Gian nhà nhỏ lợp tạm bằng mái prôximăng của hai bố con ông Nguyễn Văn Biền, thôn An Cổ, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) nằm tận cùng các dong xóm ngoằn ngoèo, sát mép ruộng, con đường vào nhà bé tới mức chỉ một chiếc xe đã chật hết đường. Gian nhà nhỏ thiếu sáng, chỉ có duy nhất chiếc giường và chiếc ti vi nhỏ là những vật dụng có giá trị, đồ đạc, dụng cụ sinh hoạt cá nhân lộn xộn, không ngăn nắp cho thấy rõ thiếu bàn tay chăm chút, thu vén của người phụ nữ. Chúng tôi chùng lòng xuống khi ngồi giữa gian nhà nhỏ nghe câu chuyện và biết rằng sẽ chẳng bao giờ gia đình này còn có cơ hội đoàn tụ đầy đủ các thành viên. Dù đã cố kìm nén nước mắt nhưng khi nhắc lại gia cảnh của mình, Nguyễn Xuân Minh, con út của ông Biền vẫn không khỏi thảng thốt, nghẹn ngào. Vợ chồng ông Biền có 5 người con, ông Biền mắc bệnh tim đã lâu năm nên hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, hầu hết các con đều không được ăn học đến nơi đến chốn mà sớm phải bươn chải mưu sinh để phụ giúp cha mẹ. Năm 2008, khi con trai thứ Nguyễn Xuân Nam của ông Biền mới ở tuổi 18, làm lái xe tại Hà Nội, trên đường đến cơ quan bị một xe tải 24 tấn xô khiến anh chết tại chỗ. Cái chết bất ngờ của cậu con trai đang ở độ tuổi tươi trẻ, sung sức như một cú đánh ác nghiệt của số phận, khiến cho vợ chồng ông Biền gục ngã. Nhưng số phận bi đát chưa buông tha gia đình ông. Tháng 10-2012, khi đang đạp xe đi làm trên đoạn đường trục xã Nam Phong (TP Nam Định) bà Lê Thị Hằng, vợ ông Biền bị tai nạn do xe lu cán lên người khiến bà tử vong tại chỗ. Vợ mất, gia đình ông Biền mất đi người vừa là lao động chính vừa là người đảm trách vai trò trụ cột, vun vén cuộc sống của cả nhà. Sau khi mẹ mất ít ngày, do gia đình quá khó khăn, không có tiền, cậu con trai út Nguyễn Xuân Minh của ông Biền đã quyết định không nhập học Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khi có giấy báo trúng tuyển, ở nhà làm thêm kiếm tiền phụ giúp bố chi trả chi phí sinh hoạt và thuốc men hằng ngày. Vì thương vợ con, suy nghĩ nhiều, khiến sức khỏe ông Biền ngày càng giảm sút, căn bệnh tim quái ác lại hành hạ ông kịch liệt hơn; trong nhà có chút gì đáng giá, đều phải mang bán để lấy tiền cho ông thực hiện mổ tim. Ngay sau ca phẫu thuật không được an dưỡng như mọi người bệnh, ông Biền phải sớm quay lại làm công việc thợ xây nặng nhọc thường ngày để lo cho bản thân và các con. Hai con lớn của ông đã yên bề gia thất nhưng cũng khó khăn không giúp được gia đình nhiều. Người con út đang theo học nghề ở Hà Nội phải tự lo toan cuộc sống. Mới đây, Nguyễn Xuân Minh lại bị mất việc do Cty may nơi em đang làm công nhân hợp đồng tinh giản nhân lực.
Đại diện Ban ATGT tỉnh và lãnh đạo huyện Hải Hậu thăm hỏi, tặng quà gia đình nạn nhân Vũ Văn Chỉnh xóm 2, xã Hải Tân tử vong vì TNGT. |
Đã hơn hai năm, kể từ ngày vụ TNGT cướp đi sinh mạng hai người con của anh Hà Văn Cảnh, xóm Lâm Hoan, xã Giao Phong (Giao Thuỷ) là các cháu Hà Thị Nhung (SN 2003) và cháu Hà Đình Bút (SN 2008) nhưng nỗi đau dường như chưa khi nào nguôi ngoai trong lòng vợ chồng anh. Buổi sáng ngày 1-11-2012, như thường lệ, cháu Nhung đèo cháu Bút đi học bằng xe đạp, khi hai con vừa ra khỏi nhà chưa đầy 10 phút thì người hàng xóm hớt hải chạy đến báo tin hai cháu đang đi trên trục đường liên xóm thì bị xe tải Jiulong đâm phải do lái xe chưa có bằng lái điều khiển. Mới nghe, hai vợ chồng anh Cảnh rụng rời chân tay, bủn rủn đứng không vững, phải nhờ người đèo đến nơi xảy ra vụ tai nạn; phải chứng kiến cảnh hai người con, một đứa đã tử vong, một đứa đã đưa vào bệnh viện cấp cứu, vợ anh Cảnh đã ngất lịm. Nhưng rồi cháu thứ hai cũng tử vong khi chưa kịp nhập viện. Hàng năm trời anh chị khóc cạn nước mắt vì thương nhớ con.
Căn nhà nhỏ của chị Đỗ Thị Mơ, sinh năm 1977 ngụ tại xóm 2, xã Hải Tân (Hải Hậu) giờ đây trở nên trống vắng, lạnh lẽo, buồn đến nao lòng. Anh Vũ Văn Chỉnh (SN 1973), chồng chị Mơ đã tử nạn vì TNGT ngày 30-9-2014. Chị Mơ mất chồng, gia đình mất đi trụ cột cả về vật chất lẫn tinh thần; các con còn quá nhỏ dại (một cháu SN 2001, một cháu SN 2005). Hai bên gia đình nội ngoại dù cố gắng động viên, chăm chút cũng không sao khỏa lấp được nỗi trống vắng và cuộc sống nhọc nhằn của ba mẹ con. Chị Mơ vừa phải đảm trách vai trò chăm sóc của người mẹ, vừa phải “làm cha” của các con, gánh nặng cơm áo và nỗi trống vắng trong lòng chất chứa trên đôi vai gầy của người phụ nữ. Các con của chị cũng phải nỗ lực hơn những đứa trẻ có đủ đầy hơi ấm tình thương và sự chăm sóc của cả cha và mẹ.
Trong ánh nhìn những người có người thân bị tử nạn vì TNGT mà chúng tôi tiếp xúc, nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai cứ day dứt ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường về. Với người thân của các nạn nhân tử vong vì TNGT, cuộc sống của họ cũng không dễ dàng, không chỉ bởi sự đau thương, mất mát mà còn là cảm giác đáng sợ khi luôn đối diện với ký ức kinh hoàng về vụ tai nạn. Dù là những người xa lạ, nhưng với mỗi chúng tôi, niềm xót thương cho những số phận ấy cứ đeo đẳng mãi.
Trao đổi với đồng chí Phan Phương Đông, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, người vừa cùng đoàn công tác của Ban ATGT tỉnh và các địa phương đi thăm các gia đình nạn nhân TNGT trong dịp hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT”, anh chân thành chia sẻ: Nỗi đau phía sau những vụ TNGT là điều luôn trăn trở thường trực trong lòng mỗi cán bộ tham gia làm công tác bảo đảm trật tự ATGT. Chính vì vậy, trong đợt hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT” năm 2014 được toàn tỉnh đồng loạt thực hiện, các cấp, ngành chức năng, tổ chức hội, đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi mục đích, ý nghĩa của sự kiện tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT, những địa chỉ cần sự giúp đỡ và chia sẻ của xã hội từ ngày 23-10 đến ngày 19-11. Trong hoạt động tuyên truyền đợt này, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể đặc biệt chú trọng cảnh báo các nguy cơ, nguyên nhân gây TNGT, những hậu quả nghiêm trọng của TNGT đối với toàn xã hội, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông, phòng tránh TNGT. Từ ngày 3 đến 19-11, Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên và có hình thức giúp đỡ phù hợp đối với các gia đình nạn nhân TNGT (đặc biệt các gia đình nạn nhân tử vong do TNGT có hoàn cảnh khó khăn). Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT hằng ngày, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả của các ngành hữu quan, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng cảnh sát giao thông, tình hình TNGT 10 tháng đầu năm đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Cụ thể: tính đến hết ngày 15-10, toàn tỉnh đã xảy ra ra 114 vụ TNGT, làm chết 56 người và bị thương 103 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 7 người chết, song về số vụ và số người bị thương vẫn chưa chuyển biến đáng kể. Thực tế đó cho thấy, điều cốt lõi để giải quyết vấn nạn TNGT không chỉ của cơ quan chức năng mà thuộc về chính ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Hậu quả TNGT để lại không chỉ mất người, thiệt hại tài sản mà đằng sau những vụ TNGT còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội lâu dài như đói nghèo, bệnh tật… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều gia đình và là gánh nặng cho xã hội. Chính vì thế, mỗi người phải tự nhận thức được thảm họa đó để có hành vi đúng đắn khi tham gia giao thông. Hãy từ những hành động nhỏ nhất là coi trọng văn hóa giao thông, chấp hành nghiêm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT để tiến tới mục tiêu lớn là vì một cuộc sống bình yên, hạnh phúc không có TNGT./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy