Phát huy vai trò trưởng họ trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

08:12, 01/12/2014

Trong công tác dân số - KHHGĐ tại tỉnh ta, những người có uy tín trong cộng đồng, trong đó có trưởng các dòng họ đã có đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động con cháu thực hiện KHHGĐ, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Ông Trần Viết Thảo, trưởng tộc dòng họ Trần Viết, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) tuyên truyền về dân số - KHHGĐ đến các gia đình trong dòng họ.
Ông Trần Viết Thảo, trưởng tộc dòng họ Trần Viết, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) tuyên truyền về dân số - KHHGĐ đến các gia đình trong dòng họ.

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh ta là do tư tưởng muốn có con trai để nối dõi tông đường. Áp lực trước dòng họ buộc các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bằng mọi giá phải sinh được con trai. Nhiều cặp vợ chồng đã có hai con một bề là gái hoặc đã có ba con, không muốn tiếp tục sinh nữa, nhưng nếu không có con trai, họ phải tuân theo những quy định “ngầm” như: bị anh em trong họ xem thường, không được tham gia bàn việc họ… Thấu hiểu điều này, những người làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở khi triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm đã chú trọng công tác truyền thông dân số - KHHGĐ cho 4 nhóm đối tượng chính là: Người có uy tín ở cộng đồng, trong đó có trưởng các dòng họ; người cung cấp dịch vụ KHHGĐ; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; thanh niên, vị thành niên. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố đã mở các lớp tập huấn, tổ chức nói chuyện chuyên đề về dân số, chuyển tải các nội dung về dân số, CSSKSS-KHHGĐ cho trưởng các dòng họ để đối tượng này nắm bắt được công tác dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng cá nhân, gia đình và xã hội. Từ việc tham gia các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề, trưởng dòng họ được nâng cao nhận thức, trở thành những “tuyên truyền viên” dân số đắc lực khi vận động con cháu thực hiện xây dựng mô hình gia đình ít con để tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho con cái học hành thành đạt. Nhiều dòng họ đã quan tâm chăm lo đến cuộc sống vật chất và tinh thần cho con cháu hơn là quan tâm tới việc phải có cháu trai hay có đông con cháu như trước. Ông Trần Viết Thảo, trưởng dòng họ Trần Viết ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) cho biết: “Với vai trò người đứng đầu dòng họ, tôi luôn động viên con cháu, nhất là những gia đình đã sinh hai con một bề là gái thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ, chăm lo cho cuộc sống gia đình, nuôi dạy các con nên người”. Còn anh Nguyễn Văn Úy ở Khu tập thể Dầu khí (TP Nam Định) tâm sự: “Vợ chồng tôi đã có hai con gái, nhưng tôi lại là con trai độc nhất nên việc phải sinh thêm con trai luôn được anh em, họ hàng đưa ra bàn bạc, giao “trách nhiệm” trong những dịp giỗ, Tết. Bản thân tôi cũng muốn sinh thêm con trai cho “có nếp, có tẻ”. Cho đến khi nghe người đứng đầu dòng họ phân tích thấu lý, đạt tình, tôi đã hiểu và nghĩ rằng không nhất thiết phải có con trai”. Qua thực tế cho thấy, khi phát huy được vai trò của trưởng dòng họ, công tác dân số - KHHGĐ ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Bởi phần lớn người dân trong tỉnh sống ở khu vực nông thôn, có ràng buộc chặt chẽ bởi quan hệ anh em, họ hàng; trưởng họ lại là người có vai trò, ảnh hưởng quan trọng trong dòng họ nên khi chính họ đi vận động, tuyên truyền về dân số - KHHGĐ thì sẽ dễ thuyết phục con cháu. Không chỉ giới hạn trong việc tuyên truyền, vận động con cháu, các trưởng họ còn cùng cán bộ dân số cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện công tác dân số cho con cháu trong nhân dân. Đặc biệt hiện nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh vẫn khó kiểm soát do tâm lý muốn có con trai để nối dõi tông đường, dẫn đến tỷ lệ cháu trai sinh ra vượt quá nhiều so với cháu gái. Vì vậy, trưởng các dòng họ khi tuyên truyền về dân số cho con cháu trong dòng họ và nhân dân đã quan tâm vận động mọi người thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; cùng bàn bạc với ban soạn thảo hương ước làng, thôn đưa quy định không lựa chọn giới tính thai nhi vào hương ước để nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Bằng những việc làm thiết thực trong việc truyên truyền, vận động con cháu và nhân dân địa phương thực hiện KHHGĐ, trưởng các dòng họ đã có những đóng góp tích cực đối với công tác dân số - KHHGĐ, góp phần giảm sinh, giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên, từng bước hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com