I - Thực trạng và hướng tháo gỡ khó khăn cho bưu điện văn hóa xã
Cách đây 16 năm, mô hình điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) được đồng loạt xây dựng trên địa bàn tỉnh, hoạt động theo phương thức kết hợp giữa dịch vụ bưu chính - viễn thông với việc phổ biến thông tin văn hóa xã hội tới các tầng lớp nhân dân ở nông thôn. Được sự quan tâm ủng hộ, tạo mọi điều kiện của các cấp, ngành, ngay trong năm đầu, 112 điểm BĐVHX đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Đến tháng 8-2003, Nam Định đã hoàn thành xây dựng 198 điểm BĐVHX ở 10 huyện, thành phố. Các điểm BĐVHX hầu hết đều được xây dựng theo mẫu thiết kế chung, với diện tích trên dưới 60m2, được đầu tư khá đồng bộ. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, BĐVHX còn là nơi phục vụ nhân dân đến đọc miễn phí nhiều loại sách, báo nhằm giúp người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận thông tin, tri thức, nắm bắt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn. 10 năm đầu hoạt động, các điểm BĐVHX có nhiều thuận lợi, phát huy hiệu quả tích cực. Song từ năm 2008 đến nay, khi chia tách Bưu chính và Viễn thông thì hoạt động của điểm BĐVHX gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt khi dịch vụ viễn thông phát triển mạnh thì hoạt động dịch vụ của các điểm BĐVHX gặp khó khăn. Mảng “thư viện” sách, báo của các điểm BĐVHX còn đơn điệu, sách, báo dù hằng năm được bổ sung nhưng số lượng không nhiều, đầu sách chưa đa dạng; việc luân chuyển báo được thực hiện theo đợt giữa các điểm BĐVHX nhưng thường chậm nên thông tin cũ, không hấp dẫn bạn đọc. Doanh thu của các điểm BĐVHX liên tục giảm mạnh. Những năm qua, Sở TT và TT, Bưu điện tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động của các điểm BĐVHX như: phối hợp cung cấp các dịch vụ hành chính công: Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; cấp đổi chứng minh nhân dân… Bưu điện tỉnh cũng chủ động mở thêm nhiều dịch vụ ở các điểm BĐVHX như: bán bảo hiểm ô tô, bảo hiểm xe máy, dịch vụ truyền hình, nhận phân phối SIM thuê bao… góp phần tăng thu nhập cho nhân viên. Tuy nhiên, do kinh doanh khó khăn, không có nguồn chi cho bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp nên cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các điểm BĐVHX đã bị hư hỏng, không sử dụng được. Trong tổng số 198 điểm BĐVHX toàn tỉnh, còn 194 điểm đang hoạt động với tổng số 249 nhân viên, 3 điểm tạm dừng hoạt động, 1 điểm sau khi giải phóng mặt bằng chưa bố trí được vị trí mới để xây dựng. Tổng số sách có tại các điểm BĐVHX đạt bình quân 201 quyển/1 điểm, trong đó tổng số người đến đọc sách tại điểm BĐVHX bình quân chỉ đạt 13 người/điểm/tháng. Tính trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu bình quân các điểm BĐVHX đạt 850 nghìn đồng/điểm/tháng; thù lao cho nhân viên bình quân 6 tháng đầu năm 2014 đạt 1.254 nghìn đồng/điểm/tháng. Đây cũng là thực trạng chung của các điểm BĐVHX trên toàn quốc. Ngày 2-8-2013, Bộ TT và TT đã ban hành Thông tư 17/2013/TT-BTTTT quy định về hoạt động của BĐVHX. Theo đó điểm BĐVHX là thành phần của mạng bưu chính công cộng được Nhà nước giao cho Tổng Cty Bưu điện Việt Nam (VnPost) duy trì, quản lý để cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích, các dịch vụ kinh doanh khác của Tổng Cty, tổ chức hoạt động đọc sách, báo phục vụ cộng đồng, đồng thời là điểm triển khai các chương trình, dự án phát triển thông tin và truyền thông của Nhà nước về nông thôn. Đầu năm 2014, Bộ TT và TT cũng đã chỉ đạo Vụ Bưu chính phối hợp với Tổng Cty Bưu chính Việt Nam tiến hành rà soát, đánh giá lại hoạt động của hệ thống điểm BĐVHX trên toàn quốc, từ đó nhanh chóng đề ra quy hoạch về điểm BĐVHX nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại, yếu kém ngay trong năm 2014 trên tinh thần, một mặt phát huy những mặt tích cực của hệ thống điểm BĐVHX, nhưng mặt khác rà soát để bỏ bớt những điểm hoạt động không hiệu quả và tìm phương án thay thế. Ngày 8-3-2014, Tổng Cty Bưu điện Việt Nam cũng có Chỉ thị 03/CT-BĐVN về việc triển khai chiến dịch đổi mới hoạt động tại điểm BĐVHX. Tại tỉnh ta cuối tháng 9-2014, UBND tỉnh đã tổ chức một cuộc họp chuyên đề với Bưu điện tỉnh và các đơn vị kinh doang mạng viễn thông về “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVHX” nhằm thống nhất xây dựng phương thức phối hợp để sử dụng điểm BĐVHX làm điểm kinh doanh, quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của điểm BĐVHX, nâng cao doanh thu và thu nhập cho nhân viên.
Nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã Mỹ Xá (TP Nam Định) cung cấp sản phẩm tiêu dùng của Cty BT-Group đến người dân. |
II - Những kết quả bước đầu
Với quyết tâm thực hiện chỉ đạo của các cấp chính quyền, ngành chức năng, hướng đến đổi mới hoạt động tại điểm BĐVHX, nâng cao doanh thu, trong tháng 6-2014, Bưu điện tỉnh đã tiến hành rà soát tất cả các điểm BĐVHX do Bưu điện tỉnh quản lý. Qua đó đánh giá rõ thực trạng yếu kém, cơ hội phát triển và đưa ra định hướng, chủ trương phát triển trong thời gian tới. Cụ thể là: duy trì phát triển hệ thống điểm BĐVHX, từng bước mở rộng và phát triển kinh doanh, tạo nền tảng lồng ghép các chương trình, dự án của Nhà nước về nông thôn. Đảm bảo cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích, tổ chức các hoạt động đọc sách báo miễn phí và thời gian mở cửa tối thiểu 4h/ngày theo quy định của Thông tư 17 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ Bưu chính công ích của Bộ TT và TT. Triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án về nông thôn: Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình Viễn thông công ích, dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập in-tơ-nét công cộng. Tận dụng năng lực mạng lưới, cơ sở vật chất và nhân lực tại điểm BĐVHX để cung cấp dịch vụ bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, hành chính công, phân phối truyền thông… Đẩy mạnh phát triển kinh doanh tại các điểm BĐVHX để tăng doanh thu, giảm bù lỗ. Có lộ trình khôi phục hoạt động của 3 điểm BĐVHX đang tạm ngừng hoạt động; phối hợp với UBND phường Lộc Vượng đề nghị bố trí đất để xây dựng lại điểm BĐVHX. Sau rà soát, Bưu điện tỉnh đã tiến hành điều chỉnh hợp lý nhân sự và tập trung thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nhân viên các điểm BĐVHX. Tranh thủ nguồn vốn Tổng Cty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ tiến hành sửa chữa 60 điểm BĐVHX và từ tháng 6-2014 đã tiến hành rà soát, chỉnh trang lại tất cả các điểm BĐVHX, đảm bảo tiêu chí “sạch, gọn, đẹp”, nhìn chung đến nay các điểm đã đi vào nề nếp, ngăn nắp, gọn gàng hơn. Với mục tiêu tạo điều kiện để người dân nông thôn được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, phong phú về chủng loại, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Từ tháng 9-2014 đến nay, Bưu điện tỉnh đã khai trương đợt 1 được 67 điểm BĐVHX tham gia phân phối các sản phẩm tiêu dùng của Cty BT-Group với 30 mặt hàng tiêu dùng như: bột giặt, nước xả vải, nước tẩy, nước giặt, nước lau sàn… Việc đưa hàng hóa về nông thôn đã đem lại lợi nhuận cho các điểm BĐVHX; chỉ tính riêng tháng 9 khai trương, các điểm đã bán được gần 300 triệu đồng tiền hàng, trong tháng 10, bình quân mỗi tuần các điểm bán được từ 70-120 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc đưa hàng hóa về nông thôn còn thu hút người dân đến điểm BĐVHX để sử dụng dịch vụ, tạo môi trường làm việc thân thiện và nâng cao thu nhập cho nhân viên điểm BĐVHX. Hiện tại, Bưu điện tỉnh đang tiếp tục hoàn tất các điều kiện, dự kiến sẽ khai trương đợt 2 để 62 điểm BĐVHX tham gia phân phối các sản phẩm tiêu dùng của Cty BT-Group ngay trong năm 2014; dự kiến sang đầu năm 2015 sẽ triển khai phân phối các sản phẩm tiêu dùng của Cty BT-Group tại tất cả các điểm BĐVHX còn lại. Về phương án phối hợp, hợp tác với các nhà mạng trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Bưu điện tỉnh phối hợp với VNPT Nam Định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về thu cước viễn thông, làm đại lý phát triển các dịch vụ viễn thông. Phối hợp với Chi nhánh Mobifone Nam Định tiếp tục triển khai hợp tác theo chương trình đã ký giữa Tổng Cty Bưu điện Việt Nam với Tổng Cty VMS. Để mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông, trở thành điểm đăng ký thuê bao di động trả trước, do chưa có máy vi tính để hoàn tất công việc nên các điểm BĐVHX sẽ đảm trách khâu tiếp nhận yêu cầu của khách hàng chuyển thông tin về Bưu cục 3 và Bưu điện huyện để đăng ký thông tin cho khách hàng. Bên cạnh đó, các điểm BĐVHX còn đảm trách nhiệm vụ quảng bá thương hiệu của các nhà mạng. Trước mắt, Bưu điện tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thành lập thí điểm 10 Trung tâm thông tin cộng đồng tại 10 điểm BĐVHX trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Tại các Trung tâm, Bưu điện tỉnh tập trung nâng tổng số đầu sách phục vụ lên 500 quyển/điểm, nâng tổng số người đọc sách, báo bình quân mỗi ngày tại một điểm BĐVHX đạt từ 10-15 người. Các doanh nghiệp viễn thông có phương án tài trợ máy tính và đường truyền in-tơ-nét miễn phí để đạt mục tiêu mỗi điểm BĐVHX triển khai thí điểm được trang bị từ 2-4 bộ máy vi tính có đường truyền tốc độ cao phục vụ người dân đến khai thác tài nguyên thông tin mạng. Phấn đấu phát triển nhiều dịch vụ có nguồn thu để nâng tổng doanh thu bình quân của nhân viên điểm BĐVHX lên mức 3,5-5 triệu đồng/người/tháng; đưa bình quân thù lao của nhân viên điểm BĐVHX lên khoảng 2,2-3 triệu đồng/tháng./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy