Chăm sóc và phát huy tiềm năng của người cao tuổi

09:03, 01/03/2013

Trong thời đại ngày nay, tuổi thọ trung bình của nhân dân thế giới ngày càng tăng lên. Đây là một trong những thành tựu vĩ đại của loài người. Nhờ kế hoạch hoá gia đình, tỷ lệ sinh ngày càng giảm, tuổi thọ ngày càng cao, vì thế số người cao tuổi ngày càng đông và tuổi già đã trở thành một vấn đề lớn của toàn cầu.

Với tầm nhìn thế giới, và thể hiện mối quan tâm sâu sắc của cộng đồng nhân loại, năm 1990, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã quyết định lấy ngày 1-10 hằng năm làm “Ngày Quốc tế người cao tuổi”. Và sự kiện này đã bắt đầu được tổ chức trên toàn thế giới từ năm 1991.

Tháng 4-2002, tại Ma-đơ-rít, Tây Ban Nha, Liên hiệp quốc lại tổ chức “Hội nghị quốc tế về người cao tuổi”. Với hơn 5.000 đại biểu của các nước và các tổ chức quốc tế, hội nghị đã ra tuyên bố chính trị, nhấn mạnh:

“Tiềm năng của người cao tuổi là cơ sở vững chắc cho sự phát triển tương lai. Điều đó làm cho xã hội có thể tin cậy vào các kỹ năng, kinh nghiệm và trí tuệ ngày càng tăng của người cao tuổi, không chỉ giúp họ có cuộc sống tốt hơn mà còn tham gia tích cực vào việc nâng cao cuộc sống của toàn xã hội. Tất cả các quốc gia phải mở rộng các cơ hội, đặc biệt là cơ hội cho người cao tuổi thực hiện được tiềm năng sẵn có để tham gia vào tất cả các mặt của đời sống xã hội”.

*

Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, năm 1941 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về Pác Bó, Cao Bằng. Tháng 6 năm đó, Bác đã gửi thư cho các vị phụ lão trong cả nước. Người viết:

“Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”.

Thể dục dưỡng sinh, môn thể thao được nhiều người cao tuổi tham gia tập luyện. Ảnh: Internet
Thể dục dưỡng sinh, môn thể thao được nhiều người cao tuổi tham gia tập luyện. Ảnh: Internet

Sau khi nêu lên những dẫn chứng trong lịch sử nước nhà, Người viết tiếp:

“Những hành động nghĩa cử cứu nước từ trước đến nay đều do các vị phụ lão đương thời gây dựng nên, vun đắp nên, nhuần tưới nên. Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc. Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, vung gậy trúc để đánh vào bọn hung ác. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với hàng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”.

Ngày 21-9-1945, Bác Hồ lại gửi thư cho các cụ phụ lão:

Thưa các cụ!

Đây tôi lấy danh nghĩa là một người già, mà nói chuyện với các cụ. Tục ngữ có câu: “Lão lai tài tận”, nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa. Mà thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì các cụ đều nói: “Lão giả an chi” (người già nên ở yên). Thôi mình tuổi hạc ngày càng cao, không bay nhảy được gì nữa! Việc đời để cho con cháu bầy trẻ làm. Chúng ta đã gần đất xa trời rồi, không cần hoạt động nữa!

Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không. Con cháu ta, thanh niên sức khoẻ thì gánh việc nặng, chúng ta già cả không làm được công việc nặng nề thì khua gậy đi trước, để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ. Chúng ta là bậc phụ lão cần phải đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta.

Như vậy là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn đánh giá cao vai trò của các cụ phụ lão và Người luôn luôn phát huy tiềm năng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ thường nói:

“Tuổi già nhưng chí không già Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”

Và thực tế đã chứng minh điều đó, trong lịch sử giữ gìn, xây dựng và phát triển của dân tộc, người cao tuổi Việt Nam có một vị trí đặc biệt. Lớp người cao tuổi ở nước ta hiện nay là lớp người có công sinh thành, nuôi dạy con cháu, hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ, phát triển giống nòi, giáo dục lý tưởng và truyền thống văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, là lớp người tiêu biểu đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lớp người đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý về nhiều mặt, có uy tín, có vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội. Số lượng người cao tuổi ngày càng đông, với chất lượng ngày càng cao là một bộ phận hợp thành nguồn lực nội sinh quý giá của dân tộc.

Tôn vinh, chăm sóc người cao tuổi và phát huy vai trò, khả năng người cao tuổi vừa là sự kế thừa đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính lão trọng thọ”, vừa là thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta, thể hiện tư tưởng của Đảng ta về phát huy mọi nguồn lực nội sinh của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng ta đã khẳng định: Chưa bao giờ lực lượng người cao tuổi nước ta lại đông đảo như hiện nay. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tự hào về lớp người cao tuổi nước ta. Với uy tín cao, sự mẫu mực về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống, cùng vốn trí thức, kinh nghiệm, kỹ năng lao động và nghiệp vụ phong phú, đa dạng của mình, người cao tuổi Việt Nam thật sự là một bộ phận hợp thành nguồn lực nội sinh quý giá của dân tộc. Chúng ta trân trọng bồi dưỡng và phát huy nguồn nội lực ấy.

Được xã hội tin tưởng, kính trọng và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người cao tuổi Việt Nam đã và đang phấn đấu làm tốt vai trò của các bậc cao niên. Trong phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” đã xuất hiện hàng ngàn tấm gương tiêu biểu. Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, những người cao tuổi luôn gương mẫu đi đầu, vận động con cháu và nhân dân thực hiện. Trong gia đình, người cao tuổi luôn giữ gìn gia phong, dạy bảo con cháu chăm chỉ học hành, sống hoà thuận yêu thương, kính trên nhường dưới. Nhiều người cao tuổi còn trở thành những người sản xuất giỏi. Có thể nói trong xã hội Việt Nam xưa và nay, “Tuổi tác” có một ý nghĩa quan trọng, và tuổi già có một giá trị xã hội đặc biệt.

Những người cao tuổi Việt Nam hãy mãi mãi xứng đáng với 18 chữ vàng mà Trung ương Đảng đã tặng cho Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”./.

Hải Bình



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com