Cuối năm 2015, Đoàn giám sát liên ngành của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB và XH và BHXH Việt Nam đã làm việc với một số cơ quan chức năng của tỉnh ta và kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại 2 doanh nghiệp (DN) dệt may tại huyện Ý Yên. Kiểm tra tại 2 DN, Đoàn liên ngành đã phát hiện 721/839 lao động (chiếm 86%) chưa được tham gia BHXH. Ngoài ra, các DN cũng chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về hợp đồng lao động (HĐLĐ), tiền lương, nội quy lao động, công đoàn... Cty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh không cung cấp được tài liệu và không giải trình được các yêu cầu của đoàn về việc chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về HĐLĐ, thang, bảng lương, nội quy lao động cũng như lý do chưa tham gia BHXH cho người lao động (NLĐ). Cty cũng chậm làm các thủ tục giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho NLĐ. Tại DN tư nhân Dệt may Phương Lan, Đoàn liên ngành cũng đã phát hiện DN này đã ký kết HĐLĐ với NLĐ chưa đúng quy định của pháp luật. Qua kiểm tra thực tế tại các DN và báo cáo của đại diện các cơ quan liên quan tỉnh cho thấy, hiện nay, việc giải quyết các chế độ, chính sách cho NLĐ tại nhiều DN trên địa bàn tỉnh ta còn chậm. Tình trạng DN trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp diễn ra ngày một phức tạp. Ngoài nguyên nhân là ý thức của chủ sử dụng lao động cũng có một phần nguyên nhân do nhận thức của NLĐ còn hạn chế, đặt ra cho các cấp công đoàn cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tư vấn pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ.
|
Cty CP May Nam Hà luôn quan tâm thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ. |
Theo thống kê, năm 2015, toàn tỉnh có 4.737 đơn vị sử dụng lao động, gồm 1.270 đơn vị hành chính sự nghiệp, 35 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 3.432 doanh nghiệp và các HTX có sử dụng lao động theo chế độ HĐLĐ với tổng số trên 187 nghìn lao động. Hiện nay, tỷ lệ NLĐ tham gia BHXH bắt buộc ở tỉnh ta vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm 12% lực lượng lao động. Trước thực tế này, những năm qua, cùng với các sở, ngành có liên quan, LĐLĐ tỉnh đã tăng cường các hoạt động nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn cho NLĐ. Năm 2015, bên cạnh việc tích cực chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các DN; phối hợp với Viện Công nhân Công đoàn và Ban quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) tổ chức tọa đàm về thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu vùng năm 2015 và tiến hành khảo sát tại 6 DN trên địa bàn; ban hành bộ tiêu chí xây dựng mô hình điểm về “Công đoàn tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN”; tổ chức hội nghị đối thoại về chế độ, chính sách, Luật BHXH, BHYT cho 200 cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, cán bộ công đoàn cơ sở và NLĐ tại một số DN trên địa bàn tỉnh..., LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn tiếp tục duy trì hoạt động của Văn phòng tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh) và các tổ tư vấn pháp luật. Số lượng vụ việc tư vấn pháp luật trong năm 2015 tăng nhanh. Với các hình thức tư vấn trực tiếp, tư vấn bằng văn bản và tư vấn lưu động tại doanh nghiệp thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia. Trong năm đã tiến hành tư vấn trực tiếp cho 50 công nhân lao động và cán bộ công đoàn về chấm dứt HĐLĐ và trả sổ BHXH; tư vấn bằng văn bản cho Cty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh về việc điều chuyển NLĐ sang làm công việc khác; tư vấn pháp luật lưu động tại 7 DN, 2 khu nhà trọ cho 3.130 công nhân lao động. Điển hình trong Tháng công nhân 2015, Văn phòng tư vấn pháp luật đã tư vấn lưu động tại 3 DN FDI thuộc LĐLĐ huyện Vụ Bản, Nam Trực với các hình thức tư vấn, tuyên truyền qua loa phát thanh của DN một số nội dung liên quan đến NLĐ được quy định trong Bộ luật Lao động 2012 và Luật BHXH; trả lời các câu hỏi của NLĐ về pháp luật lao động; trả lời trực tiếp các câu hỏi xoay quanh các vấn đề về nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, chế độ thai sản, ngày nghỉ hằng năm, nghỉ con ốm, chấm dứt HĐLĐ, chốt sổ BHXH... Sau các cuộc tư vấn lưu động tại DN, Văn phòng tư vấn của LĐLĐ tỉnh đã tiếp tục nhận được các câu hỏi đề nghị tư vấn bằng văn bản và tư vấn qua điện thoại của công nhân các Cty; một số công nhân lao động đến tư vấn trực tiếp tại văn phòng.
Qua hoạt động tư vấn pháp luật cho thấy, việc chủ động mang kiến thức pháp luật đến với NLĐ là rất thiết thực, giúp nâng cao kiến thức pháp luật cho công nhân lao động để họ nắm chắc về quyền và nghĩa vụ của mình và thực hiện đúng pháp luật, ngăn ngừa vi phạm pháp luật; đồng thời đảm bảo, hỗ trợ các quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên công đoàn, NLĐ./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng