Những năm qua, nhiều chương trình, dự án về cấp nước và vệ sinh đã được triển khai tại tỉnh ta, trong đó Dự án Vệ sinh nông thôn giai đoạn 2012-2015 với những kết quả cụ thể đã đạt được bước đầu cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân khu vực các vùng nông thôn trong tỉnh.
Triển khai Dự án, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 73% hộ gia đình khu vực nông thôn trong tỉnh có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% trạm y tế xã ở nông thôn có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% nhà máy, trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn được giám sát chất lượng nước. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Sở Y tế đã giao Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là đầu mối phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh và các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm Y tế tuyến huyện, các trạm y tế xã xây dựng mạng lưới cơ sở thực hiện tuyên truyền, vận động xây dựng các công trình vệ sinh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch và hoàn thiện nhân lực để triển khai ở tất cả các tuyến từ tỉnh đến xã với mục tiêu nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn thông qua việc cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành các hoạt động của Dự án như: Tập huấn cho cán bộ Trung tâm Y tế các huyện, thành phố về kỹ thuật xây dựng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, giám sát chất lượng nước và thống kê báo cáo các công trình vệ sinh; tập huấn về kỹ thuật xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình cho các Trạm trưởng trạm y tế, các chuyên trách vệ sinh và cộng tác viên của 194 xã nông thôn của toàn tỉnh; tiến hành in ấn tài liệu về các loại nhà tiêu hợp vệ sinh cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố để cấp cho các xã. Bên cạnh đó, Trung tâm tiến hành các hoạt động truyền thông như: Tổ chức Lễ phát động truyền thông về vệ sinh nông thôn nhân “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng”, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, tuyên truyền lưu động, nói chuyện chuyên đề tại các vùng là điểm nóng về vệ sinh nông thôn... Riêng trong 10 tháng năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức các mô hình và hoạt động như: In ấn, phát hành các văn bản pháp quy và tờ rơi tuyên truyền cho tuyến huyện, xã. Nâng cao năng lực mạng lưới cán bộ triển khai hợp phần vệ sinh cho 280 cán bộ y tế, cán bộ hội phụ nữ tuyến xã và các cộng tác viên chương trình. Xây dựng mô hình truyền thông vận động cộng đồng thực hiện vệ sinh nông thôn và xây dựng mới, cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh tại 25 xã điểm gồm 22 xã điểm của 4 huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên và 3 xã mới của huyện Vụ Bản; kiểm tra, giám sát các hoạt động của Dự án tại 10/10 huyện, thành phố và 132/194 xã; phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản lựa chọn 45 hộ gia đình của 3 xã điểm (gồm 27 hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách, 18 hộ gia đình cận nghèo) để hỗ trợ xây dựng mới nhà tiêu hợp vệ sinh. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2014, 100% các hộ gia đình được lựa chọn hoàn thành xây dựng nhà tiêu, được nghiệm thu và hỗ trợ kinh phí.
Lễ phát động Ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân tại Trường THCS Hải Long (Hải Hậu). |
Từ khi triển khai Dự án Vệ sinh nông thôn đến nay, số hộ gia đình vùng nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đã tăng từ 65,4% (năm 2011) lên 71,4% hiện nay; 100% trạm y tế xã (194 trạm y tế xã/229 trạm y tế xã, phường, thị trấn) có công trình nước sạch và vệ sinh, trong đó tỷ lệ công trình vệ sinh trạm y tế xã hợp vệ sinh chiếm 82,5%. Toàn tỉnh có 64 trạm cấp nước. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ 1 tháng/1 lần đối với 50 trạm cấp nước, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh giám sát định kỳ 1 tháng/1 lần tại các trạm cấp nước thuộc Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định. Dự kiến đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh tại các vùng nông thôn đã tăng từ 84% hộ (hết năm 2010) lên 93%. Điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe của người dân nhiều vùng nông thôn được cải thiện. Tình trạng người dân không sử dụng nhà tiêu hoặc sử dụng phân chưa qua xử lý trong sản xuất nông nghiệp đã giảm dần ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Tại các thôn, xóm trên địa bàn các xã triển khai dự án đã bố trí các khu tập kết rác và thành lập các tổ thu gom, vận chuyển rác ở thôn, xóm về bãi rác tập trung của xã để xử lý. Tuy nhiên hiện tại việc triển khai dự án còn một số khó khăn. Nguồn nhân lực thực hiện Hợp phần vệ sinh đã được hình thành ở tất cả các tuyến từ tỉnh đến huyện, xã và thôn, xóm, tuy nhiên chưa đủ về số lượng và trình độ chuyên môn còn hạn chế. 100% trạm y tế đã có công trình vệ sinh và nước sạch nhưng theo kết quả giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Phòng Nông nghiệp, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, nhiều công trình vệ sinh trạm y tế xã đang xuống cấp và không đảm bảo vệ sinh. Một số trạm y tế xã chỉ có 1 công trình nhà tiêu thấm dội nước xây dựng từ những năm 1990 phục vụ cán bộ nhân viên của trạm, không đáp ứng phục vụ cho bệnh nhân đến khám, điều trị. Tại một số xã được xây dựng mới trạm y tế xã cũng không có công trình vệ sinh phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…
Việc thực hiện thành công Dự án Vệ sinh nông thôn sẽ góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh của gần 500 nghìn hộ dân và 194 trạm y tế xã vùng nông thôn của tỉnh thông qua hoạt động hỗ trợ, vận động xây dựng mới hoặc cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh, từ đó góp phần giảm nguồn phát tán nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong khu dân cư, giảm tỷ lệ mắc cũng như tử vong do các căn bệnh, giảm chi phí khám, chữa bệnh cho mọi cá nhân, cho gia đình và xã hội, tăng cường sức khỏe cho nhân dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng mới và nâng cấp các công trình vệ sinh cho hộ gia đình và trạm y tế xã trong khuôn khổ của dự án sẽ giảm thiểu nạn ô nhiễm môi trường, bảo vệ chất lượng nguồn nước, góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn. Để Dự án được tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, thời gian tới, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cần đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị chức năng triển khai các mô hình truyền thông; các lớp tập huấn về kỹ thuật xây dựng, bảo quản nhà tiêu hộ gia đình để triển khai tại các huyện, xã. Hằng năm cần bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ, xây mới các công trình vệ sinh trạm y tế xã hiện đang xuống cấp./.
Bài và ảnh: Minh Thuận