Từng bước hoàn thiện và thực hiện quy hoạch mạng lưới đô thị của tỉnh

07:01, 02/01/2014

Những năm qua, công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh được tỉnh quan tâm chỉ đạo, tạo cơ sở để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng trong xây dựng đô thị. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 1 đô thị loại I là Thành phố Nam Định và 15 thị trấn thuộc đô thị loại V, trong đó có 9 thị trấn huyện lỵ (Lâm, Nam Giang, Ngô Đồng, Yên Định, Gôi, Liễu Đề, Xuân Trường, Mỹ Lộc, Cổ Lễ) và 6 thị trấn là trung tâm văn hóa, kinh tế - xã hội của tiểu vùng (Quỹ Nhất, Cát Thành, Thịnh Long, Rạng Đông, Quất Lâm, Cồn). Đây đều là các trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị có vai trò thúc đẩy sự phát triển của các đô thị và tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng phụ cận và toàn tỉnh.

Một góc Thành phố Nam Định. Ảnh: Việt Thắng
Một góc Thành phố Nam Định. Ảnh: Việt Thắng

Theo số liệu thống kê năm 2012, tổng dân số của tỉnh gần 1 triệu 837 nghìn người, tỷ lệ đô thị hoá đạt 20,54%; trong đó dân số thành thị là 372.391 người, tập trung tại Thành phố Nam Định và các thị trấn. Theo Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 2-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thành phố Nam Định sẽ được đầu tư xây dựng trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Nâng cấp Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ) lên thị xã giai đoạn 2013-2015, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) lên thị xã trong giai đoạn 2016-2020, tiến tới thành lập Thành phố Thịnh Long. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa của tỉnh, mở rộng các đô thị hiện có và xây dựng đô thị mới, khu đô thị mới gắn với phát triển các KCN, đầu mối giao thông, các trung tâm thương mại, dịch vụ. Dự kiến đến năm 2015, đô thị của tỉnh sẽ bao gồm một đô thị loại I là Thành phố Nam Định, một đô thị loại IV Thị xã Quất Lâm và 14 đô thị loại V hiện có. Hiện tại, Sở Xây dựng đang phối hợp với UBND huyện Hải Hậu lập Quy hoạch chung đô thị Thịnh Long đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thành các Quy hoạch phân khu hai bên đường Nam Định - Phủ Lý đến năm 2025, Quy hoạch khu Đại học tập trung tỉnh Nam Định, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo nghiên cứu quy hoạch của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, dự kiến đến 2030, hệ thống đô thị của tỉnh ta sẽ phân thành 4 cực phát triển gắn liền với hình thành các đô thị hạt nhân trung tâm. Phía bắc có Thành phố Nam Định là đô thị hạt nhân loại I; phía đông với Thị xã Quất Lâm là đô thị hạt nhân loại IV và Thị trấn Ngô Đồng, Thị trấn Giao An; phía tây có Thị xã Lâm là đô thị hạt nhân và Thị trấn Yên Bằng; phía nam có Thành phố Thịnh Long là đô thị hạt nhân loại III và Thị trấn Rạng Đông, Thị trấn Quỹ Nhất. Bên cạnh đó, sẽ hình thành các khu đô thị vệ tinh và các đô thị điểm nhấn tại mỗi cực. Thành phố Nam Định sẽ xây dựng Khu đô thị Dệt May là cốt lõi với tổng diện tích đất quy hoạch là 286.625m2. Theo báo cáo điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Dệt May do Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng) lập, khu đô thị này sẽ có khu trung tâm thương mại dịch vụ tại cửa ngõ phía đông tiếp giáp với đường Trần Phú là khối công trình cao 5 tầng đáp ứng nhu cầu dịch vụ, thương mại của cộng đồng dân cư thành phố. Hướng mở chính của khối trung tâm thương mại này về phía đường Trần Phú và Công viên 25-3. Khu trung tâm thương mại tại cửa ngõ phía tây, dọc theo đường Trần Phú bao gồm các tổ hợp khối công trình cao trung bình 14 tầng với chức năng hỗn hợp thương mại dịch vụ, chung cư cao tầng, công trình đón tầm nhìn từ cửa ngõ phía tây… Ngoài ra, còn có các công trình xã hội phụ trợ khác như bệnh viện 5 tầng, khu trường học tập trung, các khu vực xây dựng nhà ở liền kề với mặt tiền rộng từ 4,5-5m; chiều sâu từ 14-20m; khu vực nhà ở dạng biệt thự, nhà vườn với mặt tiền từ 10-15m, chiều sâu từ 20-27m, các lô biệt thự, Công viên trung tâm 25-3, sân TDTT, hệ thống cây xanh được bố trí dọc các tuyến phố. Các khu vực còn lại được giữ nguyên trạng và tiến hành chỉnh trang bao gồm Bảo tàng Dệt may; nâng cấp khu dân cư hiện hữu và các công trình nhà xưởng sản xuất và khu nhà điều hành quản lý của Cty May 3. Ngoài Khu đô thị Dệt May đóng vai trò cốt lõi, Thành phố Nam Định còn tập trung phát triển các đô thị mới ở phía bắc sông Đào tới sông Vĩnh Giang, một số khu chức năng đô thị tập trung đan xen không gian đô thị sinh thái nông nghiệp phía nam sông Đào và dự trữ phát triển các khu chức năng đô thị phía bắc sông Vĩnh Giang. Các đô thị vệ tinh xung quanh Thành phố Nam Định cũng được định hướng quy hoạch, nhất là đô thị Thịnh Long trở thành một đô thị biển, gắn kết chặt chẽ với Khu kinh tế Ninh Cơ trong tương lai và đứng thứ 2 sau Thành phố Nam Định được tỉnh quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư xây dựng ngay trong thời gian tới. Định hướng phát triển không gian đô thị tập trung hướng biển, liên kết với khu bãi biển Thịnh Long phía nam, đô thị Thịnh Long trong tương lai lấy khu vực dọc tỉnh lộ 488 kết nối từ Thành phố Nam Định tới khu du lịch biển Thịnh Long làm trục không gian cảnh quan chủ đạo.

Thời gian tới, tỉnh ta sẽ hoàn thiện quy hoạch và quản lý thực hiện theo đúng quy hoạch, xứng đáng vị thế trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng phát triển bền vững, năng động, gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, phát triển kinh tế biển./.

Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com