Toàn tỉnh hiện có 498 nghìn trẻ em từ 0-16 tuổi, chiếm 24,9% dân số. Để đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE), những năm qua, Sở LĐ-TB và XH đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, trong đó chú trọng đến công tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên (CTV) làm công tác BVCSTE.
|
Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và Hội VITAM (Cộng hòa Pháp) tặng xe đạp. |
Đồng chí Trần Thị Hà, Trưởng phòng BVCSTE (Sở LĐ-TB và XH cho biết: Toàn tỉnh hiện có 243 cán bộ BVCSTE các cấp và 3.707 CTV BVCSTE ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố. Thực hiện Đề án của UBND tỉnh, từ năm 2013, Sở LĐ-TB và XH đã hướng dẫn Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố kiện toàn đội ngũ CTV làm công tác BVCSTE ở thôn, xóm, tổ dân phố do chi hội trưởng phụ nữ kiêm nhiệm. Đội ngũ CTV làm công tác BVCSTE đảm nhận việc theo dõi tình hình BVCSTE trên địa bàn phụ trách; phát hiện và báo cáo Ban bảo vệ trẻ em cấp xã các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bóc lột sức lao động, bị bạo lực, bị tai nạn thương tích…; thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn về BVCSTE cho gia đình và cộng đồng; cung cấp và kết nối các dịch vụ chăm sóc, giáo dục, phục hồi và hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE, hằng năm, Sở LĐ-TB và XH chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn các văn bản mới của Đảng, Nhà nước về công tác BVCSTE; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE. Năm 2014, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình hành động, mục tiêu và định hướng trong BVCSTE của tỉnh cho cán bộ làm công tác BVCSTE cấp tỉnh và các huyện, thành phố; 8 lớp tập huấn cho 1.708 cán bộ LĐ-TB và XH, cán bộ chuyên trách dân số, gia đình, trẻ em các xã, phường, thị trấn và CTV làm công tác BVCSTE các thôn, xóm, tổ dân phố. Năm 2015, Sở LĐ-TB và XH xây dựng kế hoạch tập huấn cho 100% cán bộ làm công tác BVCSTE cấp huyện, xã, đội ngũ CTV và đến nay đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 727 cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE. Ngoài ra, Sở LĐ-TB và XH còn tổ chức tập huấn cho 857 người, gồm: 250 người thuộc Ban chỉ đạo, CTV và người chăm sóc trẻ em trong khuôn khổ mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại dựa vào cộng đồng triển khai trên địa bàn Thành phố Nam Định và 607 người là thành viên Ban bảo vệ trẻ em cấp xã của 2 huyện Trực Ninh và Hải Hậu trong khuôn khổ Dự án xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Qua các lớp tập huấn, học viên được bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về công tác BVCSTE như: truyền thông công tác BVCSTE; kỹ năng BVCSTE; các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em, phòng tránh trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; chế độ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em… Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH còn biên soạn, in ấn, cấp phát tài liệu về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE. Từ năm 2014 đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã phát hành 15.200 cuốn tài liệu truyền thông về kỹ năng BVCSTE; kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em, kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS… tới cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE; cung cấp Tạp chí Gia đình và trẻ em cho đội ngũ cán bộ BVCSTE các cấp tỉnh, huyện và 229 xã, phường, thị trấn. Việc kiện toàn đội ngũ, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực cho cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE đã tạo thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả, kịp thời các hoạt động BVCSTE, giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất, tâm lý, tình cảm, nhận thức, đạo đức và xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội và chính các em về việc thực hiện các quyền được bảo vệ và an toàn của trẻ em; tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em có nguy cơ và nhóm trẻ em nghèo. Những năm qua, tỉnh ta đã duy trì tỷ lệ 100% trẻ em được đăng ký khai sinh đúng theo quy định của pháp luật, được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích. Trẻ em khuyết tật được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau được phục hồi chức năng, được chú trọng trong giáo dục hòa nhập cộng đồng đạt 96%; không có trẻ em nghiện ma túy; giảm số trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc xa gia đình và trẻ em vi phạm pháp luật. Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em tàn tật và trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được trợ cấp nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, hoà nhập cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 1.179 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ cấp thường xuyên; trên 200 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa và trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Trung tâm Dạy nghề trẻ khuyết tật (Sở LĐ-TB và XH). 100% trẻ em dưới 6 tuổi và 12.027 trẻ em nghèo được cấp thẻ BHYT. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng và trường học về thực hiện và bảo vệ các quyền cơ bản cho trẻ em, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân, của mỗi gia đình trong công tác BVCSTE. Tham gia xây dựng các mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng như: mô hình phòng ngừa trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực dựa vào cộng đồng ở Nghĩa Hưng; duy trì mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ở Giao Thủy; mô hình phòng, chống trẻ em bị tai nạn thương tích ở Hải Hậu. Qua đó đã ngăn ngừa, hạn chế trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Sở LĐ-TB và XH tăng cường tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, xã và CTV làm công tác BVCSTE. Tổ chức các lớp nâng cao kiến thức BVCSTE cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em nhằm tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, các đề án, chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Xây dựng, nhân rộng các mô hình BVCSTE và đẩy mạnh phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện./.
Bài và ảnh:
Minh Tân