Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh hiện đang quản lý 397.395 hội viên, trong đó trên 80% hội viên phụ nữ ở khu vực nông thôn, ngoài thời gian mùa vụ, nhiều chị em không có việc làm thêm nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, bên cạnh việc duy trì hoạt động các tổ, CLB giúp nhau phát triển kinh tế và tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, Hội LHPN tỉnh còn chú trọng đến công tác dạy nghề cho hội viên, đồng thời xây dựng các mô hình sau đào tạo giúp các chị em áp dụng kiến thức vào thực tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị Nguyễn Thị Mến, thôn 8, Nhất Ninh B, xã Yên Phú (Ý Yên) trước đây ngoài cấy vài sào ruộng không có thêm nghề phụ lại nuôi 2 con đang tuổi ăn tuổi học nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2011, khi Hội Phụ nữ tỉnh mở lớp dạy nghề thêu ren, chị đăng ký tham gia học và được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện tham gia tổ liên kết thêu ren tại xã. Nhờ đó, ngoài thời gian mùa vụ, chị nhận hàng từ tổ liên kết về thêu kiếm thêm thu nhập. Đến nay, chị là tay thêu giỏi của tổ liên kết, thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/tháng. Số tiền làm thêm đã giúp gia đình chị tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Chị Trần Thị Phương, thôn Đông Đò, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) thuộc diện hộ nghèo của thị trấn. Chồng mất do ốm bệnh, một mình chị ngoài vài sào ruộng còn tranh thủ bắt cua, cá, trồng rau kiếm thêm thu nhập nhưng không đủ chữa bệnh cho chồng và nuôi con ăn học, cuộc sống vô cùng khó khăn. Năm 2011, do Hội Phụ nữ xã tổ chức, chị đã đăng ký tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Được học nghề, có kỹ thuật trong tay, chị mạnh dạn xây dựng mô hình gia trại trên diện tích 2.000m
2 nuôi 100 con gà, ngan, vịt lấy trứng; trồng 600 gốc đào; đào ao thả các loại cá giống như trắm, mè, trôi... Với phương thức nuôi trồng “gối sóng”, mỗi năm gia trại của gia đình chị xuất bán hàng tạ cá, hàng trăm cây đào và hàng nghìn quả trứng ra thị trường với thu nhập bình quân từ 70-80 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình chị thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp hội viên phụ nữ nghèo được tham gia lớp dạy nghề do Hội Phụ nữ trong tỉnh, từ đó tìm được việc làm, tìm được hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.
|
Lớp dạy nghề thêu ren do Hội LHPN xã Yên Phú (Ý Yên) tổ chức. |
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho hội viên phụ nữ, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội Phụ nữ các huyện, thành phố và Hội Phụ nữ cơ sở tiến hành khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình hội viên để tuyên truyền giúp hội viên phụ nữ nắm được chủ trương dạy nghề của các cấp Hội; tư vấn giới thiệu ngành nghề phù hợp gắn với nhu cầu lao động của địa phương. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể tổ chức dạy nghề cho hội viên. Ngoài việc dạy nghề tại Trung tâm dạy nghề của Hội, Hội LHPN tỉnh còn chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, mời nghệ nhân, hội viên phụ nữ có tay nghề cao… tham gia công tác dạy nghề. Các ngành nghề đào tạo phù hợp với hội viên phụ nữ nông thôn, trong đó tập trung chủ yếu vào đào tạo các nghề như: thêu ren, nghề mộc, nghề tre nứa ghép… gắn với các làng nghề để phát huy thế mạnh sẵn có ở địa phương, tạo thuận lợi cho các học viên thực hành, áp dụng nghề được học vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, các cấp Hội còn tập trung đào tạo nghề may công nghiệp để cung ứng nhu cầu lao động địa phương cho các KCN, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động. Từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức được trên 300 lớp dạy nghề cho trên 11 nghìn học viên với các nghề thêu ren, dệt chiếu, đan bẹ chuối, móc hộp sợi xuất khẩu, may công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Riêng năm 2015, đã phối hợp, liên kết với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tổ chức dạy nghề cho trên 4.000 lao động nữ, trong đó 2.600 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và phụ nữ khuyết tật, chiếm 62,9%; tư vấn học nghề, tư vấn việc làm cho trên 4,5 nghìn lao động nữ, giới thiệu việc làm cho trên 3,4 nghìn lao động nữ. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cũng tích cực thành lập các mô hình kinh tế tập thể như các mô hình: HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc (Hải Hậu), tổ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao Giao Hà (Giao Thủy)…, hướng dẫn hội viên về kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh hàng hóa trên thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp hội viên yên tâm lao động, sản xuất. Đồng thời, đã xây dựng 2 mô hình tạo việc làm cho phụ nữ sau học nghề là mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy sản” tại xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) và mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh thái” tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản), góp phần giải quyết việc làm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống.
Để công tác dạy nghề và đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn đạt hiệu quả cao, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của lao động nữ ở nông thôn đối với công tác đào tạo nghề; đa dạng hóa các hình thức dạy nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương… Đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp, ngành, các doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho lao động nữ, từ đó góp phần nâng cao đời sống cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo ở nông thôn./.
Bài và ảnh:
Hoàng Dung