Tỉnh ta có hệ thống đê sông và đê biển lớn nhưng do khả năng ngân sách nên số tuyến được cứng hóa mặt đê chưa nhiều. Trong khi đó, vì nhiều lý do, việc kiểm soát tải trọng của các phương tiện vận tải hoạt động trên các tuyến đê còn bị hạn chế. Tình trạng này đã tác động tiêu cực, là một trong những nguyên nhân khiến đê bị xuống cấp. Ngăn chặn xe quá tải chạy trên đê đang là yêu cầu cấp bách.
Ngành NN và PTNT đầu tư xây dựng ba-ri-e không cho xe quá tải lưu thông trên đê hữu sông Đào, đoạn thuộc phường Trần Tế Xương (TP Nam Định). |
Trước tình trạng vi phạm đó, từ nhiều năm nay, ngành NN và PTNT đã nhiều lần có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương có đê thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử phạt xe quá tải đi trên đê nhưng trên thực tế hiệu quả vẫn không cao. Ngày 24-1-2013, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 42/UBND-VP3 chỉ đạo Sở NN và PTNT phối hợp với chính quyền các địa phương lắp đặt biển báo giới hạn tải trọng đối với xe cơ giới đi trên các tuyến đê của tỉnh nhằm ngăn chặn xe quá tải trọng đi trên các tuyến đê biển thuộc các huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu gây hư hại nghiêm trọng mặt đê, ảnh hưởng đến công tác hộ đê, PCLB. Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Quản lý đê điều và PCLB xây dựng các mố chắn tại đầu đường lên, xuống đê và lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng xe hợp lý dọc các tuyến đê. Đến nay, tại đầu các tuyến đê biển và trên các tuyến đê sông lớn đã được cắm các biển báo quy định tải trọng các loại xe được phép đi trên đê và đã lắp đặt ba-ri-e ngăn chặn xe quá tải và chi cục đã bàn giao trách nhiệm quản lý hệ thống biển báo, ba-ri-e cho chính quyền huyện, xã sở tại. Tuy nhiên, do kinh phí chi trả cho việc trông coi ba-ri-e phụ thuộc khả năng ngân sách của địa phương nên hầu hết các địa phương đều thờ ơ, không kiên quyết với trách nhiệm ngăn chặn vi phạm xe quá tải gây hư hại đê điều. Nhiều ba-ri-e và biển báo đã bị các đối tượng vi phạm húc đổ chỉ sau ít ngày đầu tư lắp đặt (mặc dù chi phí 7 triệu đồng/điểm ba-ri-e). Do không có người trông coi quản lý nên cũng không chặn bắt được đối tượng hủy hoại, làm hỏng tài sản này để xử lý. Tại huyện Ý Yên có nhiều điểm vừa hoàn tất xây dựng mố chắn đường lên đê hôm trước, hôm sau đã bị các đối tượng vi phạm dùng cẩu húc phá, dỡ bỏ mố chắn. Hằng ngày, trên các tuyến đê xe chở vật liệu xây dựng quá tải chạy liên tục ngày cũng như đêm. Những chuyến xe với hàng hóa chất cao quá thành xe, không che chắn kỹ hoặc bạt che cũ, rách nên cát bụi mù mịt, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự ATGT và hư hỏng nặng cho các tuyến đê. Nhiều đoạn trên tuyến đê biển các huyện Hải Hậu, Giao Thủy bị hư hỏng; tuyến đê tả sông Đào cầu Đò Quan hiện mặt bê tông đã vỡ vụn; tuyến đê tại huyện Ý Yên mới hoàn tất đầu tư bê tông hóa mặt đê 3 năm trước hiện nhiều đoạn bị nứt, vỡ; nhiều km đê tại huyện Mỹ Lộc bị hư hỏng nặng… Đối với những đoạn mặt đê chưa được gia cố cứng hóa thì xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, ảnh hưởng đến an toàn đê điều, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông, cũng như công tác hộ đê, PCLB. Đồng chí Đặng Ngọc Thắng, quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và PCLB cho biết: Vi phạm xe quá tải hoạt động trên đê chủ yếu là các xe chở nguyên vật liệu phục vụ thi công các công trình trên đê và các phương tiện của các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng có bãi tập kết vật liệu, bốc dỡ hàng hóa trong hành lang bảo vệ đê. Nguyên nhân là do việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đê điều của chính quyền các địa phương thiếu kiên quyết, cụ thể, thường xuyên. Ý thức trách nhiệm của cán bộ chủ chốt ở xã, thôn, xóm trong quản lý đê điều còn hạn chế; lực lượng quản lý đê nhân dân hoạt động không thường xuyên. Toàn tỉnh có 198 bãi vật liệu xây dựng ở ven đê nhưng mới chỉ có 10 bãi có giấy phép. Trong nhiều trường hợp, chính quyền và lực lượng chức năng còn ngại va chạm với các đối tượng vi phạm dẫn đến việc giải quyết xử lý vi phạm chậm trễ, kéo dài; chưa có giải pháp tổng thể, sự phối hợp cần thiết của các ngành, cơ quan chức năng quyết tâm giải quyết triệt để vấn nạn này nên hiệu quả ngăn chặn chưa cao.
Quyết tâm ngăn chặn, xử lý vi phạm xe quá tải lưu thông gây hư hại đê điều, ngày 13-10-2014, UBND tỉnh đã có Công văn 680/UBND-VP3 chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp cần thiết. Chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về đê điều; thực hiện các giải pháp hữu hiệu để cấm xe quá tải trọng đi trên đê. UBND các huyện đã phối hợp với Sở NN và PTNT tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị định số 129/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân, tổ chức nắm rõ đối tượng áp dụng, nguyên tắc và hình thức xử phạt, thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về đê điều từ đó tự giác chấp hành pháp luật. Sở GTVT đã chỉ đạo các đội thanh tra chuyên ngành chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các phương tiện quá khổ, quá tải tại bến bãi, điểm tập kết vật liệu xây dựng, bốc dỡ hàng hóa nằm trong hành lang bảo vệ đê; phối hợp cùng lực lượng chức năng các huyện, thành phố xử lý khi phát hiện vi phạm./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy