Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong hoạt động nghiên cứu khoa học, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Trường Đại học Điều dưỡng (ĐHĐD) Nam Định đã đi đầu đảm nhiệm thực hiện các đề tài, sáng kiến nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi, các hội nghị, hội thảo chuyên ngành, mở các diễn đàn sinh hoạt khoa học... góp phần nâng cao chất lượng học tập của sinh viên và hoạt động đào tạo của nhà trường.
Năm học 2014-2015, tại hội nghị Khoa học tuổi trẻ toàn quốc, đề tài “Đánh giá sự thay đổi nhận thức về phòng bệnh tái phát của người bệnh sau phẫu thuật sỏi mật tại khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định” của nhóm ĐVTN, giảng viên Đỗ Thu Tình, Nguyễn Thị Lệ Thủy xuất sắc đạt giải nhì. Qua nghiên cứu thực tế chữa trị bệnh sỏi mật, nhóm nhận thấy, sỏi mật là một bệnh hay tái phát (khoảng 30%). Khi tái phát, việc phẫu thuật lại hết sức khó khăn vì nguy cơ xảy ra tai biến trong và sau phẫu thuật khá cao. Tỉ lệ tử vong cũng cao hơn so với phẫu thuật lần đầu. Để giảm tỉ lệ tái phát, người bệnh cần có kiến thức tốt về phòng bệnh. Vì vậy, các giảng viên trẻ chọn ngẫu nhiên 120 bệnh nhân đang điều trị bệnh sỏi mật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiến hành tư vấn sức khỏe trong vòng 6 tháng với mục tiêu: Đánh giá thực trạng, sự thay đổi nhận thức về phòng bệnh của người bệnh sau phẫu thuật sỏi mật và sau giáo dục sức khỏe. Nghiên cứu này khuyến nghị người bệnh cần được tư vấn sức khỏe để nâng cao nhận thức về phòng bệnh và nên có những chương trình giáo dục sức khỏe về phòng bệnh tái phát.
|
Một giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. |
Cũng trong năm học 2014-2015, các Thạc sĩ Đỗ Minh Sinh, Vũ Thị Thúy Mai đã cùng với nhau viết sáng kiến Ứng dụng thang đo “Finnish diabetes risk score” (FINDRISC) có điều chỉnh để sàng lọc và dự báo nguy cơ tiến triển bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type II trong 10 năm ở cộng đồng được Sở KH và CN công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Nhận thấy bệnh ĐTĐ type II là phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% tổng số ca mắc ĐTĐ; liên quan đến các biến chứng thận, tim mạch, đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại biên… Điều này dẫn đến nguy cơ tử vong ở người bệnh ĐTĐ cao gấp 2 lần so với người không có bệnh này. Do đó, việc phát hiện sớm các đối tượng mắc ĐTĐ type II là rất quan trọng trong việc giảm các biến chứng của ĐTĐ. Hiện nay, để phát hiện bệnh ĐTĐ type II, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang sử dụng biện pháp dung nạp đường huyết bằng đường uống (OGTT) để sàng lọc ĐTĐ type II. Mặc dù nghiệm pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, tuy nhiên thời gian để thực hiện phương pháp rất dài (tối thiểu 2h/người), không thể áp dụng trên nhiều người cùng một lúc, phải sử dụng máy đo và các dụng cụ lấy máu, xét nghiệm phức tạp, kinh phí lớn. Bên cạnh đó, phương pháp này không thể dự báo được nguy cơ tiến triển bệnh trong tương lai của cộng đồng. Sáng kiến của nhóm đã tập trung giải quyết 2 vấn đề cơ bản khi áp dụng thang đo FINDRISC là: sàng lọc (phát hiện) những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ĐTĐ type II và dự báo tiến triển của bệnh trong vòng 10 năm tại cộng đồng. Sáng kiến được áp dụng tại 4 xã/thị trấn huyện Vụ Bản với 930 người dân từ 40-75 tuổi tham gia. Kết quả thu được rất khả quan: Chi phí để áp dụng sáng kiến trên phạm vi rộng là không lớn, có thể áp dụng để dự báo nguy cơ mắc ĐTĐ type II trong 10 năm của bất kì cộng đồng người trưởng thành nào (từ 40-75 tuổi).
Tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN nhà trường có môi trường học tập, nghiên cứu khoa học, hằng quý, nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học thường kỳ. Đây là nơi để các giảng viên, ĐVTN trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học. 6 tháng đầu năm 2015, có 300 sinh viên tham gia sinh hoạt ngoại khóa thường kỳ. Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn nghiên cứu khoa học, buổi sinh hoạt khoa học, để nâng cao năng lực nghiên cứu, nhiều sinh viên, ĐVTN Trường ĐHĐD còn tích cực tham gia viết bài nghiên cứu chuyên ngành in trong tập san Khoa học và Điều dưỡng của trường hoặc các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước. Xung kích trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tuổi trẻ ĐHĐD còn mạnh dạn đứng ra đảm nhận thực hiện các đề tài, sáng kiến nghiên cứu khoa học. Theo đó, 2 năm qua, nhà trường có 16 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, trong đó chủ yếu là cán bộ trẻ và sinh viên tham gia với vai trò là chủ nhiệm đề tài hoặc nghiên cứu chính. Trong 6 tháng đầu năm 2015, ĐVTN trong trường viết 3 sáng kiến cải tiến KHKT cấp cơ sở, 1 sáng kiến cấp tỉnh. Một số đề tài, sáng kiến tiêu biểu có thể kể đến như: Sử dụng máy điện châm trong điều trị mất ngủ; Ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong môn học; Giải pháp tăng cường nhận thức của cộng đồng về bệnh tật bằng truyền thông trực tiếp... Ngoài ra, hằng năm ĐHĐD đều đặn tham dự các hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ toàn quốc, Hội thi sáng tạo KHKT của tỉnh. Đến nay, trường có 17 cán bộ trẻ đạt giải thưởng cấp quốc gia về nghiên cứu khoa học; 2 cán bộ trẻ đạt giải thưởng sáng tạo cấp tỉnh. Năm 2015, trong Hội thi ý tưởng nghiên cứu khoa học trong sinh viên đã có 12 ý tưởng được BGH nhà trường trao giải... Với việc tích cực tham gia các hội thi, năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên tăng lên rõ rệt. Hằng năm, số lượng ĐVTN tham gia thực hiện các đề tài ngày càng tăng, nhiều cán bộ trẻ mạnh dạn đăng ký tham gia dự các khóa, lớp tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học do nhà trường cũng như các đơn vị khác tổ chức. Nhiều đề tài nghiên cứu của tuổi trẻ ĐHĐD được ứng dụng trong giảng dạy và chăm sóc cho sức khỏe nhân dân...
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả trong nghiên cứu khoa học của ĐVTN, Đảng ủy, BGH nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học trẻ; tổ chức các sân chơi về hoạt động khoa học, nghiên cứu khoa học nhằm thu hút cán bộ trẻ, sinh viên tham gia. Mục tiêu của nhà trường là sẽ ngày càng có nhiều cán bộ trẻ, sinh viên làm chủ nhiệm đề tài các cấp, kết quả nghiên cứu của ĐVTN được ứng dụng trong thực tế giảng dạy, học tập và chăm sóc sức khỏe cộng đồng./.
Bài và ảnh:
Hoa Quyên