Với đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV), tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc không chỉ để bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn hướng tới giá trị nhân văn vì cộng đồng. Khi khỏe mạnh, phần đóng góp của mình sẽ giúp đỡ những người bạn không may ốm đau, gặp tai nạn. Còn khi bản thân gặp rủi ro, phần đóng góp chung của số đông sẽ chia sẻ cho mình.
Những năm gần đây, BHYT đã mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia trong việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Từ ngày 1-1-2010, Luật BHYT đã quy định, HSSV từ đối tượng tự nguyện chuyển sang đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT. Như vậy, năm học 2012-2013 cũng đánh dấu năm thứ ba, hàng chục triệu HSSV trên cả nước đã tham gia BHYT bắt buộc.
Tham gia BHYT học đường không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang ý nghĩa an sinh xã hội sâu sắc. Ảnh: Internet |
Từ nhiều năm trước, BHYT là khoản tự nguyện với đối tượng HSSV, mức cố định thấp nhất là 50 nghìn đồng/người/năm và có tính đến yếu tố khác biệt, chênh lệch vùng miền. Từ năm 2010, theo quy định của Luật BHYT, HSSV trở thành nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT như công nhân viên chức Nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân trong những năm tới.
Theo quy định, HSSV phải đóng mức BHYT bằng 3% mức lương tối thiểu hiện hành trong 12 tháng. Trong số đó, HSSV phải nộp 70% và Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Đối tượng quy định phải thu BHYT bắt buộc là HSSV đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn (trừ các trường hợp HSSV thuộc các nhóm đối tượng: người nghèo, cận nghèo; người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; thân nhân người có công cách mạng; thân nhân sĩ quan, binh sĩ quân đội, công an, cơ yếu, bảo trợ xã hội đã được cấp thẻ BHYT bắt buộc tại địa phương). Cũng theo quy định, nếu HSSV tham gia BHYT gặp rủi ro, tai nạn, bệnh tật hay khi khám, chữa bệnh sẽ được cơ quan bảo hiểm chi trả 80% (cho cả hai loại hình điều trị nội trú và ngoại trú). Nhưng nếu chọn khám, chữa bệnh tại tuyến dưới (xã, phường...), hoặc trong trường hợp tổng chi phí của một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu thì được thanh toán toàn bộ 100%. Với thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục nhưng đã được phép lưu hành tại Việt Nam theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh (với điều kiện đã tham gia BHYT liên tục đủ 36 tháng trở lên), bệnh nhân được chi trả 50%.
Căn cứ Luật BHYT, đối tượng HSSV được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường; được khám chữa, sơ cứu, cấp cứu khi bị tai nạn, ốm đau tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và được chuyển lên các tuyến trên có chuyên môn kỹ thuật cao hơn, khi bệnh tật tiến triển vượt quá khả năng xử lý của cấp dưới.
Đầu năm học, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các địa phương tích cực chủ động phối hợp các cấp, các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền vận động để 100% số học sinh trên địa bàn tham gia BHYT. Để đạt được mục tiêu, các cấp, các ngành mà nòng cốt là ngành giáo dục và đào tạo cần phải vào cuộc với quyết tâm rất cao, trong cả khâu tuyên truyền lẫn vận động. Điều này không chỉ tạo sự bình đẳng trong HSSV, mà bản thân nhà trường cũng được hưởng lợi. Bởi theo quy định, trường sẽ được trích lại từ quỹ khám, chữa bệnh của HSSV 12% để dành cho hoạt động y tế học đường, một đặc điểm riêng chỉ có ở BHYT học sinh đã được cụ thể hóa trong Luật BHYT. Nếu tất cả HSSV đều tham gia BHYT đầy đủ theo quy định, cộng thêm nguồn hỗ trợ từ ngân sách, kinh phí thu được ước tính khoảng 3.300 tỷ đồng, số được trích lại cho mỗi năm học ước khoảng 350 tỷ đồng. Đây là khoản rất đáng kể để thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường cho học sinh và triển khai các chương trình y tế học đường khác như mắt học đường, nha học đường... nhằm phòng, chống và giảm tỷ lệ cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng...
Vì thế, tham gia BHYT học đường không đơn thuần là ý nghĩa về lợi ích kinh tế mà còn mang ý nghĩa an sinh xã hội sâu sắc, nhằm bảo đảm sức khỏe cho đối tượng HSSV mỗi ngày cắp sách tới trường. Tham gia BHYT là tăng cường giáo dục ý thức với cộng đồng của HSSV, để hướng tới nếp sống đẹp đậm chất nhân văn "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"./.
Theo: nhandan.com.vn