Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:03, 18/03/2013

Tham gia thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, HND huyện Giao Thủy tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, từ đó triển khai xây dựng các mô hình dạy nghề phù hợp với nguyện vọng của nông dân. Năm 2012, HND huyện đã tổ chức được 3 lớp dạy nghề thu hút trên 100 hội viên nông dân tham gia. Bên cạnh việc tiếp tục khôi phục và mở rộng một số ngành nghề có thế mạnh ở địa phương, huyện đưa thêm một số nghề mới vào đào tạo. Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, các ngành nghề đào tạo khá đa dạng. Đối với các xã đông dân, diện tích đất nông nghiệp ít như Giao Tân, Giao Châu, Hồng Thuận thì đào tạo nghề may, móc sợi, thêu ren, các xã ven biển thì tổ chức các lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, do số dự án giải quyết việc làm còn quá ít, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn nên hiện tại huyện Giao Thủy mới chỉ có trên 10% lao động được học nghề. Vì vậy, để được tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, bên cạnh việc xét nguyện vọng, trước hết địa phương ưu tiên cho các hộ diện chính sách, sau đó mới đến các đối tượng khác. Do nằm trong Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên khi tham gia các lớp học nghề, học viên không phải đóng học phí, lao động thuộc diện chính sách được hỗ trợ mỗi ngày học 15 nghìn đồng, người ở cách nơi học nghề từ 15km trở lên được hỗ trợ 200 nghìn đồng một khóa học.

Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với cơ sở may của chị Mai Thị Tuyến, xóm Trình, xã Trung Thành (Vụ Bản) dạy nghề may cho hội viên nông dân.
Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với cơ sở may của chị Mai Thị Tuyến, xóm Trình, xã Trung Thành (Vụ Bản) dạy nghề may cho hội viên nông dân.

Ở huyện Vụ Bản, nhu cầu học nghề của hội viên HND cũng rất đa dạng, trong đó tập trung vào các nghề: may công nghiệp, nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản nước ngọt, mộc mỹ nghệ, cơ khí, gò hàn… Phát huy vai trò của tổ chức Hội, các cấp HND trong huyện đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các trung tâm dạy nghề để có biện pháp hỗ trợ nông dân học nghề. Đồng chí Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch HND huyện Vụ Bản cho biết: Các cấp HND trong huyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia học nghề. Tham gia các lớp học nghề, nhiều hội viên nông dân trong huyện đã tiếp thu được kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Trong chăn nuôi, người nông dân đã nắm được quy trình chăm sóc, phòng trừ các loại dịch bệnh thường xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Trong trồng trọt, đã biết lựa chọn các giống cây tốt, chất lượng cao, nắm vững quy trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng. Sau hơn hai năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, các cấp HND trong tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 161 lớp dạy nghề miễn phí cho 5.530 lao động; tỷ lệ người học có việc làm sau đào tạo đạt 90%. Tổng số các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 30.200 lao động nông thôn, tăng 2,3% so với kế hoạch, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 36,5%, tăng 0,2% so với năm 2011 (trong đó hệ cao đẳng nghề 5.000 người, trung cấp nghề 7.000 người, sơ cấp nghề 18.200 người). Ngoài ra, năm 2012, đã có trên 12 nghìn lượt hội viên nông dân được tư vấn, giới thiệu học nghề.

Tỉnh ta có trên 70% lao động là nông dân nên yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế theo hướng CNH-HĐH là vấn đề cấp thiết. Năm 2013, tỉnh ta phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 30.500 lượt người, trong đó xuất khẩu lao động 2.000 người. Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ở góc độ HND, đồng chí Tô Xuân Hiệp, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) cho rằng, các cấp HND trong tỉnh cần liên kết chặt chẽ với cơ sở đào tạo nghề để xác định ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Cụ thể, các hoạt động dạy nghề cho nông dân cần tập trung vào việc nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề để nông dân thích nghi và hoà nhập với cơ chế thị trường, tăng hiệu quả lao động và tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề cần có kế hoạch khảo sát thị trường lao động, nắm bắt kịp thời thông tin lao động theo từng nghề để có cơ sở tư vấn, định hướng kịp thời cho người lao động chọn đúng nghề để học hoặc tự tạo được việc làm ổn định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người lao động không phát huy được hiệu quả học nghề, gây lãng phí thời gian, công sức và kinh phí của Nhà nước./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com