Tỉnh ta có 41,15km đường sắt đi qua địa bàn 20 xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên; đã hình thành 401 đường ngang qua đường sắt, trong đó có 43 đường hợp pháp, còn lại là các đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Ở nhiều đường ngang bất hợp pháp đã xảy ra các vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng, trở thành các “điểm đen” mất ATGT. Trong 3 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ TNGT đường sắt, làm 5 người chết đều ở các vị trí đường ngang dân sinh.
Anh Phạm Văn Hiền ở tổ dân phố Thịnh Lộc đang thực hiện nhiệm vụ cảnh giới tại đường ngang dân sinh qua đường sắt khu vực Cầu Lê, Thị trấn Mỹ Lộc. |
Trong năm 2012, ngành đường sắt và các đơn vị liên quan đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao công tác bảo đảm ATGT đường sắt đi qua địa bàn tỉnh như: Tổ chức rà soát, phát hiện các nguy cơ gây TNGT trên tuyến đường sắt; Tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống gần đường sắt chấp hành quy định pháp luật bảo đảm trật tự an toàn hành lang đường sắt; Vận động doanh nghiệp đường sắt và các tổ chức đầu tư kinh phí, tăng cường các biện pháp bảo đảm ATGT đường sắt; Xây dựng các đường gom dân sinh hợp pháp, an toàn... Trước thực trạng TNGT từ các đường ngang qua đường sắt bất hợp pháp, Ban ATGT tỉnh có Công văn số 2752/BATGT ngày 28-11-2012 chỉ đạo Ban ATGT các địa phương bố trí người cảnh giới tại các vị trí đặc biệt phức tạp, hay xảy ra tai nạn là Cầu Lê, Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) và đường vào thôn Dương Lai, xã Thành Lợi (Vụ Bản). Người làm nhiệm vụ cảnh giới sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng, với trách nhiệm thường xuyên túc trực tại vị trí cảnh báo, nhắc nhở người và phương tiện tham gia giao thông cảnh giác, giữ khoảng cách an toàn với đường sắt khi có tàu chạy qua; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật nếu xảy ra TNGT khi bỏ vị trí cảnh giới. Mặc dù được hỗ trợ kinh phí nhưng các địa phương vẫn khó tìm được người làm nhiệm vụ cảnh giới đường ngang qua đường sắt do mức thù lao thấp trong khi trách nhiệm ràng buộc lớn, thời gian làm việc căng thẳng. Việc ký hợp đồng với người thực hiện nhiệm vụ bị chậm trong nhiều tháng. Để khắc phục khó khăn này, Thị trấn Mỹ Lộc đã chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân cùng vào cuộc chung sức trong công tác bảo đảm ATGT, tăng mức thù lao cho người thực hiện nhiệm vụ cảnh giới, Ban ATGT huyện hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/tháng, UBND thị trấn hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/tháng, nâng mức tri trả cho người cảnh giới tại đường ngang qua đường sắt lên 3 triệu đồng/tháng. Đến đầu tháng 4-2013, anh Phạm Văn Hiền ở tổ dân phố Thịnh Lộc (Thị trấn Mỹ Lộc) đã nhận nhiệm vụ cảnh giới. Ở vị trí đường ngang vào thôn Dương Lai, xã Thành Lợi hiện vẫn chưa ký hợp đồng được.
Tình trạng phổ biến đường ngang dân sinh trái phép trên tuyến đường sắt ở tỉnh ta tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT đã tồn tại từ lâu. Qua thực tế áp dụng các biện pháp khắc phục ở một số đoạn như làm đường gom, xây hàng rào ngăn chặn nhà dân mở lối đi trực tiếp qua đường sắt tại khu vực xã Lộc Hoà (TP Nam Định); bố trí người cảnh giới…, hiệu quả đảm bảo ATGT đường sắt được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên những biện pháp này chưa được nhân rộng do khó khăn về cơ chế chính sách, quỹ đất làm đường gom, kinh phí nên ở hơn 300 đường ngang bất hợp pháp trên tuyến đường sắt qua tỉnh ta vẫn luôn thường trực nguy cơ mất ATGT. Do vậy cùng với việc chủ động bố trí người cảnh giới tại đường ngang qua đường sắt, ngành đường sắt và các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành quy định bảo đảm ATGT đường sắt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn hành lang đường sắt; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương làm đường gom ở các khu vực nhà dân làm sát đường sắt góp phần bảo đảm ATGT./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý