết các hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là 69,0%. Tỷ lệ chẩn đoán thai nhi bằng phương pháp siêu âm tại nhóm I, II, III lần lượt là 88,3%; 96,0% và 97,1%. Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu thực hiện lời khuyên của cán bộ y tế để sinh được con theo ý muốn tại nhóm I, II, III là: 24,0%; 50,0% và 68,0%. Kết quả điều tra trên cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trước hết là tình trạng bất bình đẳng giới. Tư tưởng trọng nam hơn nữ, thích con trai hơn con gái, sự hiểu biết thiên lệch về giá trị của con trai và con gái dẫn đến tâm lý muốn có thêm con trai để phòng ngừa các trường hợp rủi ro cũng làm tăng thêm mong muốn sinh được con trai hơn con gái. Chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, đặc biệt là người già không được hưởng lương hưu, dẫn đến tư tưởng coi con trai là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính; con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già. Mặt khác, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chính là các biện pháp kỹ thuật lựa chọn giới tính khi sinh. Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng số nam nhiều hơn đáng kể so với số nữ ở độ tuổi trưởng thành, đặc biệt trong độ tuổi kết hôn và sinh đẻ. Điều này sẽ gây ra những tác động xấu đối với gia đình và xã hội, đặc biệt là đối với người vợ. Nhóm nam giới gặp khó khăn trong việc lấy vợ, phải duy trì cuộc sống độc thân có thể gây ra những bất ổn về trật tự an toàn ở cộng đồng, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác.
 
Ngày 6-1-2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 02 về thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đến năm 2020, toàn tỉnh giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn 110 cháu trai/100 cháu gái. Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác Dân số - KHHGĐ. Triển khai thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016-2025. Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, lên án tư tưởng trọng nam hơn nữ; qua đó thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần nâng vị thế của người phụ nữ, nâng cao chất lượng dân số. Tập trung tuyên truyền vào các nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; đặc biệt là nhóm sinh con một bề là nữ; tuyên truyền cho các dòng họ, trưởng tộc, người có uy tín trong cộng đồng để họ nhận thấy việc sinh con trai, con gái là như nhau. Tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm khoản 2, Điều 7 Pháp lệnh Dân số về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi d­ưới mọi hình thức (tư vấn, chẩn đoán giới tính của thai nhi, phá thai...). Kiện toàn, củng cố lại tổ chức hệ thống cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực, có chế độ đãi ngộ cho đội ngũ làm công tác Dân số - KHHGĐ để họ yên tâm công tác. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khoản 2, Điều 7 Pháp lệnh Dân số và Nghị định 116/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số, gia đình và trẻ em về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ KHHGĐ đến mọi người dân và tăng cường công tác an sinh xã hội cho người cao tuổi./.
 
Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com