Nhiều năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết vấn nạn “bến cóc”, nhưng vi phạm này vẫn đang tái diễn ở nhiều tuyến phố. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, người lao động, học sinh, sinh viên và những người làm ăn xa di chuyển nhiều hơn kéo theo sự xuất hiện hoạt động của “bến cóc” cũng bắt đầu sôi động.
Không riêng gì Thành phố Nam Định, trên địa bàn các huyện, nhiều hành khách không nghiêm túc chấp hành các quy định vào bến mua vé, lên xuống xe dọc đường. Tại Thành phố Nam Định, vẫn tồn tại tình trạng xe khách dừng đỗ để đón, trả khách ở ngã ba cầu vượt Lộc Hoà, đoạn Quốc lộ 21 rẽ Quốc lộ 10; các xe tuyến huyện khi qua địa phận thành phố cũng tuỳ tiện dừng, đỗ bắt khách. Ngoài vi phạm của các xe khách tuyến cố định, tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Thành phố Nam Định còn có tình trạng xe taxi chen chúc, đỗ dưới lòng đường, trên vỉa hè, ảnh hưởng đến điều kiện lưu thông của người dân dưới lòng đường cũng như trên vỉa hè. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Theo đồng chí Phan Văn Chuyên, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị Thành phố Nam Định: Trên toàn thành phố mới chỉ quy hoạch được 7 điểm đỗ xe. Trong khi đó lượng phương tiện taxi hiện nay tăng nhanh kéo theo tình trạng gia tăng các “bến cóc” đậu đỗ xe, làm mất trật tự an ninh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT, gây bức xúc cho người dân, khó khăn cho công tác quản lý của các ngành chức năng.
|
Thanh tra Sở GTVT kiểm tra, xử lý vi phạm của xe khách tại đoạn Siêu thị BigC (TP Nam Định). |
Qua nắm tình hình, Sở GTVT đã chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái tổ chức tuyên truyền cho lực lượng lái xe, chủ xe và kiên quyết rút giấy phép hoạt động đối với trường hợp cố tình vi phạm. Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các thành viên thực hiện tốt chủ trương tăng cường xử phạt nghiêm để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng xe chạy vòng vèo, đón, trả khách không đúng nơi quy định. Sở GTVT yêu cầu các bến xe chủ động điều chỉnh hoạt động quản lý, lựa chọn những phương tiện đạt chuẩn về chất lượng và thái độ phục vụ; bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hành khách và các xe ra, vào trong bến. Tích cực giám sát bảo đảm các doanh nghiệp, HTX vận tải thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho xe ô tô theo đúng quy định. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, có biện pháp quản lý ngay tại bến xe, kiên quyết không cho xuất bến đối với xe không tuân thủ các quy định. Chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án vận tải, phục vụ hành khách, chú ý thời điểm nhu cầu đi lại của nhân dân tăng đột biến như: Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm, các đợt tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, lễ hội Đền Trần, kỳ nghỉ dài ngày... Lực lượng Thanh tra giao thông chủ trì, tổ chức các đợt cao điểm huy động sự phối hợp của lực lượng chức năng thực hiện tuyên truyền, quản lý về luồng tuyến, tập trung xử lý vi phạm đón trả khách không đúng điểm dừng đỗ được quy định, tiến tới dẹp bỏ hoàn toàn các trường hợp cố tình vi phạm. Thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm xe khách tại khu vực Bến xe khách Nam Định dịp Tết dương lịch 2016 vừa qua, riêng lực lượng Thanh tra giao thông đã xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm dừng, đỗ không đúng quy định. Về lâu dài, để góp phần giải quyết dứt điểm “bến cóc” khi trên địa bàn không có đủ điểm dừng đỗ, đón, trả khách, phương tiện vận tải tiếp tục gia tăng, ngành GTVT đã lập và từng bước phân kỳ đầu tư quy hoạch các điểm đón, trả khách tuyến cố định tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở nguồn vốn sửa chữa, duy tu, bảo trì đường bộ hằng năm theo phê duyệt của UBND tỉnh. Theo quy hoạch, toàn tỉnh sẽ đầu tư 22 bến xe khách các loại; trong đó cải tạo, nâng cấp, mở rộng các bến hiện có và đầu tư xây dựng mới thêm 2 bến xe khách trung tâm Thành phố Nam Định đạt tiêu chuẩn bến xe loại I. Xây dựng mới và mở rộng các bến xe khách trung tâm các huyện, đạt tối thiểu loại IV, bổ sung và quy hoạch các bến xe khách, các bến xe hàng hóa, bãi đỗ xe tại các khu vực đông dân cư, nơi lễ hội, KCN… với tiêu chuẩn bến từ loại V (diện tích từ 1.500m
2) trở lên. Tại Thành phố Nam Định quy hoạch dành 5-7% quỹ đất cho xây dựng các công trình giao thông tĩnh, phân bổ đều ở các khu trung tâm; các cửa ngõ ra vào thành phố quy hoạch 1-2 bãi đỗ xe tĩnh và mỗi phường tối thiểu có 1 bãi đỗ xe, xây dựng thêm trạm dừng, nghỉ trên tuyến đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình. Đối với khu vực thị trấn các huyện quy hoạch 1 bãi đỗ xe trên 2.000m
2 phù hợp với vị trí đấu nối các tuyến giao thông quan trọng và đảm bảo an ninh trật tự, ATGT; xây dựng các bến xe tải tại cửa ngõ vào thành phố. Đặc biệt, việc nâng cấp, xây mới các điểm đón, trả khách được bố trí tại các vị trí đảm bảo ATGT, thuận tiện cho hành khách lên, xuống và xe tiếp cận; có đủ diện tích để xe dừng đón, trả khách không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường. Đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đón, trả khách liền kề hoặc giữa điểm dừng đón, trả khách với trạm dừng nghỉ hoặc bến xe hai đầu tuyến; bố trí gần khu dân cư để tăng chất lượng phục vụ…
Để ngăn chặn tình trạng “bến cóc”, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp vận tải, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh ngay những biểu hiện cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây mất trật tự vận tải. Các bến xe tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý điều hành tăng sức thu hút phương tiện và hành khách vào bến như bảo đảm trật tự, an toàn và vệ sinh công cộng; công khai, minh bạch hoạt động điều phối xe. Đặc biệt phải khắc phục kịp thời những biểu hiện gây phiền hà, tiêu cực đối với các xe ra, vào bến. Mặt khác, về phía hành khách cần thay đổi thói quen tùy tiện xuống hoặc đón xe ngoài bến tiếp tay cho hoạt động “bến cóc”, gây mất trật tự vận tải và phát sinh các tiêu cực của nhà xe ép giá, lèn khách, bán khách dọc đường… chính hành khách phải gánh chịu./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy