Cảnh báo tình trạng ly hôn gia tăng

05:11, 22/11/2014

Theo thống kê, năm 2013, TAND hai cấp của tỉnh đã giải quyết 3.349/3.376 vụ án các loại, trong đó, số vụ án hôn nhân và gia đình chiếm trên 50%. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2014, TAND hai cấp của tỉnh đã giải quyết, xét xử: 1.444 vụ án dân sự và hôn nhân gia đình. Nhiều địa phương có số vụ ly hôn cao là: Thành phố Nam Định, Nam Trực, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy... Tình trạng ly hôn xảy ra thuộc nhiều thành phần: cán bộ, công nhân, nông dân, doanh nhân, buôn bán. Trong 9 tháng năm 2014, tại huyện Hải Hậu có 173 vụ ly hôn, huyện Nghĩa Hưng có hơn 100 vụ, huyện Giao Thủy có hơn 130 vụ ly hôn. Trong các vụ án ly hôn, tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao gấp 2 lần so với người chồng; trên 70% số vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng ở nhóm tuổi 20-45 và hầu hết đã có con.

Gia đình anh Trần Văn Tuấn, xóm 8, xã Điền Xá (Nam Trực) nhiều năm liền đạt danh hiệu
Gia đình anh Trần Văn Tuấn, xóm 8, xã Điền Xá (Nam Trực) nhiều năm liền đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" cấp huyện.

Qua phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng tăng cao như hiện nay, trước hết là do bạo lực gia đình. Đây là vấn đề đáng báo động trong đời sống xã hội hiện đại, trước sự tác động tiêu cực từ mặt trái nền kinh tế thị trường. Bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, phá vỡ những giá trị gia đình truyền thống cao đẹp. Trong đời sống vợ chồng, khi bạo lực xảy ra sẽ gây ra nhiều sứt mẻ trong tình cảm, khó hoà hợp mà chỉ còn sự ức chế và sợ hãi, dần dần họ không thể chịu đựng nữa và dẫn đến ly hôn. Trường hợp chị H.T.H, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) bị chồng ngược đãi, bạo hành về thể xác và tinh thần trong thời gian dài đã gây bức xúc trong xã hội. Sự việc diễn ra ngày càng nghiêm trọng khi tối 19-6-2014, chị H bị chồng hành hung khiến khuôn mặt bị biến dạng, chẩn đoán xác định chị bị gãy xương cánh mũi. Chị H kể: Tối 19-6-2014, anh T - chồng chị uống rượu cùng với bạn. Với thói quen cố hữu là khi say rượu, T thường tìm mọi cớ chửi vợ, mắng con, chị H vẫn nhẫn nhục, không đối đáp. Mặc dù vậy, chồng chị tiếp tục gây sự, rồi rút then cửa bằng sắt đuổi đánh 3 mẹ con. Thấy mẹ bị đánh đập, cậu con trai lớn ôm được bố và giằng khỏi tay chiếc then cửa, còn chị H nhanh chân trốn vào gầm cầu thang. Nhưng chồng chị vẫn tìm thấy, cứ nhằm mặt mũi chị mà đấm đá túi bụi. Chỉ đến khi cậu con trai lớn ôm chặt bố, chị H mới nhanh chân chạy sang nhà hàng xóm, được mọi người giúp đỡ đưa đi bệnh viện cấp cứu. Được biết, hiện chị H đã ly thân và làm đơn ly hôn với người chồng vũ phu. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng ly hôn gia tăng là do tính gia trưởng, định đoạt mọi việc trong gia đình của người chồng; còn người vợ chỉ là “người giúp việc”, không có quyền gì dẫn đến việc người vợ bức xúc, lâu dần trở thành mâu thuẫn vợ chồng. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến vợ chồng ly hôn là do ngoại tình hoặc mâu thuẫn gia đình (nhất là các cặp vợ chồng sống với bố mẹ chồng)... Hoặc, nhiều cặp vợ chồng ly thân, ly hôn bắt nguồn từ người chồng ham mê cờ bạc, bỏ bê gia đình, con cái, dẫn đến tù tội... Trong thời gian lao động tại Hàn Quốc, anh T và chị M ở khu dân cư số 7, phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) kết hôn; trở về quê hương, anh chị mua nhà riêng, mở cửa hàng nhỏ. Sau 7 năm chung sống, anh chị có với nhau 2 con nhưng anh T thường xuyên bỏ bê công việc gia đình, tối ngày rượu chè; rồi nghiện ma túy. Chị M nhiều lần khuyên bảo chồng, đưa anh đi cai nghiện, nhưng chỉ sau 2-3 tháng, anh T vẫn tái nghiện; không ít lần đánh chửi vợ, mang đồ đạc gia đình đi bán. Dù thương 2 con nhỏ, nhưng không thể nhẫn nhục mãi, chị M đã đứng đơn ly hôn. Nhiều người thân trong gia đình và hàng xóm thông cảm với chị, cho rằng đây là hướng giải thoát tốt cho chị M, nhưng đằng sau sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình, là bi kịch của 2 đứa trẻ khi tuổi thơ của các em không nhận được tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của bố hoặc mẹ.

Hôn nhân đổ vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân tan vỡ là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Toàn tỉnh hiện có 6.621 trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội (bố mẹ ly hôn, bạo lực gia đình); 577 trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; 95 trẻ em lang thang; 2.907 trẻ em làm việc xa gia đình. Điều đáng nói, sau ly hôn, cha hoặc mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng “con anh, con em”, dẫn đến nhiều bậc cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái (bỏ mặc, ngược đãi) tác động sâu sắc lên sự nhận thức còn rất non nớt của các em, gây tổn thương tâm lý khó hàn gắn được trong con trẻ.

Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng ly hôn, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào: “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ” tạo môi trường xã hội lành mạnh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Chú trọng công tác truyền thông, giáo dục đời sống gia đình thông qua các mô hình sinh hoạt CLB như “CLB Gia đình hạnh phúc”, “CLB Tiền hôn nhân”. Các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền pháp luật về hôn nhân, gia đình đến các hội viên gắn với các phong trào: Xây dựng "Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", “Gia đình 5 không, 3 sạch" của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân với phong trào "Gia đình nông dân văn hóa"; Hội CCB có phong trào "Gia đình hội viên gương mẫu"; Hội Người cao tuổi thực hiện "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo". Nhân rộng và biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, nhất là nhân rộng những mô hình gia đình văn hóa trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com