Nâng cao chất lượng thông tin thống kê đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới

07:05, 05/05/2016

Ngày 6-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê trong Bộ Quốc dân Kinh tế, đánh dấu sự ra đời của ngành Thống kê Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 6-5 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thống kê.

Trải qua 70 năm với nhiều giai đoạn cách mạng của đất nước, cơ quan Thống kê Nhà nước đã nhiều lần thay đổi tên gọi để phù hợp với tình hình thực tiễn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp, các đơn vị, trong suốt những chặng đường đã qua, các thế hệ cán bộ thống kê đã vượt qua khó khăn, thử thách nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Từ những ngày đầu chính quyền cách mạng được thành lập, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nạn đói năm 1945, giặc dốt, giặc ngoại xâm, thực dân Pháp và bọn Việt gian phản động dùng mọi thủ đoạn nhằm tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân. Trong bối cảnh ấy những người làm công tác thống kê đã một lòng, một dạ trung thành với Đảng và nhân dân, hết lòng với công việc, đã thu thập, sưu tầm và báo cáo kết quả tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, thực hiện giảm tô, giảm tức phục vụ yêu cầu chỉ đạo của Trung ương và chính quyền cách mạng địa phương. Ngành Thống kê đã tiếp thu kinh nghiệm thống kê của các nước anh em, phát triển công tác trên nhiều mặt phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cách mạng.

Hoạt động nghiệp vụ của cán bộ Phòng Thống kê thương mại (Cục Thống kê tỉnh). Ảnh: Văn Đại
Hoạt động nghiệp vụ của cán bộ Phòng Thống kê thương mại (Cục Thống kê tỉnh). Ảnh: Văn Đại

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta là: Miền Bắc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, khôi phục và phát triển kinh tế, đi lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ. Ngày 1-7-1954 tỉnh Nam Định hoàn toàn được giải phóng. Thực hiện điều lệ số 695/TTg ngày 20-2-1956 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Cục Thống kê Trung ương, các cơ quan thống kê địa phương và tổ chức thống kê các bộ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tháng 3-1956 Ban Thống kê tỉnh Nam Định được thành lập, nay là Cục Thống kê tỉnh Nam Định. Như vậy đến nay ngành Thống kê tỉnh Nam Định tròn 60 năm.

Cuối năm 1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cùng với nhân dân miền Bắc, quân và dân tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tập trung sức người, sức của để chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, mọi thứ thiếu thốn những người làm công tác thống kê đã đoàn kết, hòa mình với khí thế cách mạng chung của cả nước “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã vượt qua khó khăn, không ngại gian khổ, bám sát cơ sở thu thập báo cáo, tổng hợp và phản ánh kịp thời tình hình mọi mặt của đất nước, tình hình đóng góp sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cơ quan Thống kê tỉnh đã có hàng chục cán bộ, công chức tham gia lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, cơ quan thống kê các cấp bám sát yêu cầu thông tin thống kê, chủ động tổ chức thu thập, xử lý, tổng hợp đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu lãnh đạo của các cấp, các ngành. Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, hệ thống cơ quan thống kê đã thực hiện tốt chức năng tham mưu tổng hợp giúp Đảng và Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như từng địa phương. Đồng thời một số cán bộ thống kê tỉnh Nam Định đã được điều động tăng cường cho cơ quan thống kê các tỉnh miền Nam.

60 năm qua, cùng với những biến đổi to lớn trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Thống kê tỉnh Nam Định đã trải qua chặng đường xây dựng và phát triển. Ngày mới thành lập, ngành Thống kê chỉ có một lực lượng cán bộ ít ỏi, phần lớn là cán bộ chính trị, quân đội chuyển sang, chưa qua đào tạo về chuyên môn. Đến nay ngành Thống kê tỉnh Nam Định có một hệ thống bộ máy, cơ cấu cán bộ hoàn chỉnh từ tỉnh đến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, các sở, ban, ngành, các đơn vị... được đào tạo cơ bản có trình độ, kinh nghiệm công tác với cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, công nghệ thông tin được tăng cường và hoàn thiện. Trải qua quá trình hoạt động, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thống kê đã vượt qua khó khăn thử thách, không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thông tin thống kê phục vụ sự quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các đơn vị góp phần vào thắng lợi chung của công cuộc cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Với những cố gắng và những thành tích xuất sắc đã đạt được trong những năm qua, ngành Thống kê tỉnh Nam Định đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, ngành và địa phương tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có 2 Huân chương Lao động hạng Nhất, 3 Huân chương Lao động hạng Nhì, 8 Huân chương Lao động hạng Ba, 9 Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, 14 Bằng khen của Chính phủ, 18 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ KH và ĐT; ngoài ra còn nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH và ĐT, Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của UBND tỉnh tặng cho các tập thể. Các cá nhân trong ngành đã được Nhà nước tặng thưởng 8 Huân chương Lao động hạng Ba, 15 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH và ĐT. Đặc biệt năm 1973, tập thể cán bộ, công chức ngành Thống kê tỉnh đã được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa.

Những phần thưởng nói trên là sự ghi nhận những đóng góp của cán bộ, công chức ngành Thống kê tỉnh, trong đó có sự phối hợp giúp đỡ có hiệu quả của các ngành, các cấp, các đơn vị và nhân dân trong tỉnh. Trong giai đoạn mới trước yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới - thời kỳ CNH-HĐH đất nước đòi hỏi ngành Thống kê tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đề cao tính chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu thông tin thống kê của Tổng cục Thống kê và phục vụ địa phương. Toàn ngành bám sát và nắm bắt kịp thời những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương; trước hết là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, sự quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện của cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đơn vị. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các đơn vị và nhân dân trong việc thực hiện Luật Thống kê (sửa đổi). Coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tăng cường đoàn kết nội bộ. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, cải tiến phương pháp điều tra, tổng hợp, phân tích. Từng bước đổi mới và hiện đại hoá công tác thống kê tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú phù hợp với từng đối tượng sử dụng.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong 60 năm qua; dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tổng cục Thống kê; Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở và nhân dân trong tỉnh; cùng với sự cố gắng sáng tạo luôn suy nghĩ tìm tòi, nỗ lực vượt qua khó khăn gian khổ của đội ngũ cán bộ công chức; ngành Thống kê tỉnh Nam Định nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng vững về chính trị, giàu về kinh tế, văn hoá - xã hội, phát triển xứng đáng là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.

Nguyễn Văn Ty
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com