Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành với 1.502 cơ sở thờ tự, trong đó có 838 ngôi chùa và 663 nhà thờ đạo cùng 723.051 tín đồ, 1.036 chức sắc tôn giáo. Những năm qua, các chức sắc và đồng bào các tôn giáo trong tỉnh luôn chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo; đoàn kết, tương trợ nhau trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
Đạt được kết quả trên, công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Hằng năm, Sở Nội vụ phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo cấp huyện; cán bộ Đảng, chính quyền, cán bộ công chức làm công tác an ninh, dân vận, mặt trận và quản lý Nhà nước về tôn giáo; lãnh đạo các hội, đoàn thể của các xã, phường, thị trấn. Nội dung tập huấn gồm: Các chính sách và quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo hiện nay; Đạo Phật và công tác quản lý Nhà nước về đạo Phật; Đạo Thiên chúa và công tác quản lý Nhà nước về đạo Thiên chúa và các đạo khác; Công tác vận động quần chúng tôn giáo của MTTQ các cấp; Chống âm mưu địch lợi dụng tôn giáo và tình hình tôn giáo, quản lý Nhà nước về tôn giáo ở địa phương. Từ năm 2008 đến nay, Sở Nội vụ đã tổ chức 29 lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo cho gần 8.000 lượt cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo cấp huyện, cán bộ cấp ủy, chính quyền, cán bộ làm công tác an ninh, dân vận, mặt trận và quản lý Nhà nước về tôn giáo, cán bộ các hội, đoàn thể của các xã, phường, thị trấn; cử 17 lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng cập nhật thông tin do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức. Nhờ được tập huấn các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo nên nhận thức của cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo cho các chức sắc tôn giáo, tín đồ các tôn giáo và nhân dân.
Cùng với công tác củng cố kiện toàn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, Sở Nội vụ chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho chức việc và tín đồ các tôn giáo; mở các lớp giáo dục kiến thức quốc phòng cho chức sắc các tôn giáo. Hằng năm, Sở Nội vụ tổ chức từ 5 đến 7 lớp, mỗi lớp học từ 2 đến 7 ngày cho hàng nghìn lượt chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo. Ở những địa phương có đông đồng bào tôn giáo như các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, mỗi năm Sở Nội vụ đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức từ 2-3 hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho hàng trăm lượt chức việc và tín đồ tôn giáo. Riêng năm 2012, Sở Nội vụ đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật về tôn giáo, trong đó tập trung phổ biến những nội dung cơ bản về quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo trong giai đoạn hiện nay, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo cho lãnh đạo Hội LHPN của 10 huyện, thành phố và 350 cán bộ, hội viên phụ nữ của 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Từ đó, đội ngũ cán bộ Hội LHPN từ huyện đến cơ sở sẽ là hạt nhân tuyên truyền chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đến hội viên và nhân dân. Bên cạnh đó, hằng quý, Sở Nội vụ và đội ngũ làm công tác tôn giáo các cấp trong tỉnh tổ chức giao ban với các chức sắc của các tổ chức tôn giáo để kết hợp tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, tạo điều kiện cho các chức sắc tôn giáo hiểu rõ tình hình và tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, MTTQ để động viên đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới, thực hiện tốt các sinh hoạt tôn giáo trong phạm vi pháp luật. Cũng thông qua giao ban, cán bộ làm công tác tôn giáo nắm chắc tình hình hoạt động của các tôn giáo ở cơ sở, để từ đó phối hợp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề tôn giáo mới phát sinh. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo để trao đổi, giải quyết những vấn đề về tôn giáo đang quan tâm, đồng thời thông qua đó để tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về những việc cụ thể để chức sắc, chức việc và các tín đồ hiểu, thực hiện. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và kiến thức pháp luật Nhà nước về tôn giáo tới chức sắc, tín đồ tôn giáo được thực hiện thông qua việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng nông thôn mới, các phong trào từ thiện xã hội, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội… Qua các phong trào, các cuộc vận động do chính quyền và các đoàn thể phát động, các chức sắc và tín đồ tôn giáo đã tích cực hưởng ứng với những hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.
Với việc đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Trần Văn Trọng