Đồng bào Công giáo huyện Hải Hậu với phong trào "Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng"

07:12, 24/12/2015
Huyện Hải Hậu có dân số trên 29 vạn người, trong đó có trên 40% đồng bào theo đạo Thiên chúa, với 144 nhà thờ xứ, họ. Những năm qua, đồng bào Công giáo huyện Hải Hậu đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phong trào xây dựng NTM của huyện. 
Trùm trưởng giáo xứ Kim Thành, xã Hải Vân tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa cho giáo dân.
Trùm trưởng giáo xứ Kim Thành, xã Hải Vân tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa cho giáo dân.
Được Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) tỉnh chọn là đơn vị điểm, Ban ĐKCG huyện đã phối hợp với MTTQ và Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới các chức sắc, chức việc và bà con giáo dân về phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” gắn với phong trào xây dựng NTM, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong sản xuất, kinh doanh và phát triển ngành nghề, các hộ giáo dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ vốn, giống cho những hộ nghèo vươn lên phát triển sản xuất nên đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tiêu biểu như các gia đình giáo dân: Hoàng Văn Thanh, giáo họ Đất Vượt xã Hải Phương; Nguyễn Văn Công, giáo xứ Xuân Thủy, xã Hải Xuân; Nguyễn Văn Khuynh, giáo họ Tây Cát, xã Hải Đông… Nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và mở rộng diện tích trồng màu, trồng cây vụ đông trên chân ruộng hai lúa cho thu nhập gấp 2-2,5 lần so với trồng lúa như giáo xứ, giáo họ ở các xã Hải Chính, Hải Tây, Hải Xuân, Hải Phương, Thị trấn Thịnh Long… Nhiều tổ hợp sản xuất, nhiều làng nghề, tổ kinh doanh dịch vụ như nghề mộc, khảm trai, kim hoàn, dệt chiếu, dệt lưới, kéo sợi PE, may công nghiệp, thêu ren… phát triển mạnh ở các giáo xứ, giáo họ, thường xuyên giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương. Hiện, toàn huyện có nhiều doanh nghiệp, Cty TNHH do con em người Công giáo làm chủ đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Với sự năng động, sáng tạo mở rộng ngành nghề, tận dụng lao động trong lúc nông nhàn nên thu nhập của bà con giáo dân ngày một tăng, đời sống của nhiều gia đình không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 14 nghìn hộ giáo dân có mức sống khá trở lên, 90% số hộ có nhà xây kiên cố và bán kiên cố, 98,5% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 100% số hộ dùng nước hợp vệ sinh, thu nhập bình quân đạt 30,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện giảm xuống còn 2,83%, 100% xứ, họ có điện thắp sáng, đường trục xã, đường liên thôn, liên xóm khang trang sạch đẹp, các nhà thờ, thánh thất được tôn tạo sửa sang, nâng cấp, thuận tiện cho việc sinh hoạt tôn giáo của giáo dân.  Từ năm 2011 đến nay, phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” được gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Các linh mục xứ và Ban hành giáo các xứ, họ đã tuyên truyền, vận động bà con giáo dân tích cực tham gia dồn điền đổi thửa, tự nguyện hiến đất, góp công sức, tiền của nâng cấp các công trình phúc lợi như bê tông hóa đường trục chính giao thông nội đồng, đường giao thông thôn xóm, rãnh thoát nước, vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan thông thoáng, xanh, sạch, đẹp… góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của các xã, thị trấn và của từng xứ, họ. Bà con giáo dân cùng nhân dân trong huyện đã tự nguyện hiến đổi 370ha đất, tháo dỡ, di chuyển hàng nghìn công trình, đóng góp 573 tỷ đồng, trên 150 nghìn ngày công làm nhà văn hóa, rãnh thoát nước, đường giao thông nội đồng, đường dong, xóm… Hầu hết các hộ gia đình giáo dân đã thực hiện tốt nếp sống văn hóa theo hương ước, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh bài trừ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu. Đến nay, có gần 26 nghìn hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình Công giáo gương mẫu”; 85 xứ, họ đạt tiêu chuẩn “Xứ, họ tiên tiến”; 68 khu dân cư có đông đồng bào Công giáo đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa; 119/143 xứ, họ không có người nghiện ma túy, tổng số dư quỹ khuyến học, khuyến tài trong các xứ họ trên 2,3 tỷ đồng...
 
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng của phong trào, Ban ĐKCG huyện tiếp tục vận động đồng bào Công giáo tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện bác ái, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng gia đình Công giáo ấm no, hòa thuận, tiến bộ, cùng phát triển./.
 
Bài và ảnh: Văn Huỳnh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com