Cùng với sản xuất nông nghiệp, xã Phương Định (Trực Ninh) có 2 làng nghề truyền thống là làng dệt Cự Trữ và làng nghề ươm tơ Cổ Chất thường xuyên thu hút trên 2.000 lao động. Sản xuất phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng do nhận thức và ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh môi trường, an toàn lao động còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước tại địa phương.
Cán bộ xã Phương Định chuẩn bị nội dung tuyên truyền pháp luật tới nhân dân. |
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ cho nhân dân, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo Ban Tư pháp xã phối hợp với MTTQ và các đoàn thể trong xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho nhân dân, đặc biệt là các hộ dân ở các làng nghề truyền thống. Ban Tư pháp phối hợp với Ban công tác Mặt trận các thôn, xóm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức như: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã...; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật tại các lớp dạy nghề, các cuộc họp, sinh hoạt ở khu dân cư. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật mới của Đảng và Nhà nước; lồng ghép những dẫn chứng cụ thể về tình hình vi phạm pháp luật từ thực tế sản xuất tại địa phương, đồng thời qua đó giải đáp những ý kiến thắc mắc của công dân liên quan đến các quy định của pháp luật về lao động, bảo vệ môi trường. Các thành viên trong Ban công tác Mặt trận các thôn, xóm tích cực giám sát việc thực hiện pháp luật, lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các lớp dạy nghề cho nhân dân. Ngoài ra, UBND xã đã trang bị 50 loa truyền thanh tại trung tâm của 25 thôn, xóm, đảm bảo việc tiếp sóng, phát tin, giới thiệu những văn bản pháp luật mới và các quy định của xã về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội... Trong năm 2012, xã đã tổ chức 210 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thu hút 6.000 lượt người tham dự. Ban công tác Mặt trận các khu dân cư đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết về đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, không tàng trữ, sử dụng và buôn bán các loại pháo nổ và đã thu hút 100% số hộ tham gia. Tại làng dệt Cự Trữ, những năm gần đây do ký được nhiều hợp đồng dệt khăn bông, gạc y tế cho các cơ sở y tế trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, nhiều hộ đã mở rộng sản xuất. Làng dệt thường xuyên có gần 1.000 máy dệt với trên 1.500 lao động tham gia sản xuất tại gia đình trong khu dân cư, nên tình trạng rác và nước thải phát sinh với số lượng lớn, gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai. Cán bộ tư pháp xã đã phối hợp với các đoàn thể của thôn đến từng hộ sản xuất tuyên truyền, phát tài liệu về việc thực hiện thu gom rác thải công nghiệp, vệ sinh môi trường theo quy định để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, đồng thời vận động các hộ dân tham gia giữ gìn môi trường, hướng tới xây dựng làng nghề phát triển bền vững. Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường với các phong trào của địa phương; đưa vào quy ước xây dựng nếp sống văn hóa của các thôn, xóm, từ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các hộ dân trong làng nghề. Ông Bùi Việt Đức, một hộ dân của làng nghề cho biết: "Do tập quán sản xuất cũ nên những hộ dân làm nghề ít có điều kiện tiếp cận pháp luật, chưa hiểu được yêu cầu sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường và các quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh nên ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh môi trường còn hạn chế. Được Đảng ủy, UBND xã và các ngành, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động nên các hộ dân trong làng đã nâng cao nhận thức về tác hại do ô nhiễm môi trường và không tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại trực tiếp đến sức khoẻ của người lao động, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng".
Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xã Phương Định đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật của nhân dân. Môi trường làng nghề được cải thiện, đại bộ phận nhân dân đã có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, các hành vi vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội giảm so với năm 2011. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân yên tâm, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng