Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

09:03, 29/03/2016
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám định tư pháp (GĐTP), góp phần để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
Giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) giám định chất ma túy.
Giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) giám định chất ma túy.
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác GĐTP, UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp quản lý GĐTP trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền rộng rãi Luật GĐTP và các văn bản có liên quan đến các tổ chức, cá nhân thông qua nhiều hình thức như: Xây dựng chuyên mục giới thiệu văn bản mới, hỏi đáp pháp luật, pháp luật với cuộc sống trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố và đội ngũ giám định viên tư pháp; chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát, kiện toàn các tổ chức GĐTP và đội ngũ giám định viên tư pháp; đồng thời thực hiện việc quản lý và đảm bảo hoạt động của giám định viên tư pháp theo quy định của pháp luật. Đến nay, toàn tỉnh có 2 tổ chức GĐTP công lập theo quy định của Luật GĐTP gồm: Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh. Đội ngũ giám định viên tư pháp trong tỉnh đều đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật, trong đó 100% giám định viên có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, được đào tạo bài bản, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, phẩm chất chính trị vững vàng và có trách nhiệm với công việc. Bên cạnh đó, hằng năm, các cơ quan chuyên môn đều tiến hành củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ giám định của cơ quan, đơn vị mình. Trong đó, Công an tỉnh thường xuyên đào tạo, quy hoạch và phát triển đội ngũ giám định viên, trợ lý giám định; cử cán bộ tham gia các khóa học nâng cao trình độ chính trị, pháp luật nghiệp vụ, kiến thức chuyên ngành; tổ chức tuyển dụng cán bộ tốt nghiệp ngoài ngành về công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự. Từ năm 2010 đến nay, Công an tỉnh đã tuyển dụng 5 y sĩ, 2 kỹ sư sinh học, phân công 2 đồng chí tốt nghiệp Học viện Quân y bổ sung cho Phòng Kỹ thuật hình sự; đồng thời cử 38 lượt cán bộ, chiến sĩ đi đào tạo nghiệp vụ tại C54, C51 (Bộ Công an), 4 đồng chí đào tạo cao cấp chính trị, 4 cán bộ đi học cao học, đại học văn bằng hai... Đến nay, toàn tỉnh có 66 giám định viên tư pháp hoạt động tại các tổ chức GĐTP và các sở, ngành chuyên môn không thành lập tổ chức. Trong đó, lĩnh vực pháp y có 9 giám định viên, lĩnh vực pháp y tâm thần có 6 giám định viên, kỹ thuật hình sự có 13 giám định viên, lĩnh vực tài chính - kế toán có 3 giám định viên, lĩnh vực khoa học - công nghệ có 10 giám định viên, lĩnh vực văn hóa có 10 giám định viên, lĩnh vực xây dựng có 15 giám định viên. Các cơ quan, đơn vị có tổ chức GĐTP, có giám định viên tư pháp đã tạo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và thời gian để các giám định viên tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ. Tại 2 tổ chức GĐTP công lập, cùng với việc được sử dụng chung thiết bị tại cơ quan chuyên môn quản lý, các tổ chức GĐTP còn được trang bị riêng các thiết bị đặc thù đáp ứng yêu cầu công tác GĐTP. Trong đó Trung tâm Pháp y tỉnh được đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có 2 phòng làm việc, trang thiết bị chuyên môn đều sử dụng của Khoa Giải phẫu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Phòng Kỹ thuật hình sự đặt tại Công an tỉnh được bố trí khu làm việc riêng biệt với 18 phòng làm việc. Các phòng làm việc đều được UBND tỉnh và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) trang bị các thiết bị theo hướng dẫn của Viện Khoa học hình sự. Đặc biệt trong năm 2015, Phòng được Viện Khoa học hình sự trang cấp thêm các thiết bị hiện đại như máy giám định tài liệu VSC6000, máy giám định quang phổ hồng ngoại, máy sắc ký khí, máy phát hiện các chất hóa học, hệ thống máy chiếu… Do đó đáp ứng tốt các yêu cầu giám định, đặc biệt đã khắc phục được tình trạng các yêu cầu về giám định hàm lượng ma túy. Nếu như trước đây, các mẫu ma túy đều phải đề nghị chuyển cấp trên giám định thì nay đã kết luận được ngay tại địa phương, phục vụ kịp thời công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tố tụng, giúp các cơ quan điều tra truy tố, xét xử giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. 
 
Bằng nhiều giải pháp tích cực trong thời gian qua, hoạt động GĐTP đã có những đóng góp quan trọng đối với hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh. Những kết luận giám định khách quan, khoa học, chính xác của các giám định viên tư pháp đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng sớm xác định được sự thật khách quan của vụ việc, giúp tránh được oan sai và hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động tố tụng, đáp ứng ngày càng tốt hơn tiến trình cải cách tư pháp. Từ năm 2015 đến nay, các giám định viên tư pháp của tỉnh đã thực hiện giám định 1.532 vụ việc, trong đó chủ yếu là giám định kỹ thuật hình sự và pháp y. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động GĐTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như: nhận thức của lãnh đạo một số ngành, địa phương về vai trò của hoạt động GĐTP chưa cao. Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác giám định tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn, nhất là ở một số lĩnh vực như xây dựng, đo lường, pháp y. Các giám định viên chủ yếu hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm tại các tổ chức GĐTP. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa tổ chức GĐTP với cơ quan tiến hành tố tụng chưa nhịp nhàng nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác GĐTP. 
 
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP trên địa bàn tỉnh, thời gian tới các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về GĐTP nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vao trò của hoạt động GĐTP. Tiếp tục rà soát, bổ sung, củng cố đội ngũ giám định viên tư pháp, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ giám định viên trẻ, tạo nguồn kế thừa, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các giám định viên tư pháp, đặc biệt là lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ và chế độ ưu đãi đặc thù cho đội ngũ giám định viên tư pháp hoạt động ở những lĩnh vực khó khăn, phức tạp./.
 
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com