-Mời ông vào xơi nước. Có ấm trà sạch Thái Nguyên chính hiệu cô con gái đi công tác mang về biếu đây.
- Quý hóa quá! Trà ngon thật, đúng là trà Thái.
- Tuần rồi không gặp ông, sao thấy bữa nay sắc diện có vẻ hơi kém. Ông đi kiểm tra sức khỏe xem.
- Cám ơn ông đã hỏi thăm. Bà nhà tôi cũng giục đi, nhưng lần này tôi thấy băn khoăn quá ông ạ.
- Ông băn khoăn gì?
- Thì cũng chuyện cái BHYT ấy mà.
- Ông nói rõ hơn xem nào. Tôi thấy bảo cắt giảm chỉ một số loại thuốc chữa ung thư thôi, nhưng cơ bản không ảnh hưởng đến việc điều trị. Thôi thì nước ta còn nghèo, số người mua BHYT còn ít, nên các nhà quản lý mới phải tính cái cách ấy để cho nhiều người có cơ hội được chữa bệnh, cũng là phải đạo ông ạ.
- Tôi không băn khoăn chuyện đó. Tôi lo là lo cái việc chuyển tuyến ấy. Ông biết đấy, thẻ BHYT của tôi đăng ký khám ban đầu ở Bệnh viện địa phương mình đây. Ông nhớ hồi bà nhà tôi đi viện năm ngoái vì tiểu đường không. Điều trị mãi không đỡ, nhưng xin chuyển tuyến thì họ không cho, họ bảo đủ khả năng điều trị. Sau nhà tôi cứ quyết đưa đi, lên bệnh viện tuyến trên, đưa toàn bộ giấy tờ, đơn thuốc chữa ở tuyến dưới cho họ xem, họ chỉ cười tế nhị. Theo hướng dẫn điều trị trên đó, bà nhà tôi ổn định sức khỏe ngay. Nhưng hồi đó khám vượt tuyến vẫn được thanh toán tương đối, mình đỡ phải lo.
- Ông nói tôi lại nhớ ra, hôm trước ông Hùng uống trà bên này vừa kể, thằng lớn nhà ông ấy tự nhiên sút cân trông thấy, lúc đầu cứ bảo tại tập thể thao nhiều, rồi chuyển công tác thay đổi môi trường làm việc, ảnh hưởng tâm lý. Nhưng ông ấy cẩn thận giục nó đi bệnh viện kiểm tra. Nó đi khám ở một bệnh viện công lập, được chỉ định làm đủ các xét nghiệm, nghe tư vấn, cuối cùng bác sĩ kết luận không có bệnh gì, chắc do tập thể thao quá đà, cần điều chỉnh. Nó yên tâm về, nhưng rồi vẫn thấy sút cân, nhiều người khuyên nó lên bệnh viện tuyến trên khám cho yên tâm. Đi khám, vừa nghe kể triệu chứng, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã chẩn đoán nó bị bướu cổ ông ạ, làm các xét nghiệm thì đúng thế, tìm ra bệnh ngay.
- Đấy, ông xem, như chúng ta ai muốn phải vượt tuyến làm gì. Nằm viện ở địa phương, con cái phục vụ cũng đỡ vất vả, tốn kém. Cực chẳng đã mới phải đi xa. Như nhà tôi mà phải lên tuyến trên thì neo người chăm sóc, rồi còn tiền cho người ốm, người phục vụ nữa chứ. Nhưng trình độ y thuật tuyến dưới hạn chế, tôi nghe nhiều người kể có loại thuốc ở đây chỉ định điều trị cho bệnh nhân, đến khi lên tuyến trên toàn bị nói là lạc hậu rồi, có nhiều loại thuốc mới hiệu quả hơn. Chưa kể thiết bị máy móc phục vụ khám, chữa bệnh ở tuyến trên cũng hiện đại hơn.
- Nhưng nếu ai cũng vượt tuyến thì làm sao mà giảm tải cho bệnh viện tuyến trên được; hơn nữa các y, bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới không tiếp xúc với nhiều ca bệnh, nhiều dạng bệnh thì cũng không thể có cơ hội để nâng cao tay nghề được ông ạ. Ở bệnh viện tuyến trên, hằng ngày y, bác sĩ gặp biết bao nhiêu ca, được va vấp, rèn luyện nghiệp vụ thường xuyên…
- Đành rằng thế, nhưng đó là trách nhiệm ngành Y tế phải đặc biệt quan tâm và tích cực tìm giải pháp phù hợp để khắc phục. Chúng ta là người dân cùng đóng BHYT, nhưng sự thụ hưởng lại không công bằng khi mà năng lực trình độ cán bộ y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh chênh lệch nhau đến thế. Chính sách ra thì có hiệu lực áp dụng ngay, nhưng việc nâng cao chất lượng, trình độ năng lực đội ngũ thì lại phải có lộ trình, thời gian. Điều này thật khó thuyết phục người dân khi vận động họ mua BHYT, nhiều người có tư tưởng đằng nào cũng phải tốn tiền, không mua BHYT thì còn được tự do chọn nơi khám, chữa bệnh chất lượng ông ạ. Chứ có thẻ BHYT, nhiều trường hợp bệnh viện tuyến dưới cứ giữ bệnh nhân, lúc nào họ thấy nguy cấp, sợ trách nhiệm về tính mạng bệnh nhân họ mới cho chuyển. Mà “cứu bệnh như cứu hỏa”!
- Ông nói cũng phải. Ngoài ra để đảm bảo quỹ BHYT đủ cho nhiều người, nhất là người nghèo, vùng sâu, vùng xa cũng được hưởng, thì còn phải đặc biệt chống tiêu cực, quản lý chặt hoạt động chi trả, chứ cứ để thất thoát do lạm dụng, rồi làm hồ sơ khống để rút ruột quỹ BHYT thì không thể thuyết phục được người mua BHYT ông nhỉ!
Vân Anh