Chuyện về hai anh hùng "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"

09:02, 03/02/2015

Liệt sĩ Bùi Văn Ba (SN 1913), xã Hải An; liệt sĩ Nguyễn Thành Chung (SN 1934), xã Hải Trung (Hải Hậu) là những tấm gương sáng “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng”, tham gia hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu và anh dũng hy sinh trên chính mảnh đất quê hương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, trong đợt kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-2014), Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Nguyễn Thành Chung và liệt sĩ Bùi Văn Ba.

Trong không khí sôi nổi, phấn khởi kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng, chúng tôi về xã Hải An, thăm gia đình Anh hùng, liệt sĩ Bùi Văn Ba. Ông Bùi Văn Thanh, là con trai cả của liệt sĩ Bùi Văn Ba đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tư liệu xúc động về những chiến công “đặc biệt xuất sắc” của liệt sĩ Bùi Văn Ba - tấm gương người chiến sĩ Công an nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Gia đình liệt sĩ Nguyễn Thành Chung đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ tại xã Hải Trung (Hải Hậu).
Gia đình liệt sĩ Nguyễn Thành Chung đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ tại xã Hải Trung (Hải Hậu).

Anh hùng, liệt sĩ Bùi Văn Ba là đặc phái trinh sát miền Hải Hậu của Ty Công an Nam Định. Năm 18 tuổi đồng chí ra mỏ than Vàng Danh (Quảng Ninh) sinh sống. Chứng kiến cảnh bóc lột tàn nhẫn của bọn chủ mỏ, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng cùng với thợ mỏ tích cực tham gia đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Từ năm 1936-1945, đồng chí là 1 trong 16 đoàn viên thanh niên dân chủ vùng mỏ Uông Bí - Vàng Danh, thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn, tổ chức tham gia cuộc nổi dậy cướp chính quyền ngày 19-8-1945. Tháng 8-1946, cấp trên điều động đồng chí tăng cường cho lực lượng vũ trang Liên khu 2, sau đó, bổ sung vào Trung đoàn 34 chiến đấu tại chiến trường Hà - Nam - Ninh. Tháng 3-1948, đồng chí Bùi Văn Ba được cấp trên tăng cường cho Ty Công an Nam Định, tham gia khám phá, bắt giữ nhiều đối tượng tiêu thụ tiền giả và nhân viên chỉ điểm cho phòng Nhì Pháp. Năm 1949, đồng chí được phân công làm đội trưởng chỉ huy Đội Công an xung phong huyện Hải Hậu, phối hợp với trung đội quân du kích đánh chặn địch tại chợ Cầu Đôi, tiêu diệt hơn 300 tên địch, bắn chìm 4 tàu chiến và hàng chục xe cơ giới, thu giữ nhiều vũ khí của địch. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ và Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Nam Định, nhân lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Bùi Văn Ba được giao là đội trưởng đội công tác, chỉ đạo công an, dân quân, du kích trong vùng treo cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn ở tất cả các làng, xã ở các xã Hải An, Hải Toàn, Hải Phong vào đêm 18-8-1950. Việc bại lộ, đồng chí bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng không làm lung lạc ý chí thép của người cộng sản. Ngày 14-12-1950 chúng hèn hạ đưa đồng chí ra sông Ninh Cơ thủ tiêu. Gương dũng cảm hy sinh của liệt sĩ Bùi Văn Ba đã làm kẻ địch hoang mang, khiếp sợ; khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân trong huyện. Ty Công an Nam Định và Ủy ban Kháng chiến huyện Hải Hậu đã phát động phong trào “Giết giặc lập công”, “Phá tề diệt dõng" theo gương anh dũng hy sinh của liệt sĩ Bùi Văn Ba.

Tại nhà riêng ở xã Hải Trung (Hải Hậu), bà Phạm Thị Tiến, 81 tuổi xúc động kể cho chúng tôi nghe sự nghiệp đấu tranh cách mạng và gương hy sinh chồng bà là liệt sĩ Nguyễn Thành Chung.

Năm 1954 đồng chí Nguyễn Thành Chung xung phong nhập ngũ, năm 1959 phục viên, năm 1965 tái ngũ, năm 1970 làm trợ lý công binh Huyện Đội Hải Hậu. Huyện Hải Hậu có vùng biển sâu, bãi cát thoải, nằm giữa hai dòng sông Ninh Cơ và sông Sò, có Quốc lộ 21 xuất phát từ Hải Thịnh - Văn Lý nối với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Hà Nội. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hải Hậu là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch cả bằng máy bay và pháo binh. Để tăng cường lực lượng rà phá, tháo gỡ bom mìn cho Hải Hậu, năm 1970 Tỉnh Đội Nam Hà đã cử Chuẩn uý Công binh Nguyễn Thành Chung về làm trợ lý công binh Huyện Đội Hải Hậu. Là sĩ quan công binh dũng cảm, có kinh nghiệm trên chiến trường, có chuyên môn được quân đội đào tạo, quân khu tin cậy tăng cường về địa phương. Với tinh thần trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, đồng chí góp phần huấn luyện, truyền đạt kinh nghiệm tháo gỡ bom, mìn cho lực lượng công binh, dân quân tự vệ trong toàn huyện, đáp ứng kịp thời để xử lý bom, mìn phục vụ cho chiến đấu và sản xuất của nhân dân.

Máy bay Mỹ thả bom dọc các cửa sông, bờ biển các xã Hải Phúc, Hải Lộc, Hải Triều, Hải Thịnh…, đồng chí Nguyễn Thành Chung và tổ công binh các xã đã có mặt rà soát lại khu vực hiện trường, bảo đảm an toàn cho nhân dân yên tâm sản xuất và sinh hoạt. Đồng chí Nguyễn Thành Chung luôn nghiên cứu tìm giải pháp để vô hiệu hoá những quả bom chưa nổ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân. Vào thời điểm chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt, địch thả thuỷ lôi ở cửa sông. Xác định cho đúng số lượng và vị trí của thuỷ lôi đã khó, việc rà phá còn là điều mới mẻ và chưa thể lường hết những hiểm nguy nhưng với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Thành Chung đã cùng dân quân dùng tôn rà đi, rà lại nhiều lần trên sông, để tìm và kích thích cho nổ, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vận chuyển lương thực phục vụ kháng chiến. Ngày 14-10-1972, địch đánh bom ở phía đông huyện. Một quả bom chưa nổ nằm trên đường đi về phía đê sông Sò, thuộc xóm 9, xã Hải Lộc. Đồng chí Nguyễn Thành Chung và tổ công tác được Huyện Đội điều về đã đến ngay hiện trường cùng với dân quân của xã Hải Lộc tập trung xử lý ngay quả bom chưa nổ. Sau khi xem xét, khảo sát thực tế, đồng chí thấy đây là quả bom có sức công phá lớn và là bom thế hệ mới, lạ, rất nguy hiểm và phức tạp. Để bảo vệ nhân dân, bảo vệ đê biển và bảo vệ bến bãi phục vụ chiến đấu, dân sinh, Huyện uỷ Hải Hậu chỉ thị cho Huyện Đội phải có phương án tháo gỡ, không dùng kích để kích nổ, để đảm bảo an toàn tài sản của tập thể, tài sản của nhân dân. Tổ công tác nhận nhiệm vụ tháo gỡ bom, đồng chí Nguyễn Thành Chung đã trình bày với chỉ huy Huyện Đội phương án và xung phong trực tiếp tham gia tháo gỡ bom và được chỉ huy phê duyệt. Đồng chí Nguyễn Thành Chung tuyên bố với mọi người: “Đây là quả bom có sức công phá lớn, rất nguy hiểm và phức tạp, không biết nó nổ bất thần lúc nào nên tất cả mọi người phải sơ tán khẩn trương khỏi khu vực nguy hiểm và vào nơi trú ẩn an toàn, chỉ có một mình tôi đối mặt với tử thần, có chết thì chỉ một mình tôi chết, còn các đồng chí phải sống để đánh Mỹ đến cùng”. Thấy tất cả đã tản ra nơi an toàn, đồng chí Nguyễn Thành Chung bỏ hết mọi thứ kim khí trong người, tay cầm mấy thanh tre đi về phía quả bom. Mọi người cùng dõi theo từng bước đi của đồng chí, nghẹn thở trông chờ từng phút, từng giây, ai cũng cầu mong cho đồng chí được an toàn. Nhưng bất ngờ một tiếng nổ rung trời, đất cát mịt mù, khói đen dầy đặc. Đồng chí Nguyễn Thành Chung đã hy sinh.

Sự hy sinh anh dũng của Liệt sĩ, Anh hùng Bùi Văn Ba; Liệt sĩ, Anh hùng Nguyễn Thành Chung đã nêu tấm gương sáng về lòng dũng cảm, tận tuỵ và có tinh thần trách nhiệm cao, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc./.

Bài và ảnh: Khánh Ngọc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com