Theo nhận định của Ban ATGT tỉnh, hiện nay số học sinh THPT, THCS và thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh sử dụng xe đạp điện tăng nhanh. Ngoài những tiện ích mà xe đạp điện mang lại, tâm lý người sử dụng loại xe này thấy dễ chịu hơn khi không phải mất nhiều thời gian, công sức lo giấy phép lái xe; kinh phí đầu tư mua xe không lớn, chỉ khoảng từ 7 đến 12 triệu đồng. Tuy nhiên, đi xe đạp điện cũng nguy hiểm không kém xe máy vì tốc độ của xe đạp điện có thể lên đến 50 km/giờ; trong khi đa phần các em học sinh chưa ý thức được các mối nguy hiểm của loại phương tiện này. Tình trạng người dân, đặc biệt là học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến, cá biệt có trường hợp chở quá số người quy định, đi dàn hàng ngang trên đường, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông, làm mất ATGT.
Tại một cơ sở bán xe đạp điện ở Thành phố Nam Định. |
Để bảo đảm trật tự ATGT nói chung và tính mạng, tài sản của người điều khiển xe đạp điện nói riêng, thời gian qua, các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật khi sử dụng xe đạp điện, đặc biệt là học sinh, ngày 14-11-2013, Ban ATGT tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3623/KH-BATGT về tổ chức chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện từ ngày 1-11 đến hết ngày 31-12-2013. Thực hiện kế hoạch của Ban ATGT tỉnh, các cơ quan chức năng, các đoàn thể, địa phương; đặc biệt là các trường học trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình, nguyên nhân, hậu quả TNGT liên quan đến xe đạp điện; hướng dẫn người dân cách nhận biết các loại xe đạp điện; cách kiểm tra, lựa chọn loại xe thích hợp cho học sinh khi tham gia giao thông; cách sử dụng xe đạp điện an toàn, hiệu quả. Ngành GD và ĐT tăng cường nhắc nhở, hướng dẫn học sinh tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự ATGT liên quan đến sử dụng xe đạp điện; có hình thức xử lý đối với các học sinh vi phạm theo thông báo của lực lượng công an; đẩy mạnh việc phát hiện vi phạm qua theo dõi của đội ngũ tuyên truyền viên trong mô hình “Cổng trường ATGT” tại các trường học và các phương tiện như máy ảnh, camera… ghi lại hình ảnh vi phạm tại khu vực các cổng trường. Lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trường học, khu vui chơi giải trí của thanh thiếu niên, khu vực thường xuyên có người sử dụng xe đạp điện, những đoạn đường, địa bàn tập trung nhiều phương tiện, có tình hình giao thông phức tạp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đối với người điều khiển xe đạp điện; nhất là những hành vi như không đội mũ bảo hiểm, trở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, dàn hàng ngang, vi phạm tốc độ. Lực lượng chức năng cũng gửi thông báo lỗi vi phạm của đối tượng vi phạm về các nhà trường và địa phương để có biện pháp giáo dục phù hợp. Công an Thành phố Nam Định đã xác định các trường học có nhiều học sinh vi phạm pháp luật giao thông liên quan đến xe đạp điện là các trường THPT Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo… để tăng cường phương án, tần suất tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Công an thành phố còn phối hợp với lực lượng an ninh trật tự tại các phường lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm vào những khung giờ cao điểm như đầu giờ vào học và sau giờ tan học, quây ráp các đối tượng vi phạm để tạo tính răn đe, giáo dục cao. Đặc biệt, tại những điểm tập trung nhiều học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như khu công viên hồ Vỵ Xuyên, hằng tuần lực lượng công an đều lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm từ 2 đến 4 lượt. Vào tất cả các buổi tối trong tuần, các dịp lễ, tết, lực lượng Công an thành phố còn bố trí đội cơ động kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến người điều khiển xe đạp điện. Tại các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Vụ Bản, lực lượng công an còn bố trí tổ tuần tra, xử phạt ngay tại cổng các trường học có nhiều học sinh sử dụng xe đạp điện…
Nhờ sự tích cực vào cuộc triển khai chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, đến nay, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được các tiêu chí phân loại xe máy điện và xe đạp điện và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện, đồng thời nắm bắt được các quy định xử phạt liên quan đến xe đạp điện. Qua công tác tăng cường chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong chiến dịch, hiện nay học sinh tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố và các huyện cũng đã từng bước nâng cao ý thức và đã nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật khi sử dụng xe đạp điện tham gia giao thông./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy