Thời gian qua, công tác thu gom rác thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn đã được các địa phương quan tâm đẩy mạnh, từng bước hạn chế tình trạng vứt rác thải tràn lan ra môi trường. Tuy nhiên, hoạt động thu gom rác thải ở nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, cần tập trung các giải pháp khắc phục.
Nhân viên Cty Vệ sinh môi trường Thị trấn Lâm (Ý Yên) thu gom rác thải sinh hoạt. |
Tại huyện Trực Ninh, từ năm 2008, công tác thu gom rác thải đã được triển khai ở một số xã, thị trấn. Tuy nhiên, đến nay toàn huyện mới thu gom được gần 50% lượng rác thải phát sinh và còn nhiều khó khăn trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Trước hết, kinh phí đầu tư hằng năm cho công tác bảo vệ môi trường của các xã, thị trấn còn thấp, chỉ khoảng 30 triệu đồng, không đủ cho xây dựng các mô hình thu gom rác thải. Mặt khác còn không ít hộ dân cố tình chây ỳ, không nộp phí thu gom rác thải. Trong khi phí thu gom rác thải còn quá thấp, số lượng rác thải ngày càng tăng nên các tổ thu gom rác thải mới chỉ thu gom được 90% lượng rác thải phát sinh hằng ngày. Tại Thị trấn Cổ Lễ, thời gian đầu HTX CP Môi trường Cổ Lễ sử dụng xe cải tiến và xe công nông thu gom, vận chuyển rác thải nên chỉ thực hiện được ở khu vực trung tâm và các cơ quan hành chính. Để bảo đảm thu gom cơ bản rác thải ở khu dân cư, HTX đã chủ động kêu gọi các cổ đông đóng góp kinh phí và được UBND huyện hỗ trợ 100 triệu đồng đầu tư mua xe ô tô loại 2,35 tấn để tăng năng lực chuyên chở nên đã mở rộng địa bàn thu gom rác. Đến nay, trung bình mỗi ngày thị trấn đã thu gom được 5-7 tấn, đạt khoảng 90% tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn... Tại xã Nam Mỹ (Nam Trực), thời gian qua tình trạng nhiều người dân vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường khá phổ biến. Trước tình trạng trên, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về những tác động nguy hại đến đời sống, sức khoẻ nhân dân do ô nhiễm môi trường trong nhân dân, đồng thời tham khảo cách tổ chức hoạt động thu gom rác thải của các địa phương khác. Đến tháng 11-2009, xã đã thành lập đội thu gom rác thải gồm 11 người trực tiếp đi thu gom, vận chuyển rác về các điểm tập kết. Lực lượng thu gom rác trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ dân nộp phí vệ sinh môi trường. Nhờ kiên trì làm tốt việc thu gom, tuyên truyền, vận động nên đến nay người dân đã hiểu và chấp hành tốt việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, tình trạng vứt rác thải tràn lan đã được khắc phục. Vệ sinh môi trường trên địa bàn xã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, mức trả công cho người thu gom rác mới có 730 nghìn đồng/người/tháng, còn thấp so với khối lượng và tính chất công việc. Không riêng ở xã Nam Mỹ mà hiện nay mức thu nhập dành cho lực lượng thu gom rác thải ở hầu hết các xã, thị trấn đều thấp, trong khi số lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng. Các ngành chức năng của tỉnh cần nghiên cứu điều chỉnh mức giá thu gom rác thải tại vùng nông thôn, đồng thời có cơ chế hỗ trợ các địa phương đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển rác thải phù hợp với điều kiện giao thông tại địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc nộp phí vệ sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm, góp phần tạo nguồn thu chi trả cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý