Hãy chăm lo hơn "cái nôi nuôi dưỡng con người"!

08:01, 03/01/2014

Điều gì đang diễn ra trong gia đình Việt Nam hiện nay? Đó là sự tan vỡ ngày càng nhiều của mẫu gia đình truyền thống; bạo lực, bạo hành gia tăng và các vụ ly hôn ngày càng cao. Những đứa trẻ bơ vơ vì thiếu bố thiếu mẹ, những bố mẹ già rơi vào nỗi bất hạnh vì có con mà như không... Sự bất ổn của mỗi gia đình là bất ổn của toàn xã hội, là mối nguy của đất nước.

Vai trò của gia đình

Mỗi người chúng ta đều có một gia đình. Gia đình là cái nôi sinh ra ta, nuôi ta lớn lên trong tình thương yêu, nơi khi buồn vui hay vấp ngã trong cuộc đời ta có thể hướng về. Gia đình cũng là trường học đầu tiên để ta học ăn, học nói, học gói, học mở, học ghét, học yêu. Tình yêu đồng bào bắt đầu từ tình yêu anh chị. Tình yêu thiên nhiên, núi sông, bắt đầu từ cây chanh, cây bưởi vườn nhà. Gia đình và Tổ quốc là mẹ. Mỗi người được sinh ra bởi một người mẹ duy nhất và vì sự duy nhất và yêu dấu ấy mà họ suốt đời làm tất cả những điều tốt đẹp nhất vì mẹ của mình, có thể hy sinh cả tính mạng của mình vì mẹ.

Đó là cách nói về gia đình bằng tình cảm tự trái tim ta.

Còn về khoa học, người ta nói rằng, gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình là một tổ chức cơ sở có chức năng tái tạo con người, duy trì sự tồn tại và phát triển của nhân loại, đồng thời là một "xí nghiệp" sản xuất ra của cải vật chất (ngày nay ta gọi là kinh tế hộ). Nó đồng thời là nơi truyền thụ và sản sinh ra những giá trị tinh thần tốt đẹp. Tính cách của con người chủ yếu được hình thành trong giai đoạn tuổi thơ ở gia đình. Trong lời tựa của Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước xuất bản lần thứ nhất năm 1884 (bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1972), Ăng-ghen viết: "Theo quan điểm duy vật, nhân tố quyết định trong lịch sử phát triển của xã hội loài người quy cho đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp của con người. Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt, ra thức ăn, quần áo, nhà ở, và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó, mặt khác là sản xuất ra chính bản thân con người, là sự truyền nối nòi giống. Những thiết chế xã hội, trong đó những con người của một thời đại lịch sử nhất định và một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất đó quyết định: Một mặt do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình".
Đề cao vai trò gia đình, coi đó là yếu tố tạo ra sự phát triển đất nước bền vững là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Điều đó không chỉ được thể hiện trong sự quan tâm của lãnh đạo trong hệ thống giáo dục, trong các chính sách, mà còn cụ thể hóa và bắt buộc bằng luật pháp. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 ghi rõ: "Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt". Từ năm 2001, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam.

Bắt nguồn sâu xa từ lịch sử dựng nước và giữ nước gian khổ, phải luôn đối diện với thiên tai và kẻ thù xâm lược; bắt nguồn từ cơ sở kinh tế là canh tác lúa nước, nơi phải đổi công, phải tưới tiêu qua ruộng đồng của nhau; bắt nguồn từ văn hóa coi trọng ruột thịt (giọt máu đào hơn ao nước lã) tình nghĩa, coi hiếu nghĩa là giá trị lớn nhất trong những điều thiện (bách thiện hiếu vi tiên) mà người Việt Nam có một gia đình truyền thống hết sức bền vững, trong đó mọi người thật sự yêu thương gắn bó không thể tách rời, trên kính dưới nhường. Từ cố kết gia đình, họ tộc mà có truyền thống đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết dân tộc.

Gia đình truyền thống Việt Nam được thế giới công nhận không chỉ là bản sắc, mà còn là giá trị văn hóa tiên tiến, là chỉ số hạnh phúc.

Những hiện trạng đau lòng

Thế nhưng điều gì đang diễn ra trong gia đình Việt Nam hiện nay? Trước hết, ngày càng nhiều gia đình tan vỡ. Sự tan vỡ của các kiểu gia đình tam, tứ đại đồng đường; tan vỡ của những cặp vợ chồng mới kết hôn. Sau nữa là bạo lực và bất lực trong gia đình. Nói về sự bất lực, có người cha bất đắc dĩ đã phải giết chết đứa con đẻ hư hỏng không thể dạy bảo nổi để rồi sau đó phải nhận án tù như chuyện đã xảy ra tại một vùng quê nghèo Hà Tĩnh vài năm trước. Nói về bạo lực, lại không diễn ra theo hướng chủ yếu là cha mẹ hành hạ con cái mà theo hướng vợ chồng coi nhau như cừu thù, con cái tróc nã, thậm chí giết chết bố mẹ vì tài sản hoặc vì sự hung hãn thú tính.

Quả thật, chúng tôi không muốn đưa vào bài viết này những thí dụ đau lòng. Có thể những điều đó đang diễn ra đâu đây, quanh cuộc sống mọi người. Còn về ly hôn thì hằng năm đều có sự "tăng trưởng" rất đáng quan ngại.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Cuộc điều tra do Bộ VH, TT và DL, phối hợp Tổng cục Thống kê, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, số vụ ly hôn đang tăng nhanh. Năm 1994, cả nước có 22 nghìn vụ ly hôn. Năm 2000 con số đó là 51.361, năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ. Người vợ đứng đơn ly hôn hiện gấp hai lần so với người chồng đứng đơn.

Một công trình nghiên cứu xã hội học mới đây của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cứ ba cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Trong đó, 60% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ (23-30 tuổi), 70% số vụ ly hôn khi mới kết hôn chỉ từ 1 đến 7 năm và hầu hết đã có con... Mỗi tháng Tòa án Gò Vấp xử tới 70 đến 80 vụ ly hôn. Và hơn 138 nghìn vụ ly hôn được xét xử trong năm 2012 là con số do Viện KSND Tối cao cung cấp khi chúng tôi thực hiện bài viết này. Đấy là chưa kể những việc tự từ bỏ hoặc ly thân không thể thống kê. Mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh có tới 50 nghìn trẻ em thiếu cha hoặc mẹ do gia đình tan vỡ. Theo kết quả khảo sát của thạc sĩ Thạch Thị Yến (Trung tâm Tư vấn Trẻ em - Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em TP Hồ Chí Minh), hơn 30% số trẻ em lang thang đường phố có cha mẹ bỏ nhau... Và cũng có không ít bố mẹ già có con mà không nơi nương tựa.

Nguyên nhân và giải pháp

Từ lâu, cha ông ta đã có cái nhìn biện chứng: Vạn sự do kinh tế. Nguyên nhân đầu tiên, đó là sự khó khăn về kinh tế, tình trạng thiếu việc làm tăng cao; không có sự tương thích về mặt vĩ mô trong đời sống kinh tế và đời sống tinh thần. Khắc phục tình trạng này là công việc của Nhà nước. Và ai cho phép nhập, xuất bản và chiếu nhiều phim bạo lực, nhiều cảnh sex, thác loạn trong rạp, trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng khác?

Sự buông lỏng giáo dục, buông lỏng quản lý văn hóa đang tác động rất xấu đến mỗi gia đình và toàn xã hội. Một lối sống tiêu dùng, vị kỷ đang trở nên phổ biến, nhất là trong giới trẻ.

Người cha, người mẹ có trách nhiệm đặc biệt trong vai trò này. Theo truyền thống, cha mẹ phải là tấm gương sáng. Cha mẹ phải kính trọng, hiếu thuận với ông bà trước. Người xưa nói Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy. Thiết tưởng những câu chuyện của Nguyễn Công Hoan đã lạc hậu so với thời nay. Câu chuyện về cái bát gỗ để răn đời vẫn còn đấy. Nhiều người mẹ trẻ không cho ông bà sờ vào cháu, coi ông bà như con hủi, như gánh nặng mà không thấy được mình hạnh phúc vì còn ông bà. Những câu chuyện hiếu thuận như người con 70 tuổi bị cha 90 tuổi đánh khóc hu hu không phải vì đau, vì nhục mà vì biết cha yếu đánh không đau không còn được kể nữa. Vợ chồng là nghĩa tương tri; Vợ chồng là nghĩa tao khang; Chàng ơi đưa gói thiếp mang, Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không; Chàng ơi phụ thiếp làm chi, Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng... dường như không còn mấy người trẻ biết nữa. Có một sự phân công vừa có tính lịch sử, vừa có tính khoa học trong truyền thống đang bị xem nhẹ: Người đàn ông là trụ cột trong kinh tế, phải gánh vác việc nước (chủ yếu là ra trận); người phụ nữ ở nhà nuôi dạy con cái, gìn giữ, phát huy truyền thống của gia đình và dòng họ. Cái câu Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà không chỉ là lời chê trách, mà còn chứa đựng việc đề cao vai trò người phụ nữ trong gia đình. Đành rằng người phụ nữ có quyền bình đẳng, xã hội cần tạo cho người phụ nữ được tham gia công tác xã hội, nhưng phụ nữ cần xem lại chức năng thiêng liêng của mình. Nhà nghèo không có điều kiện chăm con, nhưng nhà giàu bây giờ cũng bỏ mặc con với đống tiền và sự tự do; coi việc xã hội là cao cả, quan trọng; coi việc gia đình là "chuyện nhỏ", nhất định sẽ có ngày xảy ra chuyện to.

Xin được dẫn thêm lời tâm sự của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây để thấy được câu chuyện gia đình luôn mang tính thời sự đối với một quốc gia: "Một nữ nhà văn nước ngoài đã nhận xét rằng: Việt Nam có một điều rất tốt đẹp cần phải giữ gìn. Đó là sự quan tâm lẫn nhau trong gia đình, không chỉ là gia đình hẹp với vợ chồng con cái, mà là một gia đình rộng hơn, có cả anh em, ông bà, họ hàng... Thực tế, nhiều gia đình chưa làm tốt điều đó; bắt đầu có những dấu hiệu, biểu hiện lỏng lẻo trong mối liên kết, ràng buộc quan hệ gia đình; tỷ lệ ly hôn đang gia tăng. Một số chị em chểnh mảng, chưa đầu tư đúng mức cho gia đình, đặc biệt là việc nuôi dạy con cái. Đã đến lúc phải nhấn mạnh rằng, người phụ nữ tốt, người mẹ tốt phải là người biết nuôi dạy con cái nên người".

Những gia đình hạnh phúc thường giống nhau. Những gia đình bất hạnh thì mỗi nhà một kiểu. Một nhà văn lớn đã nói như vậy. Xây dựng gia đình yêu thương, tiến bộ để có hạnh phúc, trước hết là công việc của mỗi gia đình. Nhưng nó cũng là công việc của Nhà nước, của toàn xã hội. Xây dựng gia đình yêu thương, tiến bộ là xây dựng đất nước. Xây dựng đất nước trong đó có xây dựng gia đình. Đó là con đường phát triển bền vững, con đường đi tới hạnh phúc, văn minh cùng nhân loại./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com