Đẩy mạnh phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”

08:05, 28/05/2013

Tỉnh ta có 536km sông, kênh, gồm: 4 con sông lớn là sông Hồng, sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ, 1 kênh giao thông chính là kênh Quần Liêu. Toàn tỉnh có 1 cảng sông Nam Định và 1 cảng biển Thịnh Long; 101 bến khách ngang sông và 82 phương tiện chở khách qua sông. Với hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa đa dạng nên tình hình trật tự ATGT đường thủy trong tỉnh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy cơ xảy ra TNGT.

Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” LĐLĐ tỉnh đã huy động các tổ chức đầu tư kinh phí mua tặng cặp phao cứu sinh cho học sinh tham gia giao thông đường thuỷ.
Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” LĐLĐ tỉnh đã huy động các tổ chức đầu tư kinh phí mua tặng cặp phao cứu sinh cho học sinh tham gia giao thông đường thuỷ.

Để đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ nội địa, từ  tháng 8-2011 Ban ATGT tỉnh đã vận động các địa phương có tuyến giao thông đường thủy xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”. Để phong trào đạt hiệu quả cao, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT các huyện, thành phố, các đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động tại địa phương, đơn vị, đồng thời căn cứ vào đặc thù tuyến giao thông đường thuỷ của địa phương để xây dựng mô hình "văn hóa giao thông với bình yên sông nước" phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 3 mô hình điểm. Các mô hình đều được Ban chỉ đạo phong trào của tỉnh kiểm tra, đôn đốc, kịp thời bổ sung các nội dung, tiêu chí cho phù hợp để tiếp tục nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả. Cụ thể như mô hình: “Bến phà văn hoá - an toàn” tại bến phà Sa Cao - Thái Hạc, xã Xuân Châu (Xuân Trường), sau khi căn cứ vào các tiêu chí của cuộc vận động và tình hình ATGT đường thuỷ tại địa phương, Ban quản lý bến đã xây dựng nội quy quy định hành vi ứng xử của nhân viên với khách và ngược lại, bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực hai đầu và bên trong bến phà; không để hàng quán kinh doanh lấn chiếm, gây mất trật tự đường lên, xuống phà. Ban quản lý, nhân viên bến phà thường xuyên kiểm tra, đảm bảo đầy đủ, đồng bộ các trang thiết bị an toàn, phao cứu sinh, dụng cụ chống thủng, chống cháy… theo hướng bảo đảm công năng sử dụng; tổ chức sắp xếp, điều hành cho hành khách lên xuống phà an toàn. Nhờ nỗ lực duy trì và không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình "Bến phà văn hóa - an toàn" nên bến phà Sa Cao - Thái Hạc luôn bảo đảm an ninh trật tự, an toàn về tính mạng, hàng hoá cho hành khách qua phà; không để xảy ra TNGT đường thuỷ tại khu vực bến. Năm 2012, Ban ATGT xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đã xây dựng mô hình điểm “Kênh Quần Liêu văn hoá, an toàn” với mục tiêu bảo đảm an toàn luồng tuyến, khắc phục các nguy cơ gây mất trật tự ATGT tại địa bàn. Cơ quan quản lý giao thông đường thuỷ đã tăng cường đo dò, khảo sát tuyến luồng, thực hiện duy tu, bảo dưỡng các thiết bị bảo đảm ATGT đường thủy nội địa, giúp người điều khiển phương tiện vào ban đêm kịp thời phát hiện, xử lý các biến động về dòng chảy, bảo đảm an toàn. Trên tuyến kênh đã được cắm thêm 80 biển báo dọc tuyến tăng mật độ biển báo (23 báo hiệu/km) để chỉ dẫn, bảo vệ luồng chạy tàu, biến động dòng chảy, hướng dẫn cho các phương tiện đi lại thông suốt, góp phần giảm TNGT so với trước khi xây dựng mô hình. Tháng 4-2012, Ban ATGT xã Xuân Hồng (Xuân Trường) xây dựng mô hình “Bến đò văn hóa - an toàn” tại bến đò Cựa Gà. Đến nay, các lái đò, chủ đò đã nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và các quy định về hoạt động vận chuyển hành khách qua sông như: có giấy phép hoạt động, đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo quy định; người điều khiển phương tiện có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; chở đúng số người, trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn, dụng cụ cứu sinh…

Từ hiệu quả của các mô hình điểm, hiện nay, ở các địa phương có tuyến giao thông đường thuỷ đều tích cực áp dụng các cách làm của các mô hình hiệu quả như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền văn hoá giao thông đường thuỷ, phổ biến pháp luật ATGT đường thuỷ; tuyên truyền các tiêu chí “Bến đò văn hoá - an toàn” tại các địa phương có bến đò, phà. Các huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật ATGT của các chủ đò ngang, người lái đò và người tham gia giao thông đường thuỷ. Phong trào xây dựng mô hình từng bước khắc phục tình trạng chở quá số người quy định, hoạt động quá thời gian cho phép... Nhờ vậy, trong năm 2012 và từ đầu năm 2013 đến nay trên địa bàn tỉnh ta không xảy ra TNGT đường thủy. Bên cạnh đó, phong trào còn huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân trong công tác tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa, đồng thời hình thành thói quen ứng xử có văn hóa, chấp hành pháp luật, góp phần phòng ngừa tai nạn, giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm ATGT đường thủy. Tháng 5-2013, Thành phố Nam Định đã triển khai xây dựng mô hình điểm “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên sông Đào. Tham gia mô hình có 12 xã, phường với 1.588 hộ dân; 26 cảng, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, chất đốt trên tổng chiều dài đường thủy là 9,5km, nhằm nâng cao nhận thức và khả năng xử lý tình huống khi xảy ra TNGT đường thủy; từng bước khắc phục, tiến tới xóa bỏ tình trạng neo đậu phương tiện không đúng nơi quy định dọc hai bờ sông Đào; không để tồn tại các “điểm đen” TNGT; kiềm chế tới mức thấp nhất  TNGT đường thủy.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” tiếp tục nhân rộng mô hình ra các địa phương có hệ thống giao thông đường thủy. Tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân khi tham gia giao thông đường thủy nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật giao thông đường thủy nội địa. Chủ động phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com