Xã hội hóa hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone

09:12, 22/12/2015
Chương trình điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone được tỉnh ta triển khai từ năm 2011. Tính đến hết ngày 31-10-2015, toàn tỉnh có 1.561 bệnh nhân đang điều trị Methadone ở 7 cơ sở điều trị tại Thành phố Nam Định và các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực. Sau 4 năm, chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực như: giúp người nghiện từ bỏ dần ma túy, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ phạm pháp, góp phần đảm bảo ổn định an ninh trật tự xã hội, đồng thời hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu (viêm gan B, viêm gan C…). Tuy nhiên, độ bao phủ của chương trình điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Với lũy tích số trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trên toàn tỉnh đến hết ngày 30-11-2015 là 5.285 người nhiễm HIV, trong đó 2.861 bệnh nhân AIDS và 1.339 người đã tử vong; đường lây nhiễm HIV tại tỉnh ta chủ yếu vẫn là tiêm chích ma túy (trên 50%) thì hiện tại, 7 cơ sở điều trị Methadone mới chỉ đáp ứng được 1/2 số người nghiện chích ma túy (NCMT) được điều trị. Trong khi nhu cầu được tham gia điều trị của bản thân người NCMT và gia đình người NCMT là rất cao thì việc điều trị đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu Methadone do các tổ chức quốc tế cắt giảm thuốc, kinh phí hỗ trợ.
 
Bệnh nhân đến uống thuốc tại cơ sở điều trị Methadone Hải Hậu.
Bệnh nhân đến uống thuốc tại cơ sở điều trị Methadone Hải Hậu.
Để đảm bảo quá trình điều trị của bệnh nhân được liên tục, tỉnh ta đang từng bước xã hội hóa chương trình điều trị Methadone nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị lâu dài với mục tiêu duy trì tính bền vững của các cơ sở điều trị và mở thêm các cơ sở mới khi các nguồn viện trợ không còn, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND về việc ban hành giá một số dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong các cơ sở điều trị công lập của tỉnh. Theo đó, tiến hành thu phí giá dịch vụ điều trị hằng ngày đối với những đối tượng bình thường là 10 nghìn đồng/lượt người/ngày; các đối tượng chính sách được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí khám sức khỏe và 30% chi phí cấp phát thuốc. Mức giá trên chưa bao gồm tiền thuốc và được áp dụng cho tất cả những người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện trong tất cả các cơ sở y tế công lập của tỉnh. Về giá dịch vụ khám bệnh và xét nghiệm, áp dụng theo mức giá quy định tại Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 21-1-2013 của UBND tỉnh về việc ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Năm 2015, tỉnh đã triển khai thêm 2 cơ sở điều trị Methadone mới là: Cơ sở điều trị Methadone huyện Nam Trực, đặt tại Trung tâm Phòng chống ma túy huyện Nam Trực; cơ sở điều trị Methadone Đại Đồng, đặt tại huyện Giao Thủy - là cơ sở tư nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc mở rộng cơ sở điều trị, Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở điều trị chuẩn bị thực hiện thủ tục hành chính tiếp nhận bệnh nhân theo Thông tư 12/2015/TT-BYT ngày 28-5-2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/NĐ-CP quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế có hiệu lực từ ngày 1-8-2015, bảo đảm đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn điều trị, giảm thời gian chờ đợi cho người đăng ký tham gia. Trước đây, để được tiếp nhận vào cơ sở điều trị Methadone, bệnh nhân phải làm đơn và có xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã, thị trấn). Quy định này nảy sinh bất cập trong thực tế là một số chính quyền địa phương do chưa nhận thức đúng về điều trị Methadone, coi người nghiện là đối tượng phạm tội nên còn gây khó khăn cho họ khi đến xin xác nhận. Tuy nhiên, theo Thông tư 12, người đăng ký tham gia điều trị chỉ cần làm đơn theo mẫu quy định và cơ sở điều trị chịu trách nhiệm xét chọn đối tượng tham gia điều trị. Với quy định này, các đối tượng đăng ký điều trị Methadone được giải quyết nhanh, gọn, chỉ khoảng một tuần là có thể bắt đầu điều trị. Từ khi mở rộng các cơ sở điều trị Methadone tại các trung tâm y tế huyện và tạo thuận lợi cho người tham gia điều trị, số người đến điều trị Methadone và số người NCMT được tư vấn, xét nghiệm HIV đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên khó khăn vẫn là kinh phí đầu tư cho cơ sở điều trị bao gồm chi phí cơ sở vật chất ban đầu, mua thuốc Methadone và đặc biệt là chi phí vận hành, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên các cơ sở. Ngoài ra, việc triển khai mở thêm cơ sở mới thì khó khăn, vướng mắc về cơ chế cung ứng thuốc Methadone cho các cơ sở điều trị và tăng thêm chỉ tiêu điều trị người nghiện trong khi mức thu hiện nay là 10 nghìn đồng/lượt người/ngày chỉ chiếm khoảng 1/3 so với tổng chi phí điều trị, chưa kể đến chi phí cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Mặt khác, với mức thu phí điều trị Methadone cho 1 bệnh nhân trong 1 tháng là 300 nghìn đồng và quy định là thu 3 ngày nhất định trong tháng nhưng đa số bệnh nhân đóng dàn trải ra cả tháng làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone.
 
Để các cơ sở điều trị Methadone phát huy hiệu quả hoạt động, nhất là trong điều kiện kinh phí của các tổ chức quốc tế đang cắt giảm như hiện nay, cần có lộ trình cụ thể đối với vấn đề xã hội hoá các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh, trong đó có sự tham gia đóng góp một phần của chính những bệnh nhân đang điều trị không thuộc diện Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Ngoài ra các cấp, các ngành cũng cần chung tay góp sức với ngành Y tế mở rộng các cơ sở điều trị bằng Methadone để bệnh nhân không phải di chuyển xa và được uống thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của y, bác sĩ tại nơi điều trị./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com