Đến thăm lớp học nghề nuôi thủy sản tại xã Mỹ Xá (TP Nam Định), chúng tôi cảm nhận được không khí học tập sôi nổi của các học viên là những hội viên nông dân trên địa bàn xã. Với số lượng 35 học viên/lớp, các học viên được giảng viên của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (DN và HTND) tỉnh truyền đạt những kiến thức về nuôi thủy sản nước ngọt. Chị Vũ Thị Phương, Chi hội trưởng nông dân xóm Thượng cho biết, trên địa bàn xóm hiện có trên 20 hộ nuôi thủy sản với diện tích bình quân từ 3-5 sào/hộ. Sau khi nhận kế hoạch mở lớp học, xóm đã tổ chức khảo sát và cho các hộ đăng ký tham gia. Thời gian học từ đầu tháng 7-2015 và kết thúc vào đầu tháng 10-2015. Sau 3 tháng học tập, nghiên cứu, các hộ nuôi thủy sản đã có thêm kiến thức về nuôi thủy sản nước ngọt. Ông Hoàng Khắc Cúc, hội viên chi HND xóm Thượng, học viên của lớp nuôi thủy sản cho biết, trước đây, ông nuôi thủy sản chủ yếu bằng kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày do HND xã phối hợp tổ chức. Qua lớp học này, ông đã có thêm kiến thức mới để áp dụng vào thực tế chăn nuôi, nuôi thủy sản của gia đình. Gia đình ông nuôi cá từ năm 2008-2009, hiện gia đình ông Cúc có 2 mẫu ao nuôi cá cảnh (giống cá chép In-đô-nê-xi-a) và hơn 2 sào nuôi cá truyền thống (cá trắm, trôi, mè, chép). Còn ở lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây cảnh xã Nam Thắng (Nam Trực), ông Lê Ngọc Trung, hội viên nông dân thôn Dương A cho biết, trước đây, việc trồng hoa cây cảnh chủ yếu bằng kinh nghiệm và học hỏi những lớp người đi trước. Nhưng qua lớp học, ông cũng thu thập thêm được nhiều kiến thức mới trong việc uốn tỉa, chăm sóc cây cảnh. Tham gia lớp học, ông và các học viên ngoài việc được học miễn phí theo chương trình đào tạo nghề còn được Trung tâm DN và HTND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí trong quá trình học nghề.
|
Mô hình nuôi cá cảnh của anh Hoàng Khắc Cúc, chi HND xóm Thượng, thôn Mai Xá, xã Mỹ Xá (TP Nam Định). |
Đồng chí Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch HND tỉnh kiêm Giám đốc Trung tâm DN và HTND tỉnh cho biết, trong những năm qua, Trung tâm đã không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức dạy nghề phù hợp, theo sát nhu cầu thực tế cho từng đối tượng, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thiết thực theo tinh thần Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Trung tâm đã xác định chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phụ thuộc chủ yếu vào 4 yếu tố cơ bản: kinh phí đào tạo, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên, giáo trình, phương pháp giảng dạy và người học. Trong đó người học (hội viên nông dân) giữ một vai trò quan trọng. Với số lượng 33 giáo viên (trong đó, có 5 giáo viên cơ hữu và 28 giáo viên thỉnh giảng), trong 3 năm qua (2013-2015), Trung tâm DN và HTND tỉnh đã trực tiếp mở 36 lớp dạy nghề cho hội viên nông dân. Để người học chủ động, tích cực tham gia các lớp học nghề và phát huy nghề sau mỗi khóa học, hằng năm, Trung tâm đã phối hợp với HND các huyện, thành phố thống kê nhu cầu học nghề của hội viên, đồng thời tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng nhân lực lao động qua đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, địa phương. Qua đó, Trung tâm xây dựng kế hoạch, phương hướng đào tạo nghề theo ngành, nghề cho phù hợp. Để thu hút nông dân tích cực, chủ động tham gia học nghề nông, Trung tâm đã mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương và nhu cầu về kiến thức khoa học kỹ thuật của học viên, qua đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, khoa học. Thời gian tổ chức lớp học tránh thời điểm mùa vụ bận rộn của nông dân nhưng phải trùng với thời vụ sản xuất của cây trồng, vật nuôi. Gắn lý thuyết với thực hành và tham quan thực tế; gắn việc giảng dạy của giáo viên có kinh nghiệm với việc lấy “nông dân dạy nông dân”… Qua thực tế, các lớp dạy và học nghề đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân. Học viên trong các lớp học đã thấy được hiệu quả, tác dụng của việc học nghề đối với bản thân và gia đình. Từ đó, họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền cho công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Năm 2015, Trung tâm đã trực tiếp giảng dạy 17 lớp dạy nghề cho 568 học viên với thời hạn 3 tháng với các nghề chủ yếu là: nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch; chăn nuôi gia súc, gia cầm; may công nghiệp; trồng và chăm sóc cây cảnh… tại các huyện: Ý Yên, Trực Ninh, Xuân Trường, Mỹ Lộc, Nam Trực... Ngoài ra, các cấp HND trong tỉnh còn phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật các địa phương mở các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ, chuyển giao khoa học kỹ thuật với 390 lớp thu hút 23.400 lượt người tham dự. HND tỉnh cũng đã phối hợp với Cty TNHH Công nghệ phát triển nông nghiệp xanh (Hà Nội) triển khai xây dựng mô hình trình diễn bón phân nhả chậm (phân bón 1 lần trong vụ) cho lúa xuân tại các huyện, thành phố, phối hợp xây dựng được 28 mô hình trồng trọt, 2 mô hình chăn nuôi, 2 mô hình nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với các Cty, các doanh nghiệp giúp nông dân mua phân bón trả chậm, toàn tỉnh đã cung ứng được 5.000 tấn NPK và thức ăn chăn nuôi, điển hình như huyện Giao Thuỷ, Ý Yên, Trực Ninh, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Xuân Trường.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, thời gian tới, Trung tâm DN và HTND sẽ tập trung phối hợp với các ngành, với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, các Cty tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Phối hợp với các Cty, doanh nghiệp lớn có uy tín, giúp nông dân mua sản phẩm vật tư nông nghiệp, máy nông nghiệp đảm bảo chất lượng theo phương thức trả chậm. Xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trang bị cho nông dân kiến thức về hội nhập kinh tế thế giới. Tiếp tục triển khai tốt công tác dạy nghề, các chương trình hỗ trợ nông dân. Đồng thời làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn giúp nông dân có tầm nhìn mới trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất gắn với thị trường. Để đạt được hiệu quả sau học nghề, HND các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo HND các huyện, thành phố tuyên tuyền, vận động nông dân tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tăng thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương./.
Bài và ảnh:
Thanh Tuấn