Sức lan tỏa từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Vụ Bản

06:10, 31/10/2015
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vụ Bản đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể vận động hội viên và nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH). Phong trào đã tạo sự lan tỏa trong các lĩnh vực đời sống sinh hoạt của nhân dân, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội. 
Cổng làng văn hoá Phú Đa, xã Hiển Khánh được xây dựng năm 2010 với kinh phí gần 60 triệu đồng do con em xa quê đóng góp xây dựng.
Cổng làng văn hoá Phú Đa, xã Hiển Khánh được xây dựng năm 2010 với kinh phí gần 60 triệu đồng do con em xa quê đóng góp xây dựng.
Hằng năm, Ban chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” của huyện và các xã, thị trấn được kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Phòng VH-TT huyện phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền các quy chế, tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa trong các tầng lớp nhân dân. Thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, đến nay, toàn huyện có 185/223 đạt danh hiệu “Làng văn hóa” (đạt tỷ lệ 83%); trong đó, các xã Hiển Khánh, Liên Minh, Trung Thành, Đại Thắng, Kim Thái và Thị trấn Gôi là những đơn vị có nhiều thôn, xóm được công nhận làng văn hóa. Tại xã Hiển Khánh, phong trào xây dựng làng văn hóa có sức lan tỏa sâu rộng ở tất cả các thôn. Hiện tại, cả 11 thôn trong xã đều đạt danh hiệu “Làng văn hóa”. Xã Đại Thắng cả 17 thôn đều đạt danh hiệu “Làng văn hóa”. Đạt được kết quả này, cùng với sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên, nhân dân, xã đã phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể; trong đó Hội Nông dân với phong trào “Xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình”, Hội Phụ nữ với phong trào “Phụ nữ tích cực lao động, học tập sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ”, Hội CCB với phong trào “Xây dựng gia đình CCB gương mẫu”... Triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức cho các hộ dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; trong đó có cam kết nội dung không vi phạm các tệ nạn xã hội. Cán bộ, đảng viên ở các xã, thị trấn luôn gương mẫu thực hiện các quy chế, quy ước nếp sống văn hoá, đồng thời thường xuyên vận động các thành viên trong gia đình và người dân địa phương thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hưởng ứng các hoạt động giúp nhau giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa... Đến nay, toàn huyện có 27.600/38.583 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 71,5%). Nhiều gia đình văn hóa của huyện được dự hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ II-2013; tiêu biểu như gia đình các ông: Trần Văn Chung, xã Trung Thành; Vũ Minh Đức, xã Minh Thuận; Đào Minh Sơn, xã Minh Tân; Nguyễn Danh Long, xã Vĩnh Hào; Ngô Mạnh Tuấn, xã Tam Thanh; bà Trần Thị Nguyệt, Thị trấn Gôi… Tại các làng, thôn đã được công nhận làng văn hóa, việc xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa phát triển mạnh, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ về văn hóa, văn nghệ, TDTT... của nhân dân được quan tâm đầu tư. Toàn huyện hiện có 115/223 thôn, xóm có NVH, 10/18 xã, thị trấn có NVH đạt chuẩn NTM. Tiêu biểu là xã Hiển Khánh có cả 11 thôn có NVH, xã Hợp Hưng cả 14 thôn đều có NVH; xã Trung Thành cả 13 xóm có NVH… Ở hầu hết các NVH đều trang bị tủ sách cộng đồng phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của nhân dân. Từ việc quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT của nhân dân được đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn huyện hình thành nhiều CLB văn hóa, văn nghệ sinh hoạt đa dạng ở các loại hình như: thơ, chèo, chầu văn… Các CLB thơ - văn Thiên Bản, CLB thơ Hoàng Nguyên (xã Minh Tân), CLB thơ Lúa vàng (xã Tân Khánh), CLB thơ Trái ngọt đầu mùa (xã Đại An), CLB thơ Nắng gió Non Côi (Thị trấn Gôi)… đều thu hút hàng trăm hội viên tham gia. Tại xã Kim Thái, đội văn nghệ do Đoàn Thanh niên làm nòng cốt có nhiều người là thành viên CLB Hát Chầu văn tỉnh luôn giành thành tích cao trong các hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện. Từ việc duy trì và phát triển phong trào văn nghệ ở các thôn, xóm, hằng năm huyện đều tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, thu hút đông đảo các đội văn nghệ ở các địa phương tham gia. Thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ huyện đã lồng ghép tuyên truyền các nội dung của phong trào “TDĐKXDĐSVH”, phong trào xây dựng NTM. Là vùng đất cổ, với mật độ di tích đậm đặc gồm 32 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, tiêu biểu như: Quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá Phủ Dầy (xã Kim Thái) thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đền Giáp Nhất (xã Quang Trung), đền Đông, đền Bách Cốc (xã Thành Lợi), đền - chùa Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào), những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vụ Bản luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay huyện Vụ Bản có trên 500 hạng mục của hơn 150 di tích được trùng tu, tôn tạo. Ban quản lý di tích các địa phương trong huyện thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, an ninh trật tự, VSATTP, từng bước bài trừ mê tín dị đoan, khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, dân vũ, gắn lễ hội với giáo dục truyền thống văn hiến quê hương.
 
Phong trào “TDĐKXDĐSVH” ở Vụ Bản đã phát huy hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng tâm hồn đạo đức, lối sống của người dân ở các địa bàn dân cư, góp phần giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com