Trước hết, ai cũng biết tuổi già là một quy luật, trẻ mãi rồi ai cũng phải già! Nhưng nhận định về tuổi già như thế nào, thì không phải ai cũng giống ai.
Nhiều người than phiền: sinh, lão, bệnh, tử! Hồ Xuân Hương viết "Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi/ Cái già xồng xộc nó thì theo sau!". Còn Nguyễn Công Trứ trong bài "Than già" thì viết:
"Năm nảo năm nào hãy còn ngây
Sầm sập già đâu đã đến ngay
Mái tóc phần sâu phần lốm đốm
Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay
Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ
Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say…"
Rồi những câu cửa miệng như "lão lai tài tận", "Lực bất tòng tâm "… làm cho người già càng an phận thủ thường, đôi khi bi quan với tuổi già của mình. Tuổi trẻ như ngọn lửa bốc lên cao, tuổi già như ngọn nước chảy xuống! Nói về nỗi buồn của người già, một bác sĩ đã viết: Người già có 3 nỗi buồn:
1- Thiếu bạn: Ông nói đúng, vì mình già thì bạn bè của mình cũng đã già. Mình không đi được thì bạn bè của mình cũng không đi được. Nhiều khi quanh quẩn trong khu nhà rộng của mình mà buồn. Rồi nhớ bạn cũng cố đi, như Nguyễn Công Trứ đã viết một cách trào lộng:
"Tao ở nhà tao, tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi bảo rằng không đến
Đến thì mi bảo đến làm chi ?"
2- Thiếu ăn: Không phải không có để ăn, nhưng có, nhiều khi cũng không ăn được. Nhiều thứ bệnh phải ăn kiêng, tiểu đường, mỡ máu, rồi bệnh gút… Người già cần ăn nhiều hoa quả, nhưng hoa quả lại sợ thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản.
3- Thiếu vận động: Đi bộ là tốt nhưng ra đường thì vỉa hè bán hàng chật chội, khối người đi bộ đã bị xe cán chết hoặc bị thương tật. Có cụ đã làm thơ: "Hễ trời mà áp thấp/ Thì mình huyết áp cao/ Cái chân già thì đau/ Cái tay già thì mỏi/ Thuốc thang uống chẳng khỏi/ Đành chung sống hoà bình…".
Tuy vậy lại có rất nhiều người nhìn tuổi già với con mắt lạc quan. Họ gọi tuổi già là tuổi vàng của nhân loại. Một xã hội có nhiều người cao tuổi, có nhiều người sống lâu, tuy có nhiều thách thức, nhưng là một xã hội văn minh. Tuổi già là hạnh phúc, vì có phải ai cũng sống được đến tuổi già đâu?
Trong tiếng Anh "Old" là già, cũng có nghĩa là cũ, mà cũ kỹ là không còn đẹp nữa. Nhưng trong tiếng Việt của chúng ta, chữ già còn được hiểu thêm với cái nghĩa rất đẹp là già dặn, từng trải, nhiều kinh nghiệm.
Nhà văn hoá Vũ Khiêu viết: Thời xưa tuổi 70 không những hiếm mà còn cực kỳ hiếm. Ở những thời kỳ mà tuổi thọ trung bình chỉ có trên dưới 30, thì mới có 40 tuổi người ta đã làm lễ mừng thọ "tứ tuần đại khánh" rồi. Cao Bá Quát hồi 30 tuổi cũng coi mình là già, ông đã viết câu thơ "Ngã lão hỷ". Vũ Hoàng Chương khi 30 tuổi cũng tự hỏi "Đời ba mươi tuổi xuân còn hết!".
Ảnh minh họa: Internet |
Theo nhiều nhà nghiên cứu thì một trong những nguyên nhân đã khiến cho loài người "bò chậm chạp" suốt hàng vạn năm lịch sử mông muội và trì trệ chính là vì không có người già. Theo giáo sư Vũ Khiêu thì người già đóng một vai trò quan trọng trong sự bảo tồn và phát triển của xã hội, họ truyền lại những kinh nghiệm, những vốn sống cho các thế hệ sau và duy trì tính liên tục phát triển của lịch sử nhân loại. Và ông đã nói một câu rất hay, đầy hình ảnh: "Người già trở thành một gạch nối giữa quá khứ và tương lai, là người đem ngọn đuốc văn hoá của thế hệ trước trao lại cho thế hệ sau".
*
Có phải lạc quan quá không, khi có người lại cho rằng tuổi già hạnh phúc chẳng kém gì tuổi trẻ. Thậm chí có tác giả còn cho rằng, con người hạnh phúc nhất ở tuổi 80. Nhiều người cho rằng, hạnh phúc của người già càng tăng khi giữ được sức khoẻ tốt, thu nhập ổn định và nhất là có mối quan hệ tốt trong gia đình và bè bạn.
Có thể có nhiều ý kiến khác nhau, song có một điều chắc chắn mà người già ở nước nào cũng công nhận, đó là tinh thần chứ không phải sức khoẻ quyết định phần lớn đến cảm giác hạnh phúc ở người cao tuổi. Nhiều người khoẻ mạnh nhưng không cảm thấy hạnh phúc. Khoẻ mạnh và hạnh phúc thực sự là một khái niệm tinh thần rất rộng. Ở đây chúng ta cần đọc lại định nghĩa về sức khoẻ của Tổ chức Y tế thế giới: "Sức khoẻ là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không hẳn chỉ là một tình trạng không có tật bệnh".
Người già không nên bi quan, "ngồi buồn mà trách ông xanh" mà còn phải biết sống lạc quan, biết phát huy tiềm năng và vốn quý tri thức, cùng những kinh nghiệm đã tích luỹ được trong cuộc đời của mình, để đóng góp cho con cháu, cho xã hội.
Người cao tuổi rất cần một cuộc sống tinh thần ổn định. Và xã hội cũng cần phải chăm sóc người cao tuổi về cả tinh thần và vật chất. Đó vừa là truyền thống trọng lão, vừa là trách nhiệm của các thế hệ nối tiếp.
Một lần Khổng Tử hỏi học trò:
- Đối với cha mẹ già thì phải như thế nào? Học trò thưa:
- Con cái phải nuôi bố mẹ. Khổng Tử nói:
- Nếu chỉ nuôi thôi thì chưa đủ! Bổn phận làm con còn phải làm sao cho cha mẹ được bình an và hạnh phúc nữa.
Đó cũng chính là quan niệm của chúng ta về chữ hiếu. Ngày nay, chữ hiếu được mở rộng thành trung với nước, hiếu với dân. Nhưng một người đã không hiếu được với cha mẹ, thì làm sao có thể hiếu với dân được.
*
Hiện nay ở nước ta, ở đâu cũng có CLB của những người cao tuổi. Đó chính là những tổ chức tự nguyện, góp phần nâng cao đời sống sức khoẻ và tinh thần của người cao tuổi: tập thể dục, dưỡng sinh, chơi những môn thể thao thích hợp, đọc sách báo, nghe nói chuyện thời sự, văn học nghệ thuật, đi tham quan du lịch... Và đặc biệt là ở đâu có CLB người cao tuổi là ở đó có CLB thơ.
Việt Nam là một đất nước của thơ ca. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: "Ta yêu Việt Nam đẹp, Việt Nam thơ/ Bát ngát câu Kiều, bờ tre mái rạ". Thơ là tiếng nói tươi trẻ của đời sống, gắn bó con người với thiên nhiên, với đời sống, với hiện thực của đất nước. Các Mác đã từng nói rằng: "Thơ ca là niềm vui mà con người ban tặng cho chính mình". Thơ không nuôi sống được con người, nhưng thơ ca làm phong phú đời sống của con người. Nhà thơ Tế Hanh đã viết: "Cùng sữa mẹ câu ca dao mộc mạc/ Đã nuôi tôi khôn lớn đến nhà trường".
Có thể nói thơ ca làm cho người cao tuổi trẻ lại, yêu đời hơn, yêu cuộc sống hơn, góp phần làm cho tuổi già trở thành tuổi vàng của nhân loại!
Bùi Công Bính