Bám sát chỉ đạo của Bộ TT và TT, Sở TT và TT đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Theo đó trong năm 2015 tập trung tuyên truyền cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành, các địa phương; lãnh đạo các cơ quan báo chí; cán bộ phụ trách thông tin cơ sở; lãnh đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng, nhập khẩu, sản xuất, phân phối thiết bị truyền hình hiểu biết đầy đủ về sự cần thiết, mục tiêu và nội dung của Đề án; lợi ích từ việc số hóa truyền hình đối với người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; nâng cao nhận thức trách nhiệm của các ngành, các cấp trong hoạt động chuyển đổi công nghệ số; hướng dẫn người dân cách thức sử dụng dịch vụ, lựa chọn máy thu hình. Phổ biến thông tin về thời điểm chấm dứt phát sóng truyền hình công nghệ tương tự trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn người dân phương thức thu, xem truyền hình số mặt đất DVB-T2... với mục tiêu đảm bảo người dân toàn tỉnh nhận thức đúng, đủ về lợi ích khi thực hiện chuyển đổi công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ truyền hình số. Để chuẩn bị chuyển đổi, từ tháng 1-2012 Đài PT-TH Nam Định không đầu tư về hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự mặt đất; chỉ tăng cường duy trì bảo dưỡng, sửa chữa máy phát hiện có; vẫn thực hiện truyền dẫn, phát sóng quảng bá kênh truyền hình địa phương gồm các phương thức: duy trì thực hiện phát sóng truyền hình Analog trên kênh 37 UHF; Truyền hình vệ tinh nhưng đã tập trung thực hiện kế hoạch đào tạo lại theo hướng tập trung vào việc sản xuất chương trình. Thực hiện lộ trình giai đoạn 2013-2016: Đài PT-TH tỉnh chủ động xây dựng các đề án đáp ứng theo tiêu chuẩn của Bộ TT và TT; trong đó kênh truyền hình Nam Định cũng đã được phát trên một số hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền như MyTV, Truyền hình cáp Nam Định... Đài sử dụng hạ tầng truyền dẫn của Đài Truyền hình Việt Nam (THVN), sử dụng các phương thức truyền dẫn phát sóng khác nhau: phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, phát sóng số vệ tinh qua Vinasat, truyền hình online, truyền hình MyTV. Ngoài phương thức phát sóng tương tự, Đài còn phát sóng kênh truyền hình Nam Định trên hạ tầng của VTVcab, AVG, MyTV, NetTV, OneTV, Truyền hình cáp Nam Định và phát sóng trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Đài. Đặc biệt, Đài PT-TH Nam Định đã ký hợp đồng với Trung tâm truyền dẫn phát sóng Đài THVN và từ 1-7-2015 đến nay đã đồng thời đã phát sóng số theo chuẩn DVB-T2 của Trung tâm truyền dẫn phát sóng Đài THVN qua máy phát số 2Kv kênh U25, đến nay đảm bảo hoạt động tốt và đã sẵn sàng cho việc số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình theo đúng lộ trình trước 31-12-2016. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới về nội dung chương trình, nâng cao chất lượng phát sóng; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật phù hợp. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 5 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang hoạt động: Truyền hình cáp Nam Định (Chi nhánh Nam Định, Tổng Cty Truyền hình cáp Việt Nam); Truyền hình Internet MyTV (Viễn thông Nam Định); Truyền hình Internet NetTV (Viettel Nam Định); Bưu điện tỉnh Nam Định; Truyền hình kỹ thuật số vệ tinh AVG; Truyền hình Internet OneTV (Cty Cổ phần Viễn thông FPT - Chi nhánh Nam Định). Các đơn vị truyền hình trả tiền sử dụng nhiều phương thức truyền tín hiệu khác nhau như cáp (cáp treo, cáp quang, cáp đồng trục), sóng vô tuyến (truyền hình vệ tinh), qua mạng internet để đưa tín hiệu truyền hình đến người xem. Hiện tại, các đơn vị truyền hình trả tiền cũng tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thiết bị, nguồn nhân lực đạt chuẩn để bảo đảm lộ trình chuyển đổi phát sóng truyền hình bằng công nghệ số của tỉnh.