Những “lộn xộn” trong gia đình hiện đại

05:01, 26/01/2013

Chịu khó quan sát, chúng ta sẽ thấy những cặp vợ chồng trẻ thời nay đã biết “đổi mới” trong cách chăm sóc dạy dỗ con theo hướng “dân chủ” hơn, bình đẳng hơn với con cái. Điều đó khó có ở những gia đình mà bố mẹ có một thời thụ hưởng nền giáo dục cũ: Nền nếp, nhưng áp đặt, cứng nhắc và thiếu sáng tạo. Nhưng trong cái mới có không ít những điều cười ra nước mắt...

Trẻ em cần có điểm tựa là mái ấm gia đình hạnh phúc. Ảnh: Internet
Trẻ em cần có điểm tựa là mái ấm gia đình hạnh phúc. Ảnh: Internet

Thứ nhất, những ông bố bà mẹ trẻ đã phát huy được ít nhiều tính cách mà mình có lúc bé, đó là thích tự do, thích lựa chọn những điều mình yêu thích. Ví dụ như họ biết tạo ra không khí dân chủ bằng cách hỏi các con hôm nay muốn ăn món gì? Hôm nay con thích mặc bộ đồ nào? Tất nhiên “dân chủ” quá, đôi khi họ cũng gặp phải những rắc rối, lộn xộn, khi các con đi quá sự tự do trong những quyết định của mình. Do quá nuông chiều con, để các con tự do trong vui chơi sinh hoạt, gia đình hàng xóm của tôi đã phải nhiều lần la lối về việc lộn xộn trong giờ giấc của con. Đêm khuya lắm rồi mà các con vẫn còn dán mắt vào TV. Giục đi ngủ thì chúng bỏ ngoài tai. Hậu quả là sáng ra không bé nào dậy đi học đúng giờ phải để bố quát tháo ầm ĩ. Còn với cô bé học lớp hai, trời lạnh thế mà không thích mặc áo len. Để đến lúc bị ho do sưng phổi phải đi cấp cứu, lúc đó bố mẹ mới thấy hậu quả của việc quá tin vào sự lựa chọn của con. Trong ứng xử cũng có những bất cập. Hôm ấy nhà có khách là người ông họ từ quê lên chơi. Trong câu chuyện gia đình đang vui vẻ, người ông họ bỗng hết sức kinh ngạc khi thằng bé góp chuyện một cách rất “hùng hồn” khi ông khen vợ chồng trẻ mà rất đầm ấm, hòa thuận, cùng nhau nội trợ, chăm con…: “Ông ơi! Bố cháu ứ làm gì hết. Chỉ mẹ cháu thôi”! Người ông họ bảo: “Thế là không được. Lần sau cháu không nên góp chuyện người lớn nhé! Cháu đi chơi để ông với bố mẹ cháu nói chuyện…”.

Thứ hai, sự nền nếp vốn có trong những gia đình truyền thống như những trật tự trong ứng xử, kính trên nhường dưới, đi thưa về chào… khiến không ít bạn trẻ bây giờ thấy khách sáo, khó chịu và muốn bỏ. Trong khi đó, việc phân công chăm sóc giáo dục con cái ở gia đình truyền thống nhiều thế hệ một nhà có những mặt tích cực như tạo ra một nếp sống có quy củ, có trật tự và mỗi thành viên được giáo dục theo truyền thống gia đình. Thiết nghĩ những gia đình trẻ hôm nay cũng cần có sự kế thừa phát huy những mặt tích cực của “nếp nhà” xưa. Được như vậy thì con em lớn lên sẽ mang theo những nét đẹp trong ứng xử trong giao tiếp, trong sinh hoạt và đặc biệt là truyền thống hòa thuận, lễ phép chăm lo cho gia đình ấm êm hạnh phúc… Ngày nay không ít gia đình thường có những lộn xộn về mặt ứng xử, về đạo đức gia đình gây nhức nhối dư luận cần suy nghĩ. Đó là cảnh con chửi đánh cha mẹ, đuổi cha mẹ già ra khỏi nhà, đó là cảnh anh em huynh đệ tương tàn... Phải chăng nếp nhà đang bị lãng quên, đạo đức gia đình đang bị xem nhẹ?

Nên chăng cần có những chuẩn mực về gia đình phù hợp thời đại. Đừng thoát ly truyền thống văn hóa của gia đình. Đó là hành trang không thể thiếu cho con người ta khi vào đời…

Theo: baovanhoa.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com