Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Nghĩa Hưng có 9.427 hội viên sinh hoạt tại 34 Hội cơ sở. Những năm qua, thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Hội CCB huyện đã thường xuyên tuyên truyền, vận động gia đình hội viên, phát huy tính sáng tạo, năng động tìm cách làm mới, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Hằng năm, Hội CCB huyện chỉ đạo các cấp hội cơ sở, khuyến khích hội viên phát huy các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Hội viên CCB Trần Thế Phiệt (người bên phải) ở Thị trấn Quỹ Nhất phát triển kinh tế gia đình từ cây cà chua. |
Hội CCB huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả để ứng dụng vào điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Hội CCB huyện đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện nhận ủy thác cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Năm 2012, thông qua 72 tổ tiết kiệm và vay vốn đã có 1.956 hội viên được vay với tổng số tiền 36 tỷ 728 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn quỹ Hội do hội viên đóng góp cũng đã giúp cho nhiều hội viên vay để phát triển kinh tế. Từ sự hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn, kiến thức của các cấp Hội, nhiều mô hình CCB làm kinh tế giỏi đã xuất hiện. Tiêu biểu như mô hình “trồng cây gây vốn” của Hội CCB các xã: Nghĩa Phúc, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong, Thị trấn Rạng Đông vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa mang lại giá trị kinh tế. Nhiều cán bộ, hội viên đã năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 12 doanh nghiệp và hơn 100 trang trại, gia trại do hội viên CCB làm chủ hoạt động có hiệu quả. Điển hình như Cty TNHH 27-7 xã Nghĩa Thành chuyên sản xuất gạch tuynel và kinh doanh vật liệu xây dựng do CCB Đỗ Viết Hưng cùng 4 CCB đứng ra thành lập. Cty đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 50 lao động địa phương, trong đó phần lớn là hội viên CCB và cựu quân nhân với mức thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng; mô hình trồng hoa, cây cảnh của các ông Nguyễn Hải Hồ, Nguyễn Văn Năm và Trần Văn Thiệp ở xã Nghĩa Lạc với thu nhập từ 150-170 triệu đồng/năm. Mô hình trồng cà chua trên đất hai lúa của hội viên Trần Thế Phiệt ở Thị trấn Quỹ Nhất với mức thu nhập cao đã thúc đẩy phong trào thâm canh tăng vụ ở địa phương. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng cà chua trên đất hai lúa, ông Phiệt luôn nhiệt tình hướng dẫn các hội viên CCB và người dân kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây cà chua. Hiện tại, gia đình ông đang trồng 1,2 mẫu cà chua, mỗi vụ cho thu nhập từ 100-120 triệu đồng. Ông Phiệt cho biết, cà chua là cây vụ đông mang lại giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa từ 5-7 lần, thời gian canh tác ngắn (hơn 2 tháng), nếu chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch từ 2-2,3 tấn/sào.
Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Hội CCB Nghĩa Hưng trong việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống vật chất của hội viên. Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, Hội CCB huyện còn tích cực vận động hội viên tham gia các hoạt động tình nghĩa như: đóng góp, ủng hộ 128 triệu đồng xây dựng, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ; ủng hộ Quỹ Vì Trường Sa thân yêu hơn 34 triệu đồng; ủng hộ Quỹ Vì người nghèo 37 triệu đồng; Quỹ Khuyến học, khuyến tài hơn 35 triệu đồng…
Phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động tại cơ sở, Hội CCB huyện Nghĩa Hưng vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào thi đua yêu nước, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Thứ