Để giải quyết vấn nạn xe chở quá tải, thời gian qua, hai ngành Công an, GTVT đã làm tốt công tác phối hợp kiểm tra, xử lý tài xế vi phạm, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ xe chuyên chở hàng hóa vi phạm. Tuy nhiên, việc kiểm soát tải trọng phương tiện chủ yếu mới làm tốt trên các tuyến quốc lộ và địa bàn Thành phố Nam Định; còn trên các tuyến giao thông liên huyện, giao thông nông thôn vẫn diễn ra phức tạp. Thậm chí vẫn có nhiều xe chở xi măng, vật liệu xây dựng trọng tải tới cả trăm tấn lọt qua các trạm kiểm soát tải trọng lưu thông về các tuyến giao thông nông thôn. Bên cạnh rủi ro gây TNGT, các xe vận tải hàng hóa quá khổ, quá tải, còn gây hư hỏng cho kết cấu công trình giao thông đường bộ nhanh chóng xuống cấp. Một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý phương tiện quá tải ở địa bàn nông thôn còn khó khăn là do cân xách tay của các huyện thường xuyên bị hỏng, không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật; phải sửa chữa mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, khi tiến hành kiểm tra vi phạm tại địa bàn vùng nông thôn, lực lượng chức năng cũng vấp phải một số khó khăn như: mức xử phạt đối với các hành vi không chấp hành việc kiểm tra tải trọng chưa thích đáng, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi chở hàng vượt quá tải trọng cho phép. Do vậy, khi lực lượng chức năng ra quân kiểm tra thì lái xe tìm mọi cách trốn tránh, tạm dừng không cho xe lưu thông trên đường giao thông hoặc luồn lách vào các tuyến đường ngang, đường tắt, liên thông “né” trạm gây khó khăn đối với việc kiểm tra tải trọng. Mặt khác, thời gian qua các ngành, địa phương mới chỉ tập trung xử lý vi phạm chở quá tải trọng mà chưa tập trung xử lý, chấn chỉnh vi phạm tự ý thay đổi kích thước thùng xe để chở hàng vượt quá tải trọng.
|
Lực lượng liên ngành Công an tỉnh và Sở GTVT kiểm tra tải trọng xe tại Quốc lộ 10, địa phận Thành phố Nam Định. |
Để giải quyết tồn tại trên, ngày 4-12-2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND chỉ đạo tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tải trọng phương tiện cuối năm trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của lái xe, các đơn vị kinh doanh vận tải. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp, hỗ trợ các địa phương tập trung xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm xe quá khổ, quá tải ở địa bàn vùng nông thôn. Đồng thời yêu cầu các huyện phải nâng cao trách nhiệm xử lý vi phạm tại địa phương, chủ động sắp xếp, bố trí vị trí tạm giữ phương tiện, kho bãi để hạ tải. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các huyện đều tiến hành kiểm tra, rà soát và tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe ký cam kết không chở hàng hóa quá tải trọng, không vi phạm cơi nới kích thước thùng xe, không xếp hàng hóa quá tải trọng; vận động nhân dân phát hiện các vi phạm về vận tải hàng hóa quá khổ, quá tải kịp thời báo tin cho các cơ quan chức năng xử lý. UBND các huyện chỉ đạo phòng chuyên môn thống kê toàn bộ số xe vận tải trên địa bàn huyện, phân loại và nắm bắt lịch trình tuyến đường, quy luật hoạt động của số xe tải trọng lớn để có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả. Các huyện cũng chủ động tổ chức, kiểm tra, xử lý các phương tiện xếp hàng quá khổ, quá tải ngay tại bến bãi, bến thủy nội địa, bãi khai thác vật liệu xây dựng và áp dụng mức xử phạt cao nhất để tăng tính răn đe.
Bên cạnh sự nỗ lực của các huyện, hiện nay, các ngành chức năng đã tăng cường phối hợp, hỗ trợ các huyện nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải bằng nhiều chương trình, biện pháp thiết thực. Cụ thể, để không có xe vi phạm quá khổ, quá tải xuất phát tại Nam Định, lực lượng chức năng của ngành GTVT đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý, không đưa vào lưu thông ngay từ khâu đăng kiểm; yêu cầu các đơn vị thi công, đơn vị cung cấp vật liệu cho các dự án phải cam kết thực hiện vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng. Hai ngành GTVT và Công an tỉnh đã phối hợp thành lập đội kiểm soát lưu động, sử dụng cân xách tay để hỗ trợ các địa phương nâng cao hiệu quả kiểm soát trong các trường hợp thiết bị của các địa phương bị hư hỏng đột xuất. Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện xử lý vi phạm tải trọng đối với các loại xe ô tô tải, xe ô tô đầu kéo rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc, xe công-ten-nơ, xe siêu trường, siêu trọng trên tất cả các tuyến đường bộ thuộc địa bàn tỉnh, kể cả đường huyện, đường xã, tạo sự kiểm soát liên hoàn, chặt chẽ. Tăng cường kiểm soát vi phạm trên các tuyến quốc lộ, các tuyến giao thông cửa ngõ, hạn chế tối đa tình trạng xe vi phạm từ các tỉnh ngoài lọt trạm kiểm soát. Tập trung kiểm tra tại các khu vực tập kết vật liệu xây dựng, tại đầu mối bốc xếp hàng hóa, nơi thi công các dự án lớn. Tập trung xử lý những xe tự ý thay đổi kết cấu kích thước thành thùng xe, cơi nới thùng xe để chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế ban đầu, để chở hàng vượt quá tải trọng quy định. Hai ngành GTVT, Công an tỉnh thực hiện việc khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với các tổ đội, cán bộ, chiến sĩ đạt thành tích cao trong xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải và xử phạt nghiêm đối với trường hợp cán bộ, chiến sĩ bao che, dung túng cho các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy