Những năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng vận động bà con giáo dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
|
Nhờ tích cực tham gia phát triển kinh tế nên đời sống của đồng bào Công giáo xã Giao Thịnh (Giao Thủy) ngày càng được nâng cao. |
Để đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển kinh tế, Ủy ban ĐKCG tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con giáo dân tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến vào sản xuất như lai tạo giống mới, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mở rộng diện tích trồng lúa đặc sản có thương hiệu trên thị trường. Đồng bào Công giáo các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng… đã phát huy truyền thống về thâm canh cây lúa đem lại hiệu quả năng suất cao. Ở nhiều địa phương, người Công giáo tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từ độc canh cây lúa sang trồng màu, mạnh dạn đưa các loại cây như: dưa hấu, cà chua, bí xanh, đậu tương… vào sản xuất vụ đông, cho năng suất và sản lượng cao, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại, trang trại. Tiêu biểu như 20 giáo dân họ Trung Lễ (Xuân Trường) chuyển đổi diện tích 9ha cấy lúa sang làm trang trại, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số gia đình giáo dân đã khai thác tiềm năng thế mạnh của khu vực ven biển để phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản, đầu tư cải tạo ao, đầm nuôi tôm sú, tôm càng xanh, tôm chân trắng, vạng, ngao… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm… Đồng bào Công giáo trong tỉnh còn mạnh dạn đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại các ngành nghề truyền thống như cơ khí, đúc đồng, chạm kiệu, khảm trai, thêu ren…, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí ở các làng nghề, người Công giáo đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng cơ sở sản xuất lớn, tiêu biểu như giáo dân xứ Kiên Lao (Xuân Trường), họ An Tôn làng Vân Chàng (Nam Trực) sản xuất các loại máy móc phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, chế biến sắt thép phế liệu trở thành nguồn nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp, xây dựng… Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ trước đây nay đã phát triển thành các Cty cổ phần, Cty TNHH một thành viên. Hiện toàn tỉnh có 363 các loại hình Cty, doanh nghiệp tư nhân, HTX, tổ hợp của người Công giáo… Đời sống của đồng bào Công giáo ngày càng được cải thiện, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay có khoảng trên 70 nghìn hộ người Công giáo khá, giàu, số hộ nghèo giảm. Trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, Ủy ban ĐKCG tỉnh đã phát động người Công giáo tích cực tham gia phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” với các tiêu chí cụ thể, phù hợp. Kết quả, người Công giáo toàn tỉnh đã hiến 2.361,3ha đất nông nghiệp, đất thổ cư để xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và xây dựng các công trình văn hóa ở khu dân cư, như: giáo xứ Kiên Chính (Hải Hậu) đã hiến 1.000m2, 19 hộ gia đình giáo dân giáo xứ Đền thánh Đại Đồng (Giao Thủy) hiến 694m2 đất thổ cư… Bên cạnh đó, bà con Công giáo trong tỉnh còn góp tiền, vật liệu, ngày công lao động với số tiền 294,8 tỷ đồng, vận động con em trong giáo xứ, giáo họ đang sinh sống học tập, công tác trong và ngoài nước ủng hộ gần 320 tỷ đồng… Trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, người cơ nhỡ, cô đơn, tàn tật… đồng bào Công giáo đã đóng góp số tiền trên 4,5 tỷ đồng, xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa gần 1,1 tỷ đồng; xây dựng 303 Nhà Tình nghĩa, Nhà Đại đoàn kết giúp các hộ nghèo… Trong phong trào khuyến học, khuyến tài, đến nay đã có trên 70% số xứ, họ trong tỉnh thành lập hội khuyến học và xây dựng được nguồn quỹ với tổng số tiền 6,4 tỷ đồng, tiêu biểu như huyện Nam Trực có 51/54 giáo xứ, giáo họ có hội khuyến học, huyện Hải Hậu có quỹ khuyến học trên 2,3 tỷ đồng… Trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ủy ban ĐKCG tỉnh đã triển khai lồng ghép các phong trào “3 an toàn”, “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” vào các phong trào “Xứ, họ không có ma túy, không có tội phạm”, “Xứ, họ bình yên”, “Bình yên làng nghề”… Huyện Giao Thủy có 21/85 xứ, họ, huyện Hải Hậu có 119/143 xứ, họ không có người nghiện ma túy mới, các giáo xứ, giáo họ và bà con giáo dân đã tích cực tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân trong thôn, xóm, tổ dân phố, đã hòa giải được nhiều vụ việc mâu thuẫn góp phần giảm tỷ lệ tội phạm, đồng thời cung cấp nhiều thông tin cho lực lượng công an trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự…
Trong thời gian tới, Ủy ban ĐKCG tỉnh tiếp tục vận động đồng bào Công giáo tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tích cực đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, vận động đồng bào Công giáo “Sống tốt đời đẹp đạo”, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh