Anh Nguyễn Văn Tiến, ở thôn Phú Thụ, xã Nam Thái (Nam Trực) đã từng có một quá khứ lầm lỗi. Do hám lợi và thiếu hiểu biết pháp luật, trong thời gian làm ăn ở tỉnh Đồng Nai, anh đã phạm tội tàng trữ tiền giả và bị TAND tỉnh Đồng Nai kết án 7 năm tù giam. Quãng thời gian thụ án trong trại giam, được cán bộ quản giáo giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ nên anh đã nhận thức được những việc làm vi phạm pháp luật của mình. Và không phụ lòng tin của cán bộ quản giáo, anh đã nỗ lực cải tạo tốt, chăm chỉ lao động, chấp hành nghiêm các quy định của trại giam để sớm được trở về với gia đình. Được mãn hạn tù, anh Tiến đã trở về quê hương với quyết tâm làm lại cuộc đời. Những ngày đầu trở về với cuộc sống tự do là quãng thời gian vô cùng khó khăn. Anh ngại tiếp xúc với những người xung quanh, kể cả người thân và bạn bè vì mặc cảm tội lỗi vẫn còn trĩu nặng; rồi hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn bản thân không có công ăn việc làm... Hiểu được những khó khăn của anh Tiến khi trở về địa phương; trong quá trình triển khai thực hiện mô hình “Hòa nhập cộng đồng”, chính quyền địa phương đã phân công cho Hội CCB xã, chi hội CCB thôn phối hợp với lực lượng Công an cùng với gia đình giúp đỡ anh vượt lên khó khăn để xây dựng cuộc sống mới. Tình cảm chân tình và sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là các CCB chi hội thôn Phú Thụ đã giúp anh Tiến lấy lại niềm tin vào cuộc sống, vào bản thân và quyết tâm làm lại cuộc đời. Được HND xã đứng ra tín chấp tạo điều kiện cho vay vốn, anh mở một cửa hàng kinh doanh đồ nội thất nhỏ làm kế sinh nhai cho cả gia đình. Ban đầu công việc kinh doanh của anh cũng gặp một số khó khăn do nhiều người còn e dè về quá khứ lầm lỗi của anh. Nhưng sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực vượt khó của vợ chồng anh cũng đã được đền đáp. Cơ sở kinh doanh của anh dần dần được nhiều khách hàng tìm đến bởi chất lượng và giá cả sản phẩm luôn được đảm bảo, uy tín, lượng khách hàng ngày một nhiều hơn, doanh thu của cửa hàng năm sau cao hơn năm trước. Từ một cửa hàng nhỏ đến nay anh đã mở rộng cơ sở kinh doanh với một cơ ngơi khá khang trang trên 200m2 và kinh doanh đa dạng các mặt hàng nội thất như: giường, tủ, bàn ghế, gạch men, đồ điện dân dụng… Hằng năm cơ sở kinh doanh của gia đình anh thu lãi từ 100-200 triệu đồng. Kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá, anh có điều kiện sắm sửa các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và nuôi con cái ăn học…
Công an xã Nam Thái triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện mô hình “Hòa nhập cộng đồng” cho người mãn hạn tù trở về địa phương. |
Đồng chí Đỗ Văn Tuyến, Trưởng Công an xã Nam Thái, cho biết: Thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, từ năm 2012, xã Nam Thái được chọn là đơn vị điểm của huyện về xây dựng và thực hiện mô hình “Hòa nhập cộng đồng” cho người mãn hạn tù trở về địa phương. Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng nghị quyết, kế hoạch chuyên đề cụ thể và triển khai thực hiện mô hình tới các ban, ngành, đoàn thể trong xã và các chi bộ cơ sở; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng và các nội dung thực hiện mô hình “Hòa nhập cộng đồng” với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thông qua các buổi họp dân, các buổi họp đoàn thể quần chúng; mở lớp tập huấn; lồng nội dung tuyên truyền vào các cuộc họp của địa phương, các hội thi, hội diễn của các ngành…; qua đó nâng cao nhận thức, ý thức của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, từng bước xóa bỏ tư tưởng định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong án phạt tù và tích cực tham gia giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Lực lượng Công an xã đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể trong xã và các đội nghiệp vụ Công an huyện tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình điều kiện, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của những người mãn hạn tù trở về địa phương, đưa vào diện quản lý, giáo dục, giúp đỡ theo mô hình “Hòa nhập cộng đồng”. Trên cơ sở đó, UBND xã đã phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các đoàn thể: Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và các cá nhân phụ trách các chi hội đoàn thể ở các thôn, xóm tham gia quản lý, giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ để những người mãn hạn tù trở về địa phương sớm tái hòa nhập cộng đồng. Đối với các trường hợp được phân công giáo dục, giúp đỡ, cán bộ, hội viên các đoàn thể đã thường xuyên phối hợp với gia đình cảm hóa, động viên, giúp đỡ họ vượt lên mặc cảm lầm lỗi, tự ti, để làm lại cuộc đời, trở thành người công dân có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, xã đã vận động các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ kinh phí, đứng ra tín chấp cho vay vốn để những người đã từng một thời lầm lỗi có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống…
Với việc phát huy được vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cùng với những biện pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ trong các bước triển khai, qua 2 năm thực hiện mô hình “Hòa nhập cộng đồng” ở xã Nam Thái đã đạt được những kết quả tích cực: Trong tổng số 16 người mãn hạn tù thuộc diện quản lý tái hòa nhập tại địa phương, chỉ có 1 trường hợp tái phạm; các trường hợp còn lại đều có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống./.
Bài và ảnh: Thu Thủy