"Hang đá" trong mùa Noel

09:12, 25/12/2015

Vào mỗi dịp Noel, giáo dân trong tỉnh lại tạm gác những lo toan trong cuộc sống hằng ngày để hướng tới một mùa Giáng sinh an lành, vui tươi. Họ trang trí nhà cửa, đường dong, ngõ xóm, nhà thờ với những cây thông, cờ phướn, đèn và vô số ngôi sao lấp lánh để đón Giáng sinh. Dịp này, những thợ làm "hang đá” là bận rộn nhất, họ có nhiệm vụ dựng, trang trí các “hang đá” (tượng trưng) thật đẹp để giáo dân cùng tưởng nhớ đến ngày Chúa ra đời.

Thợ làm
Thợ làm "hang đá" xã Hải Triều, Hải Hậu trang trí "hang đá" đón Giáng sinh.
Trước Noel khoảng 1 tuần đến 15 ngày, tùy thuộc vào tình hình thời tiết, nhiều giáo dân tại các xứ đạo trong tỉnh lại rục rịch chuẩn bị công việc làm hang đá. Để làm được 1 "hang đá" với khối lượng khoảng “95 tấn đá”, rộng 3-5m, dài 6-8m, cao hơn 10m, hàng chục thợ phải mất từ 5 đến 10 ngày “chế tác”. Công việc này đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ, lành nghề và điêu luyện, bởi với người công giáo, nơi Chúa hài đồng sinh ra có ý nghĩa vô cùng to lớn. Anh Mai Văn Tuyên, xóm 2, xã Hải Vân (Hải Hậu) vốn có “thâm niên” gần 20 năm trong nghề làm "hang đá" cho biết: “Khó nhất trong việc làm “hang đá” là khâu thiết kế khung hay còn gọi là mô hình. Một “hang đá” có đẹp, hoành tráng hay không phụ thuộc vào phần khung này. Sau khi lên ý tưởng, thiết kế được phần khung thì thợ rất nhàn, chỉ còn việc “bồi da đắp thịt” tạo hình cho các khối đá và lắp hệ thống đèn trang trí vào là hoàn thiện”. Để làm khung cho hang, người ta hầu như sử dụng các vật liệu bằng tre, luồng là chủ yếu. Theo đó, họ chọn những cây tre, luồng bánh tẻ, già mà vẫn đảm bảo đủ độ dẻo dai để có thể uốn làm khung. Công đoạn dựng này mất khoảng vài ngày. Những thanh niên trai tráng trong xứ họ dưới sự giám sát chặt chẽ của những người có kinh nghiệm xây hang được huy động đảm nhiệm phần việc trên. Sau khi uốn khung, thợ xây hang chọn những vỏ bao tải, bó tạo hình theo kiểu các phiến đá để “lấp” vào hang. Sau khi “tạo dáng”, đưa đá lên khung sẽ phun màu lên các vỏ bao để chúng có “ngoại hình”, màu sắc giống y như là đá thật. Cuối cùng là khâu thiết kế, lắp đặt hệ thống đèn điện, đèn led chiếu sáng cho hang tạo cảm giác lung linh huyền ảo khi đêm xuống. Để bảo vệ các “hang đá” trước những biến động của thời tiết, các thợ làm hang còn phải thiết kế thêm hệ thống bạt che, thậm chí dựng các lán tạm thời tránh gió mưa cho hang. Theo anh Tuyên, “hang đá” hiện được xây với nhiều ý tưởng khác nhau. Có thể kể đến một số kiểu hang: tam sơn phượng vũ, sơn thủy hữu tình, lão mai và huynh đệ… Dù được xây theo chủ đề nào thì những người thợ đều gửi gắm các thông điệp ca ngợi tình cảm gia đình, cha con, mẹ con, vợ chồng, sự che chở ấm áp trong mùa Chúa giáng sinh. Cũng theo anh Tuyên, tùy điều kiện kinh tế của các thôn, xóm hoặc diện tích bề mặt mà người thợ xây các hang với kích thước khác nhau. Tuy nhiên, bà con giáo dân thường dựng hang với diện tích từ 3-7m chiều rộng, 8-10m chiều cao, 6-7m chiều dài. Tuy vậy vẫn không hiếm  có những nơi xây dựng các hang lớn, có thể rộng đến 10m. Chi phí làm 1 “hang đá” trung bình là từ 25-27 triệu đồng. Những hang lớn hơn có thể phải mất từ 30-35 triệu đồng. “Đắt đỏ” nhất trong các công đoạn làm hang chính là kéo, lắp đặt hệ thống đường điện. Anh Tuyên cho biết: “Chỉ riêng kéo một đường điện để trang trí thôi đã vào khoảng 5-6 triệu đồng. Trong khi 1 "hang đá" cần ít nhất cũng phải tới 3 đường điện”. Toàn bộ nguồn kinh phí làm hang do bà con giáo dân tự nguyện đóng góp. Vào mùa Noel, ngoài khu vực nhà thờ, hầu như xóm đạo có đồng bào Công giáo sinh sống nào trong tỉnh cũng làm “hang đá”. Theo ước tính của anh Tuyên, cả xã Hải Vân có đến vài chục "hang đá". Xã Giao Thịnh (Giao Thủy) có 8 xóm thì năm nay có 4 xóm làm hang. Xã Hải Triều (Hải Hậu) cũng có tới hàng chục “hang đá”… Đáng nói, việc xây hang ở các giáo xứ đều huy động sức dân, do bà con nhân dân tự làm chứ hầu như không phải thuê vì đây được coi là sinh hoạt cộng đồng thường niên của người Công giáo. Cặm cụi tỉ mẩn ngồi hàng tiếng đồng hồ giữa trời nắng trong khi 2 tay vẫn thoăn thoắt bó, tạo tác các phiến đá, ông Đỗ Công Hoạt, giáo xứ Kim Thành, xã Hải Vân chia sẻ: “Đối với người Công giáo chúng tôi, dịp Noel được xem như ngày Tết. Con cái, cháu chắt dù làm ăn xa ở đâu cũng cố gắng trở về nhà vào dịp này. Từ giữa tháng 12, trong xứ không ai bảo ai đều tự động ra nhà thờ hoặc các đường dong trong ngõ để xây, trang trí "hang đá". Đã thành lệ nên người nào việc ấy “bắt” việc rất nhanh. Đây không chỉ là việc của chung giáo xứ mà còn là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất được coi trọng của người Công giáo. Đây còn là những dịp để chúng tôi quên đi cuộc sống mưu sinh vất vả, cùng tưởng nhớ tới Chúa trời, cầu mong an lành, phúc đức cho mọi nhà. Dịp này cũng là cơ hội để bà con chòm xóm có thể sum vầy, chia sẻ những câu chuyện gia đình, con cái, nhà cửa với nhau. Công việc chung do đó thường diễn ra một cách vui vẻ, nhẹ nhàng”… 
 
Sau những ngày miệt mài “xây hang”, những giáo dân tự hào khi thấy thành quả của mình. Hòa cùng niềm vui của bà con giáo dân trong ngày lễ trọng, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con giáo dân nào có hoàn cảnh khó khăn đều được thăm hỏi, tặng quà giúp họ đón Noel vui vẻ, ấp áp, tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm./.
 
Bài và ảnh: Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com