Bảo vệ môi trường góp phần phát triển du lịch bền vững

08:06, 04/06/2013

Môi trường là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch và khả năng thu hút khách tham quan. Thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước cùng sự suy giảm về cảnh quan, đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe du khách, tác động đến tâm lý khi lựa chọn “điểm đến” của khách và làm giảm tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Từ đó đặt ra cho các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh cần làm tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT), hướng tới xây dựng môi trường du lịch xanh, tạo tiền đề cho du lịch của tỉnh phát triển bền vững.

Khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thủy) trồng nhiều cây xanh, góp phần tạo cảnh quan du lịch xanh, sạch, đẹp.
Khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thủy) trồng nhiều cây xanh, góp phần tạo cảnh quan du lịch xanh, sạch, đẹp.

Cùng với phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, thời gian qua các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp BVMT ở các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái, lễ hội…, đồng thời tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tuân thủ thực hiện Luật BVMT, Luật Du lịch; xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Những đơn vị có báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ, đạt tiêu chuẩn quy định mới được cấp giấy phép kinh doanh. Để BVMT du lịch, Thanh tra Sở VH, TT và DL, Chi cục BVMT tỉnh, Thanh tra Sở TN và MT, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) thường xuyên kiểm tra các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch… để nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm xâm hại môi trường. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ý thức của người dân về BVMT được nâng cao. Ở các điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh, đến nay BQL các di tích đều đã xây dựng các khu lầu hóa sớ, vàng mã riêng, hạn chế ô nhiễm khói, bụi; tổ chức trồng cây xanh tại các khu, điểm di tích; xây dựng hệ thống biển báo nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh môi trường... Công tác BVMT ở các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch biển được quan tâm. Nhiều năm qua, các xã trong vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã tranh thủ các dự án tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương triển khai các dự án trồng rừng như: Dự án 327, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Dự án trồng rừng ngập mặn…, góp phần chống suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao nhận thức của người dân về công tác BVMT. Các khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu) và Quất Lâm (Giao Thủy) đều tích cực trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, đồng thời tổ chức các đội thu gom rác thải khu vực bãi tắm, xây dựng nhà máy cấp nước sạch, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung... Đồng chí Trần Quang Tuấn, Phó trưởng ban BQL khu du lịch biển Thịnh Long cho biết: BQL khu du lịch đã thường xuyên vận động chủ 113 khách sạn, nhà nghỉ, ki-ốt nâng cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định về BVMT, tham gia trồng cây xanh, trang bị thùng đựng rác, duy trì vệ sinh phòng nghỉ sạch sẽ, phun thuốc diệt muỗi, côn trùng để phòng, chống các loại dịch bệnh. Những năm gần đây, các khách sạn, nhà nghỉ, ki-ốt mới xây dựng đều có các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường được cơ quan chuyên môn thẩm định. Đến nay, đã có 90% trong tổng số hơn 260 nhà nghỉ, khách sạn, ki-ốt ở 2 khu du lịch biển xây dựng phương án BVMT.

Việc đẩy mạnh các hoạt động BVMT đã góp phần thu hút du khách đến với tỉnh ngày một đông và tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, những nguy cơ suy thoái về tài nguyên và ô nhiễm môi trường đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động phát triển du lịch của tỉnh. Đó là các hoạt động chặt, phá rừng tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy; tình trạng người dân địa phương, khách tham quan du lịch thiếu ý thức xả rác bừa bãi tại các khu, điểm di tích văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái… Ngoài ra, theo đánh giá của Viện Khí tượng Thủy văn (Bộ TN và MT), tỉnh ta là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn kịch bản dự báo. Nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng, cơ sở lưu trú du lịch của các địa phương hiện có. Để ngăn chặn sự suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch phải gắn với BVMT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BVMT, mọi hành vi vi phạm về môi trường du lịch đều phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các dự án đầu tư phát triển du lịch đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ du lịch có trình độ, hiểu biết về các vấn đề môi trường, về mối quan hệ giữa môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, về Luật BVMT cũng như các chính sách, quy định của Nhà nước trong BVMT. Phát triển du lịch hợp lý, vừa tạo sinh kế, việc làm cho người dân tại các điểm du lịch, vừa khuyến khích họ bảo vệ, giữ gìn, cải tạo môi trường ngày càng “xanh, sạch, đẹp”./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com