Để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có mong muốn vừa học nghề, vừa được học văn hóa, từ nhiều năm qua các Trung tâm GDTX trong tỉnh đã phối hợp với các trường chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề mở các lớp vừa dạy văn hóa vừa đào tạo nghề. Sau 3 năm học, học viên được cấp bằng TCCN hoặc trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp GDTX cấp THPT, có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Từ năm học 2013-2014, Trung tâm GDTX Vũ Tuấn Chiêu (Nam Trực) đã liên kết với Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản (Hà Nam) tổ chức các lớp học văn hóa và đào tạo các nghề: Hướng dẫn viên du lịch, Kỹ thuật điêu khắc gỗ, Gia công và thiết kế sản phẩm mộc, Kỹ thuật khảm trai, Điện công nghiệp… giúp học viên có cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm. Trung tâm đã tổ chức điều tra khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập của học viên, đồng thời tư vấn cho học viên lựa chọn nghề học phù hợp. Đối với các lớp học văn hóa - nghề, Trung tâm chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất, dạy văn hóa cho học viên theo chương trình GDTX cấp THPT, đồng thời cử giáo viên dạy các bộ môn văn hóa bổ trợ trong chương trình trung cấp nghề. Trung tâm cũng thường xuyên tuyên truyền cho học viên hiểu rõ về mục tiêu, lợi ích của các chương trình dạy văn hóa - nghề thông qua việc xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, giám sát, kiểm tra quá trình đào tạo nghề và cùng với các trường trung cấp, cao đẳng nghề thực hiện việc gắn việc đào tạo nghề sát với nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường lao động hiện nay và tăng cường tìm hiểu, sắp xếp để học viên đi thực tập sản xuất gắn với bố trí việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay, Trung tâm duy trì 8 lớp văn hóa - nghề với 239 học viên theo học. Em Nguyễn Ngọc Ánh, lớp CN4 - Điện công nghiệp cho biết: “Sau khi không trúng tuyển vào THPT công lập, được biết Trung tâm GDTX Vũ Tuấn Chiêu có mô hình liên kết dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề nên em đã nộp đơn xét tuyển vào học. Hiện tại em đang học nghề Điện công nghiệp với thời lượng 2 buổi/tuần. Em hy vọng sau khi tốt nghiệp vừa có bằng văn hóa THPT vừa có bằng nghề sẽ xin được việc làm để ổn định cuộc sống”.
|
Các em học viên Trung tâm GDTX Vũ Tuấn Chiêu (Nam Trực) trong một buổi học nghề. |
Với mô hình liên kết dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề, lượng học sinh học văn hóa - nghề ở các trung tâm GDTX trong 3 năm học gần đây tương đối ổn định, năm sau tăng hơn năm trước, góp phần vào công tác huy động học viên vào học tại các trung tâm GDTX trong tỉnh. Năm học 2015-2016, toàn tỉnh đã có 8 trung tâm GDTX liên kết dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề với tổng số 824 học viên. Thực hiện liên kết, các trung tâm GDTX đã dạy đủ 8 môn văn hóa theo quy định của Bộ GD và ĐT và tổ chức thi tốt nghiệp lấy bằng GDTX cấp THPT theo đúng quy chế, quy định. Các nghề được đào tạo ở các trường dạy nghề gồm 15 ngành nghề khác nhau và các trường đã có nhiều chế độ, chính sách để thu hút và tạo điều kiện cho học viên tham gia học nghề. Nhiều học viên ra trường đã tìm kiếm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên đến nay, việc học văn hóa kết hợp với học nghề vẫn còn gặp khó khăn do học viên chưa quan tâm đến việc học nghề. Mặt khác, số lượng học viên ở các trung tâm GDTX ngày càng giảm nên khó huy động đủ số lượng học viên đăng ký học nghề để mở được lớp. Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, vào trường vừa học văn hóa vừa học nghề lượng kiến thức lớn, do đó gặp nhiều khó khăn về quá trình tiếp nhận kiến thức. Hơn nữa, học viên được tuyển vào các trung tâm GDTX vừa học văn hóa vừa học nghề hầu hết đều có học lực yếu, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên chất lượng học văn hóa chưa cao, có trung tâm khoảng trên 30% học viên xếp loại học lực yếu. Ở một số đơn vị liên kết, số học viên ít, chất lượng đào tạo chưa cao, một số trường, trung tâm nghề còn thiếu phòng học, phòng chức năng nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Thời gian tới, các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các trung tâm GDTX cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức tuyển học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề, đồng thời dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng GD và ĐT và chuẩn đầu ra nhằm thực hiện có hiệu quả giải pháp phân luồng học sinh sau THCS. Các trung tâm GDTX cũng cần tổ chức rà soát lại nội dung chương trình giảng dạy, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tinh giản, vững chắc, tạo thuận lợi cho học viên tiếp thu bài học và đạt kết quả cao trong các kỳ thi lên lớp, tốt nghiệp./.
Bài và ảnh:
Hồng Minh