Về thăm xã Hải Xuân (Hải Hậu), chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” của một vùng quê đổi mới. Những con đường liên thôn, liên xóm đã được trải bê tông phẳng lì, sạch sẽ. Những ngôi nhà kiên cố, nhà cao tầng đan xen san sát. Trên các cánh đồng, hệ thống kênh mương đã được kiên cố hóa, chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất vụ xuân mới. Nằm xen kẽ trong các xóm làng là những ruộng hoa, cây cảnh đang được bà con nông dân chăm sóc kỹ lưỡng để kịp phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
|
Nghề mộc mỹ nghệ đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động xã Hải Xuân, với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. |
Được UBND tỉnh công nhận là xã NTM vào năm 2014, trong năm qua Đảng ủy, UBND xã Hải Xuân quán triệt đến từng cơ sở xóm tiếp tục phát huy và giữ vững các tiêu chí NTM theo hướng bền vững. Trong đó, vấn đề “then chốt” là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện phương châm “mỗi hộ có thêm một nghề”, các hộ dân đã tham gia vào các mô hình phát triển sản xuất như: mô hình nuôi trồng thủy sản, mô hình chăn nuôi, mô hình trồng hoa, trồng nấm…, tập trung phát triển và duy trì các làng nghề, mở mang nghề mới. Đến nay, trên địa bàn xã có 5 cơ sở may công nghiệp, 9 xưởng cơ khí, 7 xưởng mộc dân dụng, 8 cơ sở sản xuất nấm, qua đó, nhiều lao động đã có thêm việc làm, tăng thu nhập. Ông Phạm Văn Toàn, xóm Trần Phú, cho biết: Từ khi xã hoàn thành xây dựng NTM, nhân dân rất phấn khởi. Giờ đây, mỗi khi ra đồng, chúng tôi không phải đi trên đường đất nữa mà đã đi trên những con đường bê tông rộng rãi, thuận tiện. Hệ thống kênh mương nội đồng cơ bản được cứng hóa, tạo điều kiện tốt về thủy lợi, tưới tiêu giúp cho nông dân thuận lợi khi sản xuất, canh tác. Cùng với niềm vui phấn khởi khi địa phương đang “thay da đổi thịt” từng ngày, ông Nguyễn Văn Khẩn, xóm Hồng Thái cho biết, trước đây, nhiều lao động trong độ tuổi phải đi làm ăn xa, thu nhập không ổn định. Nhưng khi xã đã có ngành nghề phát triển như nghề mộc mỹ nghệ, may công nghiệp, nhiều con em quê hương đã về mở xưởng sản xuất, thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động nông thôn. Từ khi triển khai và hoàn thành xây dựng NTM, đời sống của người dân đã dần được nâng lên. Bình quân thu nhập đầu người trong xã đã đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Gần đây người dân chuyển sang nghề trồng hoa cây cảnh thì thu nhập lên đến 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm nhanh. Đồng thời xã đã thực hiện và duy trì tốt an ninh trật tự, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm lao động sản xuất. Với việc duy trì tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã đã xây dựng các mô hình “thôn, xóm bình yên, gia đình hòa thuận” gắn với xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân gương mẫu và kết hợp “thôn, xóm, xứ họ đạo không có tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội”. Phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền lợi và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM và thực hiện xây dựng xóm NTM theo tiêu chí của tỉnh với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, xã đã tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, các ngành nghề dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua giữa các xóm, các hộ gia đình, tạo phong trào xây dựng NTM sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân. Để tạo ổn định cho làng nghề, nghề mới, trên cơ sở quy hoạch phát triển làng nghề, quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển kinh tế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xã chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với các Trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện, mở các lớp dạy nghề, truyền nghề, phổ biến và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, máy móc, đăng ký thương hiệu, bản quyền và hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường cho các làng nghề. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thành lập hiệp hội ngành nghề từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; ưu đãi vốn vay đầu tư sản xuất tại làng nghề; miễn giảm thuế theo quy định của pháp luật với làng nghề mới, nghề mới còn gặp khó khăn. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề của Nhà nước, của huyện để nhân dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Tổ chức kiểm tra và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận và cấp giấy chứng nhận cho các làng nghề thực hiện đúng các tiêu chí làng nghề của Bộ NN và PTNT.
Nhờ việc duy trì tốt các làng nghề, tạo điều kiện cho các hộ nông dân phát triển sản xuất, đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 30,49 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,67%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 71,56%. Với những nỗ lực mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Xuân tiếp tục duy trì và phát triển các tiêu chí NTM theo hướng bền vững góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về xây dựng tỉnh NTM vào năm 2020./.
Bài và ảnh:
Thanh Tuấn