Tăng cường quản lý công tác nuôi dạy trẻ ở các nhóm, lớp mầm non tư thục

08:04, 18/04/2013

Khi có con đến độ tuổi đi nhà trẻ, các bậc phụ huynh đều mong muốn gửi con trong các cơ sở giáo dục công lập. Nhưng theo quy định ở các lớp mẫu giáo và các nhóm trẻ độc lập, đối với nhóm trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, cứ 3-4 trẻ phải có một cô giáo; nhóm trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi cứ 5-6 trẻ phải có một cô nuôi dạy. Như vậy, nếu nhận trẻ từ 3 tháng tuổi thì số lượng cô nuôi dạy trẻ và quy mô lớp học của các cơ sở giáo dục mầm non công lập sẽ tăng lên rất nhiều. Vì vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có trường mầm non công lập nào nhận trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi trong khi nhu cầu thực tế rất lớn.

Cô và trò Trường Mầm non tư thục Hoa Sữa (TP Nam Định) trong giờ lên lớp.
Cô và trò Trường Mầm non tư thục Hoa Sữa (TP Nam Định) trong giờ lên lớp.

Để khắc phục tình trạng này, Sở GD và ĐT khuyến khích việc xã hội hóa giáo dục phát triển các nhóm trẻ gia đình, xây dựng các trường mầm non tư thục. Hằng năm, ngành Giáo dục mầm non tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra các nhóm trẻ gia đình và cấp phép hoạt động cho những lớp, nhóm lớp có đủ điều kiện, đồng thời thường xuyên phổ biến các quy định của tỉnh, của ngành Giáo dục mầm non, huấn luyện cách thức nuôi dạy trẻ khoa học tại các gia đình, các nhóm lớp. Ngành Giáo dục mầm non tỉnh phân công giáo viên ở các trường mầm non công lập thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra các lớp, nhóm lớp, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi trường đứng chân. Những người lập nhóm trẻ gia đình phải đăng ký với chính quyền địa phương, đáp ứng các điều kiện như: nhà ở thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, nuôi dạy trẻ đúng khoa học và có các phương tiện cho trẻ vui chơi, sinh hoạt. Ngành GD và ĐT đã tổ chức các lớp huấn luyện ngắn hạn định kỳ cho đội ngũ cô nuôi dạy trẻ trong các nhóm, lớp mầm non tư thục những kiến thức cơ bản về nuôi dạy trẻ. Thực tế, có nhiều nhóm trẻ gia đình hoạt động khá tốt được cha mẹ các cháu tín nhiệm. Nhóm trẻ gia đình của bà Son ở phố Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) nhiều năm qua đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bậc phụ huynh. Các cháu gửi ở đây chủ yếu dưới 3 tuổi, nên bà chỉ nhận trông giữ 4-5 cháu để bảo đảm điều kiện nuôi dạy, sinh hoạt, chăm sóc. Gia đình cô Hương ở phố Phan Đình Phùng thường xuyên trông giữ 15-20 trẻ ở lứa tuổi từ 1,5 đến 4 tuổi. Trong căn nhà cao tầng rộng rãi, được sắp xếp có đủ lớp học, sân chơi, chỗ ăn, ngủ thoáng mát, vệ sinh, với nhiều trang thiết bị giáo dục, đồ chơi cho các cháu, gia đình hợp đồng với 2 cô giáo mầm non được đào tạo chính quy để cùng chăm sóc trẻ. Cô Hương cho biết, nhiều phụ huynh vì đặc thù công việc không thể đưa đón con theo thời gian quy định nên các cô luôn cố gắng, đảm bảo các điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng để cha mẹ các em yên tâm gửi con.

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của các nhóm, lớp trẻ tư thục như nhận trông trẻ còn ít tháng, thời gian gửi, đón con không cố định, giải tỏa áp lực cho các trường công lập trên địa bàn thành phố… Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở mầm non tư thục được cấp phép và hoạt động hiệu quả, vẫn còn những cơ sở hoạt động không có giấy phép, cơ sở vật chất không bảo đảm, chủ yếu trông giữ trẻ chứ không dạy. Theo quy định, các lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình do UBND các xã, phường, thị trấn cấp giấy phép hoạt động phải được phòng GD và ĐT thẩm định. Nhưng trên thực tế, nhiều cơ sở mầm non tư thục mở tự phát không được cấp phép hoạt động, không có sự quản lý của chính quyền địa phương và của ngành Giáo dục, không đáp ứng yêu cầu quy định về cơ sở vật chất phòng học, ăn, ngủ, chỗ vui chơi, đồ dùng dạy học nên không thể bảo đảm chất lượng nuôi dạy, sức khỏe và sự an toàn của trẻ cũng như nhu cầu phát triển của trẻ. Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn không kiểm soát hết các điểm trông giữ trẻ tự phát, nhất là các điểm nhỏ lẻ chỉ trông 3-7 cháu. Trong khi đó, nhiều điểm trông giữ trẻ không có chuyên môn, cách chăm sóc không khoa học.

Để các nhóm, lớp mầm non tư thục bảo đảm chất lượng nuôi dạy trẻ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các nhóm, lớp này, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Về lâu dài cần quan tâm phát triển ngành Giáo dục mầm non tăng số trường, lớp công lập, đáp ứng nhu cầu xã hội./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com